Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đánh chiếm Bắc Kỳ, chinh phục Hà Nội thì nơi đây, mặc dầu bộ mặt thành phố ít nhiều thay đổi với những công trình hiện đại nhưng quan hệ với bên ngoài hầu như bị khép mình với số phận một thành phố “nhượng địa” mà người nước ngoài ở đây chỉ có “ông Tây, bà đầm” thuộc tầng lớp cai trị. Trong Thế chiến thứ hai, người Nhật đến, chủ yếu cũng chỉ là đội quân phát xít.
Cách mạng tháng Tám 1945 thổi bùng lên một làn gió mới, Hà Nội được xác lập là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả Hà Nội rợp trời cờ đỏ sao vàng khiến viên sĩ quan tình báo người Pháp J. Sainteny khi trở lại với âm mưu “tái chiếm Đông Dương” phải ngạc nhiên ghi lại những điều trông thấy sau ngày Tổng khởi nghĩa: “Trong khi máy bay bay lướt thấp trên vùng trời Hà Nội, chúng tôi nhìn thấy những chùm hoa lạ màu đỏ nở rộ rất nhanh trong thành phố như để đón chào chúng tôi. Máy bay xuống thấp hơn nữa, lúc đó chúng tôi mới phân biệt được đó là những lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc, đây không phải là sự đón tiếp mà chúng tôi hy vọng từ đáy lòng!”. Đúng vậy, họ không biết rằng người Hà Nội chỉ sẵn sàng đón tiếp những người bạn mang đến hòa bình và hữu nghị.
Quân Pháp bắt đầu rút hỏi Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Quân Pháp bắt đầu rút hỏi Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Hà Nội năm 1945 - 1946, chưa bao giờ có người nước ngoài đông và nhiều thành phần phức tạp đến vậy, bạn thì ít mà những kẻ lăm le xâm chiếm nước ta thì nhiều. Lính phát xít Nhật tuy đã đầu hàng nhưng chưa rút hết về nước, quân Trung Hoa Dân quốc dưới danh nghĩa Đồng minh tràn vào phá phách hòng lật đổ chính quyền cách mạng, quân Pháp sau Hiệp định sơ bộ được đóng quân tại một số thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội. Nhân dân Hà Nội theo lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh ứng xử với ngoại bang, hết sức tránh bị khiêu khích nhưng vẫn kiên cường chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đó là cách ứng xử văn minh nhưng không lùi bước, tế nhị mà rất kiên cường, tạo nên một nét mới trong văn hóa người Hà Nội giữa những ngày đầu cách mạng sục sôi.
Thế rồi, chiến tranh bùng nổ, tối 19/12/1946, “đúng 20 giờ, điện Hà Nội bị cúp trong khi tự vệ tấn công vào các khu vực của người Pháp tại nhiều điểm. Xe của Sainteny, trên đường rời nhà mình đến dinh Ủy viên Cộng hòa, bị trúng mìn, ông ta bị thương nặng”. Dành cho người đại diện nước Pháp thực dân một phát đạn, đó là câu trả lời đầu tiên của người Hà Nội đối với kẻ xâm lược. Và tiếp theo là hơn 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường của Tự vệ Liên khu 1 Hà Nội. Cuộc chiến đấu anh dũng của Trung đoàn Thủ đô đã mở đầu cho cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc để rồi 8 năm sau, tháng 10 năm 1954, “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về” giải phóng.
Hà Nội lại tưng bừng sống trong khí thế cách mạng tràn đầy. Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân Thủ đô ra sức xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn minh, trật tự, các khu công nghiệp lần lượt xuất hiện, các dẫy nhà lắp ghép dần dần được xây dựng. Công viên Thống nhất và đường Thanh niên là bài ca đầy hào hứng của hàng ngàn thanh niên, học sinh vào mỗi ngày chủ nhật “Lao động XHCN”. Các trường đại học mới thành lập, nổi lên là Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Nông Lâm, cùng Đại học Y Dược và Đại học Sư phạm từ kháng chiến trở về. Một đội ngũ trí thức mới được vun trồng cùng hàng chục ngàn học sinh phổ thông các cấp. Tuy vậy Hà Nội vẫn còn nghèo, cái nghèo trong sự trong sáng, trật tự và vươn tới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam (17/10/1954) ngay khi Hà Nội vừa được giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam (17/10/1954) ngay khi Hà Nội vừa được giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Vị khách nước ngoài đầu tiên đến Hà Nội sau ngày Giải phóng là J. Nehru - Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Đông Dương (theo Hiệp định Genève), ngay sau đó là Thủ tướng Liên bang Miến Điện U Nu. Nhân dân Hà Nội vui mừng tiếp đón những người bạn của Việt Nam, những chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc. Trong những năm tiếp theo, người Hà Nội luôn được đón chào các vị lãnh đạo, các chính khách và bạn bè đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, từ châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh.
Nhưng sau vừa đúng mười năm hòa bình xây dựng (1954 - 1964), Hà Nội lại bước vào cuộc chiến khốc liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Một Hà Nội sơ tán có phần vắng vẻ nhưng vững vàng trong cuộc chiến không cân sức giữa mặt đất và bầu trời. Ngoài những người bạn mang đến tình cảm thân thương và tinh thần ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội còn đón nhận các vị khách không mời “từ trên trời rơi xuống”, trú ngụ tại “khách sạn Hilton Hà Nội”. Đó là những tên giặc lái bị bắn rơi nhưng người Hà Nội vẫn đàng hoàng đối xử trên tinh thần khoan dung, nhân đạo phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc.
Hà Nội đã kiên cường trong những ngày khói lửa chiến tranh, quân dân Hà Nội đã vượt qua bao thách thức thù trong giặc ngoài, vững vàng vươn tới.
Chiến tranh kết thúc, miền nam được giải phóng, non sông liền một giải. Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia thống nhất - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan hệ quốc tế mở rộng, nhiều nước trên thế giới chính thức đặt nap là quan hệ ngoại giao, trong đó có đủ 5 nước ASEAN. Việt Nam được kết thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc. Những thành tựu đó đã đưa nhiều vị khách nước ngoài tới Hà Nội, nhưng ngay sau đó, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cùng chính sách cấm vận của các lực lượng thù địch lại gây ra nhiều khó khăn, cánh cửa đối ngoại một lần nữa khép lại.
Hà Nội đã kiên cường trong những ngày khói lửa chiến tranh, quân dân Hà Nội đã vượt qua bao thách thức thù trong giặc ngoài, vững vàng vươn tới. Tuyên dương những chiến công qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Thủ đô, năm 1999 Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, một Thủ đô anh hùng, một thành phố cách mạng.
Nguồn: https://nhandan.vn/thu-do-ha-noi-canh-cua-giao-luu-quoc-te-post832158.html
Bình luận (0)