Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiền Giang: Chú trọng đào tạo, phát triển nghề cho phụ nữ nông thôn

Công tác đào tạo, phát triển nghề cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh tích cực triển khai.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang21/05/2025

(ABO) Công tác đào tạo, phát triển nghề cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Tiền Giang tích cực triển khai. Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ có kiến thức nghề nghiệp tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
 
ĐÀO TẠO NGHỀ THEO NHU CẦU
 
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động lao động nữ tham gia học nghề; chỉ đạo cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ; phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền về lao động việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin về việc làm, học nghề. 
Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề tóc, trang điểm miễn phí do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam tổ chức.
Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề tóc, trang điểm miễn phí do Hội LHPN tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam tổ chức.
Cụ thể, vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Công ty L’Oreal Việt Nam mở 2 lớp đào tạo nghề tóc, nail, trang điểm miễn phí cho học viên để hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ chưa có việc làm tại địa phương, kinh phí đào tạo trên 700 triệu đồng/lớp (nguồn kinh phí Công ty L’Oreal Việt Nam tài trợ 100%). 
 
Đồng thời, phối hợp tư vấn xuất khẩu lao động nước ngoài 3 cuộc có 360 lượt hội viên phụ nữ (HVPN) dự; phối hợp ngành Khuyến nông tổ chức 8 cuộc hội thảo; 12 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi có trên 1.257 HVPN dự.
 
Cùng với đó là tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình sinh kế: Tổ “Phụ nữ làm phao câu cá”, “Phụ nữ may gia công”, “Phụ nữ may túi xách”, “Phụ nữ ép áo mưa”, “Kết chổi dừa”... Ngoài ra, Hội còn thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế “Bán vé số lưu động” cho 20 phụ nữ buôn bán vé số với số tiền 180 triệu đồng…
 
Theo Hội LHPN tỉnh, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ, phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.635 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; mở 201 lớp đào tạo nghề cho 4.539 lao động nữ có nhu cầu khởi nghiệp được tham gia các lớp học nghề: May, đan, nấu ăn, trồng lúa, kỹ thuật trồng sầu riêng, thanh long, bưởi, trồng rau an toàn, lúa cao sản, cây cảnh, nuôi thủy sản, kỹ thuật chăn nuôi heo... 
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như đan dây nhựa, đan giỏ xách, đan lục bình, may túi xách...; phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học về trồng khóm, khoai mỡ, trồng lúa; nuôi heo, gà, vịt; chăm sóc sầu riêng, mít, lúa…
 
Trong đó, có nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. 
 
Được tham gia lớp dạy nghề làm tóc, trang điểm miễn phí, chị Phan Thị Cẩm Tú (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) và chị Phạm Thị Phượng (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) đều phấn khởi cho biết, sau 4 tháng tham gia khóa học, các chị đã nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp cho mình với sự hướng dẫn rất tận tình của thầy cô. Sau khi kết thúc khóa học, nhiều học viên đã nắm được các kỹ năng, có tay nghề để theo làm nghề với việc mở tiệm làm tóc và trang điểm.
Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp mở 3 lớp pha chế nước giải khát cho phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp mở 3 lớp pha chế nước giải khát cho phụ nữ.
Hay như, Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp Ban Quản lý Dự án “Phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Tổ chức Liên minh Na Uy mở 3 lớp pha chế nước giải khát hoàn toàn miễn phí cho 70 chị em phụ nữ có nhu cầu. 
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Kiều Tiên cho rằng: Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho HVPN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ trong thời gian qua, để góp phần giảm thiểu tỷ lệ lao động nữ không có việc làm tại địa phương, đồng thời giúp đỡ HVPN có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ NÔNG NHÀN 
 
Hàng mẫu vừa được giao về Tổ hợp tác (THT) Kim Ngân, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cũng là lúc các chị em phụ nữ nơi đây tất bật, hăng say, miệt mài để vừa học cách đan theo mẫu từ công ty đưa xuống, vừa cố gắng hoàn thành sản phẩm sớm nhất để giao đúng thời gian ấn định của công ty đặc hàng.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Tổ trưởng THT cho biết: Gần 20 năm qua, THT luôn song hành cùng các chị em phụ nữ trong và ngoài địa phương có thêm việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình, quan trọng hơn là giúp cho mọi người có cái nghề ổn định. 
THT Kim Ngân, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ.
THT Kim Ngân, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ.
Theo bà Hồng Sen, nghề đan gia công này không quá khó, chỉ cần chị em có tính kiên trì, khéo léo là có thể làm được. Trước khi giao mặt hàng đan mới cho chị em, bà Hồng Sen đều hướng dẫn, đan mẫu để mọi người cùng nắm rõ, đan cho thuận lợi, theo đúng tiến độ quy định. 
 
Đặc biệt là chị em được hỗ trợ nguyên liệu đan và được nhận về đan tại nhà. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 10 chị em tham gia nghề này, thì hiện tại, THT đã dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
 
Thạo nghề, nhanh tay với việc đan gia công này, nhiều chị em chia sẻ: Nghề đan gia công này rất thuận tiện, ai cũng có thể vừa ở nhà làm nội trợ, vừa đan lúc rảnh rỗi. Thời gian cũng không quá bó buộc lại có thu nhập ổn định nên phù hợp với phụ nữ có con nhỏ, lao động lớn tuổi. 
Bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Tổ trưởng THT Kim Ngân trực tiếp hướng dẫn chị em đan lát.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sen, Tổ trưởng THT Kim Ngân trực tiếp hướng dẫn chị em đan lát.
Theo chị Nguyễn Thị Nga, ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, từ khi tham gia đan gia công tại THT, chị Nga có thêm nguồn thu nhập bổ trợ nguồn kinh tế cho gia đình. Sắp xếp công việc hài hòa, chị Nga đã nhận hàng về đan tại nhà và tăng gia sản xuất chăn nuôi khoảng 20 con bò. 
 
Chị Nga chia sẻ thêm: Lúc đầu cũng gặp không ít bỡ ngỡ vì chưa thạo việc, thế nhưng với sự hỗ trợ từ Hội phụ nữ, THT, bản thân dần bắt nhịp với nghề mới, không riêng gì bản thân mà hầu như trong xóm, ấp bây giờ ai cũng có thể đan lát các mặt hàng gia công từ dây cói, lát…
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo Nguyễn Thị Thúy Vân xác định: Dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập là một trong những điều kiện để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, hằng năm, Hội LHPN xã thường xuyên kết nối, tạo điều kiện giúp chị em tham dự các lớp tư vấn, dạy nghề ngắn hạn do Hội LHPN tỉnh, huyện tổ chức. 
Các sản phẩm thủ công ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Các sản phẩm thủ công ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội. 
 
Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo các ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ; vận động chị em tích cực học nghề và tạo việc làm; tiếp tục hỗ trợ vốn, phát triển nghề đã học cho hội viên; xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình hợp tác xã, tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; triển khai sâu rộng Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
 
P. MAI - H. TUYẾN
 
 

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202505/tien-giang-chu-trong-dao-tao-phat-trien-nghe-cho-phu-nu-nong-thon-1043153/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm