Dự án đang được tăng tốc thi công với quyết tâm không gián đoạn, bất chấp những thay đổi lớn về mô hình chính quyền địa phương và địa giới hành chính. Đây không chỉ là công trình giao thông trọng điểm mà còn là “mạch kết nối” chiến lược cho vùng Tây Bắc trong giai đoạn chuyển mình.
Liên danh thực hiện gói thầu XL - 01 tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Trục trọng yếu kết nối vùng
Dài 34km, 4 làn xe, gần 10.000 tỷ đồng đầu tư, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu không chỉ là tuyến đường, mà còn là kỳ vọng phát triển. Tuyến đường này xuyên qua các xã Hiền Lương, Tiền Phong, Cao Sơn, Tân Mai (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) và kết nối với Vân Hồ (Sơn La). Đi qua các địa hình đặc biệt, công trình có các cầu cao, hầm dài và điểm nhấn là cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình dài 1,2km nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
Không chỉ đẹp về cảnh quan, dự án còn có ý nghĩa chiến lược: Kết nối hệ thống giao thông liên vùng như đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Mộc Châu); đường Đà Bắc - Thanh Sơn... Nhờ đó, dự án khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực vận chuyển, thúc đẩy du lịch và xuất khẩu nông sản vùng Tây Bắc. Đặc biệt, trong bối cảnh ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu càng trở nên cấp thiết, đóng vai trò là “trục xương sống” kết nối Tây Bắc với trung tâm tỉnh mới và vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau gần một năm khởi công, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn km19 - km53) đã đạt nhiều dấu mốc quan trọng, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các gói thầu xây dựng. Đến quý II/2025, công tác mặt bằng đã hoàn thành gần như toàn bộ: Xã Cao Sơn, Tiền Phong, Hiền Lương đã bàn giao được 20,7km/21,75km, tương đương 95% chiều dài đoạn tuyến. Xã Tân Mai cũng đã bàn giao được hơn 10km, đạt tỷ lệ 99%.
Các nhà thầu lớn như Vinaconex, VNCN E&C, Đèo Cả, Sơn Hải, Trường Sơn... đang tăng tốc thi công trên nhiều mũi, với khối lượng đắp nền lên tới hàng trăm nghìn mét khối. Các hạng mục như cầu cạn, cống ngầm được thi công với kỹ thuật hiện đại. Dự kiến, các hạng mục trọng yếu như hầm số 1, hầm số 2 và các cầu cấp đặc biệt sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025, tiến tới thông tuyến giai đoạn 1 vào 2026.
Không để dự án chậm tiến độ
Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và vận hành mô hình chính quyền 2 cấp đang diễn ra song song với việc triển khai dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà thầu và chính quyền địa phương khẳng định: Quá trình tổ chức lại bộ máy không làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Ông Nguyễn Tiến Tường, đại diện VNCN E&C, đơn vị thuộc liên danh gói XL-01 cho biết: Dự án về cơ bản đã được bàn giao mặt bằng và đơn vị đã triển khai 8 mũi thi công trên toàn tuyến. Hiện nay, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến đường điện, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền cấp xã để tháo gỡ. Trước mắt, chúng tôi tập trung nhân lực, máy móc thi công mặt bằng có sẵn với phương châm mặt bằng bàn giao đến đâu tổ chức thi công đến đấy.
Tại xã Cao Sơn, đồng chí Lường Văn Thi, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp không ảnh hưởng nhiều đến quá trình triển khai dự án. Riêng đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chúng tôi cũng đã bố trí đội ngũ cán bộ có đủ năng lực trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và cũng đã từng tham gia dự án trước đó để có thể tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện, đảm bảo liền mạch và hiệu quả. Đồng tình, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Bàn Kim Quy cho biết thêm: Việc tinh gọn bộ máy, phân cấp rõ ràng sẽ giúp giải quyết nhanh hơn các thủ tục đất đai, tháo gỡ “nút thắt” trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đầu tư hạ tầng giao thông được xác định là một trong những trụ cột ưu tiên để kết nối không gian phát triển liên vùng, liên tỉnh. Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là một trong những dự án được kỳ vọng tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, nhà thầu và người dân càng trở thành yếu tố sống còn để triển khai hiệu quả dự án. Sự quyết tâm của những người trong cuộc cùng với cơ chế quản lý mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả càng tạo đà để dự án “cán đích” đúng kế hoạch.
Đinh Hòa
Nguồn: https://baophutho.vn/tiep-tuc-trien-khai-hieu-qua-du-an-cao-toc-hoa-binh-moc-chau-235449.htm
Bình luận (0)