Đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2024 và đang tiếp tục đàm phán, ký kết đơn hàng mới cho những tháng tiếp theo. Đây là tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Công ty cổ phần May KLW Việt Nam giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 600 lao động. Ảnh: Chu Kiều
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quý I/2024 ghi nhận sự phục hồi của các doanh nghiệp dệt may trong nước với số lượng các đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Với hơn 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh, không ngừng củng cố chất lượng sản phẩm, Công ty cổ phần May KLW Việt Nam (Phúc Yên) là đối tác tin cậy của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hugo Bos, Puma, DKNY, Tommy Bahama...
Đại diện công ty cho biết, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2024. Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với Công ty cổ phần May KLW Việt Nam khi lượng đơn hàng của các khách hàng hiện hữu đều có xu hướng giảm.
Để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, công ty đã nỗ lực bù đắp đơn hàng từ nội địa, song không khả thi, bởi nhu cầu mua hàng trong nước giảm 30% so với năm 2022; mặt khác, sự cạnh tranh trong nước và từ các quốc gia khác tăng cao do thiếu hụt đơn hàng khiến giá bán sản phẩm giảm từ 10% - 20%, trong khi đó, chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng cao dẫn đến lợi nhuận thấp kỷ lục.
Trước dự báo thị trường còn nhiều biến động, năm 2024, Công ty cổ phần May KLW Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường và đa dạng hóa danh mục sản phẩm để mở rộng phạm vi khách hàng; đồng thời, thực hiện tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục duy trì hợp tác với các thị trường thế mạnh như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, tăng cường tiếp cận khách hàng mới tại các thị trường này, hợp tác với các đối tác chiến lược, các nhà máy vải và phụ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ sản xuất. Nhờ vậy, đến hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu được hơn 460 nghìn sản phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động.
Với việc chủ động thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL), KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) đã nhận được nhiều đơn hàng, sản lượng xuất khẩu đạt 1 triệu sản phẩm.
Năm 2023, ngành dệt may trong nước đối diện với nhiều khó khăn bởi xung đột vũ trang, bất ổn chính trị ở một số quốc gia là đối tác xuất khẩu chủ lực, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 11,37% so với năm 2022.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2024, khi số lượng các đơn hàng gia tăng trở lại, các doanh ngành dệt may đã chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh hóa, bền vững để đáp ứng những yêu cầu mới khắt khe hơn từ các đối tác, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và đẩy mạnh sản xuất, đưa chỉ số sản xuất trang phục trong quý I/2024 tăng 7,84% so với cùng kỳ. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành may đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2024.
Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024, đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may trong nước đạt 44 tỷ USD, hiện, các doanh nghiệp trong ngành dệt may trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục chuyển trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn với các giải pháp chính là tập trung đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu; thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó, đưa ra định hướng hoạt động SXKD hiệu quả...
Lưu Nhung
Nguồn
Bình luận (0)