1. Tỉnh nào toàn bộ là đất liền nhưng tên gọi lại có biển?
- Bình Dương
- Hưng Yên
- Hải Dương
- Vĩnh Long
Hải Dương là một tỉnh không có biển, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng. Theo nghĩa chữ Hán, “Hải” nghĩa là biển, “Dương” nghĩa là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông”. Ngoài ý nghĩa này, Hải Dương còn có thể hiểu là ánh sáng từ miền duyên hải (phía Đông) chiếu về, do Hải Dương nằm ở phía Đông kinh thành Thăng Long.
2. Tỉnh này không giáp với tỉnh nào sau đây?
- Hải Phòng
- Quảng Ninh
- Bắc Giang
- Hà Nam
Hải Dương có diện tích 1.688km2 với dân số theo thống kê 2022 là khoảng 1,9 triệu người. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 57km.
Hải Dương giáp 6 tỉnh, thành, trong đó phía Bắc giáp Bắc Giang; phía Đông giáp Quảng Ninh và Hải Phòng; phía Tây giáp Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình. Hải Dương không nằm cạnh Hà Nam.
Địa hình tỉnh Hải Dương gồm hai phần chính gồm đồi núi và đồng bằng. Trong đó, đồi núi có độ dốc vừa phải, phù hợp phát triển cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây nông nghiệp ngắn ngày. Vùng đồng bằng được phù sa sông Thái Bình bồi đắp, thích hợp trồng các loại cây canh tác nhiều vụ trong năm.
3. Tỉnh này từng sáp nhập với tỉnh nào?
- Bắc Ninh
- Thái Bình
- Hải Phòng
- Hưng Yên
Hải Dương từng được sáp nhập với tỉnh Hưng Yên vào tháng 1/1968 tạo thành tỉnh Hải Hưng với tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Hải Dương. Hải Hưng là tỉnh lớn, nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, chiếm 21,7% tổng diện tích đồng bằng Bắc Bộ với số dân hơn 1,6 triệu.
Nằm giáp Hà Nội và Hải Phòng, Hải Hưng khi đó có vị trí trọng yếu về kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp. Đến năm 1996, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Hải Hưng để tái lập thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên như hiện nay.
4. Danh xưng Hải Dương xuất hiện từ khi nào?
- Nửa đầu thế kỷ XVII
- Nửa cuối thế kỷ XVI
- Nửa cuối thế kỷ XV
- Nửa đầu thế kỷ XV
Danh xưng Hải Dương chính thức xuất hiện từ năm 1469 (nửa cuối thế kỷ XV). Khi đó, vua Lê Thánh Tông cho định bản đồ trong nước, gồm 12 thừa tuyên. Đạo thừa tuyên Nam Sách đổi thành thừa tuyên Hải Dương.
Đến năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh của vua Minh Mạng, các trấn từ Quảng Trị trở ra phía Bắc được chia thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hải Dương. Như vậy, “tỉnh Hải Dương” xuất hiện vào thế kỷ XIX.
5. Tỉnh này không phải quê hương của ai?
- Mạc Đĩnh Chi
- Chu Văn An
- Nguyễn Trãi
- Vũ Hữu
Hải Dương là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều tài năng lỗi lạc cho quê hương, đất nước. Ngoài anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi, đại danh y Tuệ Tĩnh, Hải Dương còn là quê hương của nhiều danh nhân như: Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài…
Trong khi đó, Chu Văn An sinh tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao và được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-toan-bo-la-dat-lien-nhung-ten-goi-lai-co-bien-2306864.html