Cuốn sách giới thiệu 30 phát minh tiêu biểu, từ những kỹ thuật du nhập cho đến những sáng tạo thuần Việt.
Trong đó, đáng chú ý là việc người Giao Chỉ đã biết dùng thân cây chuối để dệt ra sợi tơ nhỏ mịn như lụa, hay sự xuất hiện của xe cứu hỏa thời vua Minh Mạng với hiệu quả vượt trội...
Một minh chứng điển hình cho trí tuệ Việt là thuyền đáy đan nan - loại thuyền độc đáo không có ở Trung Hoa hay các nước Đông Nam Á. Giữa thế kỷ XX, hải quân Mỹ từng ghi nhận loại thuyền dài 12-15m này có đáy làm từ tre đan, nhẹ, bền, chống hà tốt và dễ thay thế với chi phí thấp hơn nhiều so với thuyền đáy gỗ.

Tác giả Đông Nguyễn - người đồng hành nghiên cứu và biên soạn cuốn sách cho biết: “Nhiều người vẫn cho rằng Việt Nam không có truyền thống biển, yếu kém về kỹ thuật hàng hải nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều dẫn chứng, cho thấy kỹ thuật đi biển của người Việt khiến cả những nền hàng hải lớn như Trung Quốc hay Hoa Kỳ phải nể phục”.
Anh dẫn chứng, ngay trong thập niên 1960-1970, các sĩ quan hải quân Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thán phục trước loại thuyền đáy nan tre của Việt Nam.
“Thoạt nhìn, chúng giống như những chiếc thúng khổng lồ, nhưng thực tế có thể chở tới 50 tấn hàng, vượt sóng gió ra tận Đài Loan (Trung Quốc). Giá thành lại rẻ, bền chắc và dễ sửa chữa - đó là sự kết hợp hiếm có giữa trí tuệ dân gian và tính ứng dụng cao”, tác giả Đông Nguyễn nói.

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, Kaovjets Ngujens, họa sĩ người Latvia gốc Việt, chuyên minh họa lịch sử theo các thời kỳ - là tác giả và họa sĩ chính trong nhiều dự án sách và phim tài liệu lịch sử - đã bày tỏ sự bất ngờ về việc người Việt từ rất sớm đã biết chế tạo đồng hồ cơ.
Anh chia sẻ: “Thành thật mà nói, trước khi tìm hiểu tài liệu, tôi cũng chưa từng nghĩ rằng người Việt có thể tiếp thu kỹ thuật chế tác đồng hồ từ châu Âu sớm đến vậy. Thậm chí, còn có người sang tận Hà Lan để học và mang kỹ thuật về nước áp dụng”.
Kaovjets Ngujens cũng nhấn mạnh khả năng chế tác binh khí của người Việt trong lịch sử: “Chúng ta không phải là quốc gia lớn mạnh, nhưng từng nhiều lần đối đầu với các đế quốc trong khu vực. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là chính những đế quốc ấy lại không tiếc lời ca ngợi sự tinh xảo của binh khí do người Việt làm ra từ công năng cho đến tính thẩm mỹ...”.

Theo các tác giả, nội dung trong sách được khảo cứu từ thư tịch cổ, kèm chú thích rõ ràng để bạn đọc kiểm chứng.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thuyen-nan-tre-to-chuoi-va-nhung-sang-tao-ky-dieu-cua-nguoi-viet-xua-post796633.html
Bình luận (0)