Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TP Hồ Chí Minh đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho 14 triệu dân sau hợp nhất

Sau khi hợp nhất, diện tích của Thành phố sẽ tăng từ 2.095km2 lên 6.772km2, dân số từ 9,9 triệu người sẽ tăng lên hơn 13,7 triệu người, nhu cầu và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế sẽ tăng tương ứng.

VietnamPlusVietnamPlus21/05/2025

Dù số lượng cơ sở y tế và nhân lực gia tăng sau khi hợp nhất Thành phố Hồ Chí Minh, với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng số lượt khám chữa bệnh, điều trị chắc chắn tăng và nguy cơ quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối là hiện hữu.

Đây là một thách thức lớn mà Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo Sở Y tế, khi hợp nhất, diện tích của Thành phố sẽ tăng từ 2.095km2 lên 6.772km2, dân số từ 9,9 triệu người sẽ tăng lên hơn 13,7 triệu người, nhu cầu và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế sẽ tăng tương ứng.

Số lượng các bệnh viện thuộc Thành phố sẽ tăng từ 134 lên thành 164 bệnh viện (Bình Dương 27 bệnh viện, Bà Rịa-Vũng Tàu 13 bệnh viện); số giường bệnh từ 41.525 lên 49.147 giường (Bình Dương 5.202 giường, Bà Rịa-Vũng Tàu 2.420 giường).

Tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân sẽ giảm từ 41,7 xuống còn 31,3, trong khi chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 42 giường bệnh/vạn dân.

Thành phố sẽ tăng số lượng bác sỹ từ 20.727 người lên 24.629 người nhưng tỷ lệ bác sỹ/vạn dân sẽ giảm từ 20,8 xuống còn 13,08 (chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 21 bác sĩ/vạn dân).

Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân sẽ giảm từ 37 xuống còn 29 (chỉ tiêu phấn đấu hiện nay là 39 điều dưỡng/vạn dân).

Bên cạnh đó, tổng số dịch vụ công của ngành y tế Thành phố từ trung bình hơn 20.000 hồ sơ/năm sẽ tăng lên mức trên 30.000 hồ sơ/năm.

Sau khi hợp nhất, số lượt khám bệnh ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ gia tăng, từ trên 42 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 51 triệu lượt/năm.

Số lượt điều trị nội trú từ trên 2,2 triệu lượt/năm dự báo sẽ tăng lên trên 3,8 triệu lượt/năm. Như vậy, hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cung ứng khoảng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước.

Đây là thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội không nhỏ để ngành Y tế chủ động nghiên cứu, mở rộng thêm cơ sở phục vụ theo mô hình cơ sở 2, cơ sở 3 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành tại địa bàn mới của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.

Việc này vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế trên các địa bàn mới.

Bên cạnh quy hoạch 3 cụm y tế chuyên sâu sẵn có, Thành phố dự kiến quy hoạch xây dựng các cụm y tế chuyên sâu thứ 4-5 (ở tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) và khẩn trương nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh lại chỉ tiêu số giường/vạn dân, số bác sỹ và số điều dưỡng/vạn dân cho phù hợp với tình hình mới.

Một thách thức khác là Thành phố cần sớm có giải pháp mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu "vệ tinh" tại 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến hết tháng 6/2025, lãnh đạo 3 Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục họp bàn, thảo luận các vấn đề quan trọng nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc hợp nhất 3 đơn vị, đảm bảo các hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho gần 14 triệu dân của Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-dam-bao-cham-soc-suc-khoe-tot-nhat-cho-14-trieu-dan-sau-hop-nhat-post1039775.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm