Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn như sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả... tràn lan trên thị trường. Những sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng, nhất là khi người dùng tin tưởng sử dụng trong thời gian dài.
Những thực phẩm giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, nhất là khi người dùng sử dụng trong thời gian dài
Ảnh: P.H
Thực phẩm bẩn gây nhiều hệ lụy
Theo bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, thực phẩm bẩn không chỉ gây bệnh cấp tính, mà còn có thể là yếu tố thúc đẩy sự hình thành ung thư.
Các hóa chất độc hại như aflatoxin, nitrosamine, phẩm màu công nghiệp hoặc formaldehyde đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nghiên cứu quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư ở người. WHO đã xác định nhiều yếu tố trong chế độ dinh dưỡng và độc tố có liên quan đến nguy cơ ung thư, gồm:
Chất bảo quản, phụ gia, tạo màu, tạo mùi bị lạm dụng có thể gây ung thư gan, dạ dày, đại tràng.
Dioxin, aflatoxin, nitrosamine trong thực phẩm nhiễm nấm mốc hoặc chế biến không an toàn có nguy cơ gây ung thư.
Ngoài ra, bác sĩ Dung cho hay, theo WHO, việc tiêu thụ thực phẩm nhiễm khuẩn, hóa chất, kim loại nặng, hoặc chất bị cấm còn có thể gây ra nhiều loại bệnh như:
- Ngộ độc thực phẩm cấp: Triệu chứng bao gồm đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi.
- Bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa: Như vi khuẩn salmonella, E.coli, campylobacter, norovirus…
- Tích tụ kim loại nặng: Các kim loại như chì, thủy ngân, cadimi có thể gây ảnh hưởng đến thận, gan và thậm chí là hệ thần kinh.
- Rối loạn nội tiết: Do dư lượng hormone, kháng sinh hoặc hóa chất còn dư trong thực phẩm.
Trao đổi về hệ quả của việc tiêu thụ phải các thực phẩm giả trên thị trường, bác sĩ Dung nói thêm: “Sữa giả thường được pha bằng tinh bột, hóa chất tạo màu, tạo mùi và đạm. Nếu trẻ dùng phải sữa giả trong thời gian nhất định, có thể bị thiếu dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và nguy cơ ngộ độc rất cao. Ngoài ra, các loại kẹo rau được “giả dạng” thành kẹo cho trẻ em thường chứa chất tạo màu tổng hợp, chất phụ gia không rõ nguồn gốc, có thể gây ung thư”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các loại thực phẩm chức năng giả được rêu rao là có tác dụng trị bệnh. Theo bác sĩ, nhiều loại có chứa steroid, chất kích thích hoặc làm tăng đường huyết người tiêu dùng, lợi bất cập hại.
Các kim loại như chì, thủy ngân, cadimi... gây ảnh hưởng xấu đến thận, gan và thậm chí là hệ thần kinh
Ảnh minh họa: AI
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bác sĩ Dung cho biết, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nhiều nhất do tiêu thụ thực phẩm bẩn hoặc kém chất lượng gồm:
Trẻ em: Dễ bị suy dinh dưỡng, rối loạn phát triển khi dùng phải sữa giả, thức ăn nhiễm độc.
“Chỉ cần một lượng nhỏ hóa chất đã đủ gây hại đối với trẻ, vì hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện như ở người trưởng thành”, bác sĩ Dung cho hay.
Người cao tuổi: Dễ sốc nhiễm khuẩn, mất nước nhanh, dễ suy kiệt nếu bị ngộ độc hoặc tiêu chảy cấp.
Phụ nữ mang thai: Nguy cơ sinh non, sảy thai, dị tật thai nhi nếu ăn phải thực phẩm chứa kim loại nặng, hóa chất độc hại.
Người mắc bệnh nền: Tiểu đường, suy gan, suy thận... dễ bị biến chứng nặng khi ngộ độc.
Từ đó, bác sĩ Dung đưa ra lời khuyên để lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và các sản phẩm trên thị trường sao cho đảm bảo sức khỏe:
- Mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận an toàn.
- Tránh dùng thực phẩm quá hạn, không nhãn mác, không rõ thành phần.
- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, đặc biệt với thực phẩm chức năng.
- Tuyên truyền cho trẻ về tác hại của kẹo giả, sữa giả.
- Khám sàng lọc người có nguy cơ khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Đặc biệt, không nên tự ý sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng khi không có khuyến cáo của chuyên gia y tế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuc-pham-ban-va-nguy-co-ung-thu-185250525222050042.htm
Bình luận (0)