Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng, nguồn gốc sản phẩm trước khi nhận để tránh rủi ro mua phải hàng giả, hàng không đúng mô tả. Ảnh: T.L |
Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội hay ứng dụng bán hàng những quảng cáo hấp dẫn về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc đông y, thậm chí là hàng “xách tay” với giá rẻ bất ngờ.
Tuy nhiên, đằng sau lời giới thiệu đầy cuốn hút ấy, không ít người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò bán hàng kém chất lượng, sản phẩm không công bố thành phần, không nhãn phụ tiếng Việt, không rõ đơn vị phân phối. Nhiều trường hợp sản phẩm được rao là “thuốc gia truyền” nhưng thực chất là hàng trôi nổi, đóng gói sơ sài, mạo danh thương hiệu khác, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi người dùng.
Tại Thái Nguyên, một số vụ việc gần đây cho thấy tình trạng này đang diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng không dễ phân biệt thật - giả trong khi người bán có thể tạo tài khoản ảo, thay đổi tên của hàng online, địa chỉ và xóa dấu vết chỉ sau vài giờ giao dịch. Việc mua bán diễn ra chỉ qua vài cú nhấp chuột, từ đăng bài, nhận đơn đến chuyển phát, khiến việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, nhiều vụ việc người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo và phân phối sản phẩm giả, không đúng với nội dung công bố đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Điều này càng cho thấy mức độ tinh vi và phổ biến của hành vi vi phạm trong môi trường số, khi niềm tin của người tiêu dùng dễ bị đánh tráo bởi những chiêu trò tiếp thị được dàn dựng bài bản.
Trong khi lực lượng chức năng đã và đang nỗ lực kiểm tra, kiểm soát, thì sự thiếu kỹ năng nhận diện hàng hóa của một bộ phận người tiêu dùng lại khiến tình trạng hàng giả có đất sống. Nhiều người vẫn bị hấp dẫn bởi những quảng cáo “giá sốc”, dễ tin vào lời giới thiệu trên mạng mà chưa có thói quen kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Không ít người khi mua phải hàng kém chất lượng lại chọn cách im lặng vì ngại khiếu nại hoặc không biết nên báo cho ai.
Từ thực tế đó, việc xây dựng thói quen tiêu dùng an toàn là điều hết sức cần thiết. Người dân nên lựa chọn các gian hàng có uy tín, được xác minh trên sàn thương mại điện tử hoặc cửa hàng phân phối chính hãng. Đối với các mặt hàng có liên quan đến sức khỏe như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì nên ưu tiên mua tại cơ sở có đầy đủ giấy phép, công bố chất lượng rõ ràng. Trước khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác, thông tin sản phẩm và hóa đơn nếu có.
Bên cạnh việc lựa chọn cẩn trọng, người tiêu dùng cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách phản ánh, tố giác khi phát hiện hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bảo vệ thương hiệu bằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, thông tin minh bạch về sản phẩm. Đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái mạo danh của đơn vị mình đang lưu hành trên thị trường.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, để cuộc chiến chống hàng giả thực sự hiệu quả, cần có sự chung tay từ quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Chống hàng giả không phải là việc của riêng ai. Khi người tiêu dùng biết lựa chọn có trách nhiệm, tỉnh táo trước những lời quảng cáo hấp dẫn và nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, họ đang góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/tinh-tao-de-tieu-dung-an-toan-d9004e7/
Bình luận (0)