(MPI) – Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 (Báo cáo SDGs năm 2023), các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc triển khai các chiến lược, chính sách trên ngành/lĩnh vực tiếp tục chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ảnh minh họa. |
Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng gắn kết chặt chẽ và tác động đến phát triển kinh tế – xã hội và phát triển bền vững trên nhiều mặt, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp thâm dụng tri thức và công nghệ, là nhân tố chính trong tăng trưởng năng suất. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được tăng cường, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Các chính sách giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống sau bão, lũ; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo… góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.
Việc triển khai các mục tiêu/cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tiếp tục được cụ thể hóa thông qua việc công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại Hội nghị COP 28.
Thế và lực của ta trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc phát triển tốt đẹp; Việt Nam tham gia ngày càng tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, các diễn đàn song phương, đa phương trong khu vực và trên toàn cầu. Các chuyến thăm Cấp cao của Lãnh đạo Nhà nước được tận dụng hiệu quả để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế với các đối tác, tháo gỡ một số dự án tồn tại khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế đối với hạ tầng chiến lược. Công tác vận động các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được đẩy mạnh.
Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2023 tiếp tục đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện ở một số chỉ tiêu nổi bật sau: Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều đạt 3,2%; Tỷ lệ thất nghiệp đạt 2,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 91,6%; Tăng trưởng GDP đạt 5,05%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn đạt 78%; Tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì mục tiêu đề ra, đạt 42,02%; Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ các khó khăn, thách thức như chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng; triển khai chưa đồng bộ; một số chỉ tiêu khó đạt. Chất lượng phát triển con người còn chưa cao; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ tái nghèo còn cao; còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp cản trở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động có trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu nhân lực trình độ cao; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.
Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, kết nối giữa các khu vực, thành phần kinh tế chưa thực sự hiệu quả; đặc biệt sự kết nối, lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước còn chậm; mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi, vốn đầu tư đăng ký nước ngoài và viện trợ đều có xu hướng giảm. Mô hình tăng trưởng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên cơ sở khai thác những lợi thế cạnh tranh mới, tạo động lực tăng trưởng mới.
Các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm, có nơi đã đến mức nghiêm trọng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc loại hình ô nhiễm cao chiếm tỷ lệ lớn hơn so với cơ sở thuộc loại hình ít ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ các dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời, dự án thủy điện.
Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo cao và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ý thức trong quản lý, bảo vệ môi trường và môi trường biển tại nhiều nơi chưa cao; hình thức sử dụng các vật liệu gây hại cho môi trường còn phổ biến, đặc biêt là rác thải nhựa, dẫn đến áp lực với môi trường và môi trường biển. Công nghệ hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, xử lý chất thải.
Dữ liệu để phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu SDGs vẫn còn hạn chế, trong đó số liệu về các chỉ tiêu liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, sản xuất và tiêu dùng bền vững, tài nguyên thiên nhiên chưa được cải thiện nhiều.
Trên cơ sở những kết quả đạt được các khó khăn, thách thức hiện nay, báo cáo đưa ra phương hướng, giải pháp thúc đẩy thực hiện SDGs. Theo đó, tiếp tục nghiêm túc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tập trung nguồn lực để hoàn thành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Thúc đẩy việc thực hiện chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực; các chiến lược/chính sách có tính xuyên suốt như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; các chiến lược/chính sách liên quan đến hỗ trợ tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao… để góp phần đạt được các mục tiêu SDGs.
Sử dụng hiệu quả và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên, bố trí nguồn lực cho các mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái và thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Bố trí nguồn lực để thực hiện thường xuyên và định kỳ công tác thu thập số liệu, theo dõi và báo cáo việc thực hiện các mục tiêu SDGs. Tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý để khai thác, thúc đẩy và phát triển các xu thế, không gian, động lực phát triển mới; tranh thủ được các cơ hội, thời cơ, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển bền vững; đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cơ quan liên quan trong thực hiện các mục tiêu SDGs. Thường xuyên trao đổi, cập nhật với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững SDGs. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính/kỹ thuật quốc tế cho thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-7-31/Tiep-tuc-trien-khai-cac-nhiem-vu-duoc-giao-theo-Ke2kzins.aspx