Tăng trưởng tổng cầu giữa bộn bề thách thức
Qua số liệu của Tổng cục Thống kế cho thấy, tổng cầu tiêu dùng trong nước thể hiện qua chỉ số tổng mức bán lẻ. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định: "Mức tăng tổng cầu tiêu dùng qua chỉ số tổng mức bán lẻ chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, điều này cho thấy tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Trong khi đó, tổng cầu tiêu dùng bên ngoài cũng yếu. Xuất, nhập khẩu giảm cho thấy bối cảnh khó khăn chung trên thế giới, sản xuất trong nước chưa phục hồi tốt" - ông Lâm cho biết.
Về giải ngân đầu tư công TS Lâm cho rằng, các con số có tăng trưởng như chưa đủ lớn. Theo đó, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỉ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỉ đồng.
Nói thêm về động lực tăng trưởng đầu năm 2024, ông Lâm nhấn mạnh vào nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo ông, việc cải cách thể chế là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng chưa được Chính phủ đề cấp đến trong thời gian qua.
TS Lâm cho rằng, nếu có môi trường pháp lý tốt, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi tốt.
Động lực tăng trưởng mới
Bàn về giải pháp có thể hướng tới trong năm 2024, TS Nguyễn Bích Lâm cho biết, điểm sáng trong tổng cầu là doanh nghiệp sản xuất đang chủ động tìm kiếm đầu ra, đơn cử như việc sản xuất xuất khẩu tôm đã phát triển hơn 100 thị trường; xuất khẩu dệt may bên cạnh duy trì thị trường truyền thống cũng bắt đầu tìm đến các thị trường ngách, thị trường mới tại Trung Đông.
Tuy vậy, ông Lâm nhấn mạnh cơ bản vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tìm đầu ra. Dù thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nhưng đầu ra khó khăn nên doanh nghiệp chần chừ đi vay.
"Tôi cho rằng, một trong những yếu tố có thể tập trung đầu tiên đó là tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ngoài chính sách giảm thuế VAT 2% kéo dài đến năm 2024, tôi cho rằng, cần có thêm các giải pháp giảm giá, khuyến mại các mặt hàng để tăng sức mua" - TS Lâm phân tích.
Về đầu tư, TS Lâm đề xuất để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chính phủ cần có giải pháp tách bạch nhà thầu thi công công trình và đơn vị chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Theo ông, việc giải phóng mặt bằng nên giao về các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Khi giải phóng mặt bằng hoàn thành mới nên tổ chức đấu thầu, đưa các nhà thầu vào triển khai.
Đóng góp về giải pháp, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ra một động lực tăng trưởng mới. Theo đó, khi nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng có thể không đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra, kinh tế số sẽ là một trong những động lực mới quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo.
Theo ông Thành, vừa qua Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh (CIEMB) 2023” lần thứ 6. Tại đây, một trong những điểm đáng chú ý của các nhà khoa học là đã đưa ra các dự báo, định lượng về tỉ lệ đóng góp của kinh tế số trong nền kinh tế cũng như khả năng tác động của kinh tế số đến năng suất cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Thành nói: "Kinh tế số không những giúp tăng được mức đầu tư, góp phần tăng tổng cầu mà còn ảnh hưởng rất sâu rộng và lâu dài đến phần tổng cung của nền kinh tế, giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng một cách bền vững".
Nguồn
Bình luận (0)