Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - chia sẻ với Lao Động về tiềm năng xuất khẩu trái dừa, nhất là khi hai “ông lớn” là Mỹ và Trung Quốc cùng mở cửa cho loại trái cây này. Dừa Việt Nam đang tràn trề cơ hội gia tăng vị thế và sớm gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỉ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thưa ông, mới đây, Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường đối với quả dừa (đã bóc bỏ vỏ và lớp xơ) của Việt Nam. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc cũng mở cửa cho dừa Việt. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu loại trái cây này?
- Việt Nam là một trong 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới. Hiện nay, nước ta có khoảng 200.000ha đất nông nghiệp trồng dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó dừa được trồng nhiều tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre…
Chỉ tính riêng năm 2022, mặc dù giá trái dừa giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam vẫn đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cây dừa được xuất khẩu đa giá trị, không chỉ riêng trái, mà còn các sản phẩm khác từ dừa như tinh dầu dừa dành cho lĩnh vực y tế, gỗ dừa…
Do đó, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa còn rất lớn mà nếu đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, Việt Nam có thể xuất khẩu loại trái cây này không chỉ riêng thị trường Mỹ, Trung Quốc, mà còn có thể đi các khu vực khác như châu Âu, UAE (các Tiểu Vương quốc Ả rập).
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Còn thị trường Mỹ vốn rất khắt khe đối với các đối tượng kiểm dịch thực vật. Vậy làm thế nào để trái dừa có thể xuất khẩu bền vững sang các thị trường khó tính này?
- Theo thông tin mà chúng tôi có được, hồi tháng 2.2023, phía Mỹ đã gửi kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với trái dừa tươi của Việt Nam.
Qua kết quả phân tích, có 43 loài dịch hại trên cây dừa được xác định nhưng không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Mỹ cũng đã yêu cầu Việt Nam phải xử lý dừa non tươi sau thu hoạch như loại bỏ những quả thối, rụng, gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.
Với thị trường Trung Quốc, thông tin từ Bộ NNPTNT cho biết, phía bạn đã đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư.
Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Thời gian qua, do giá dừa tươi giảm khá mạnh nên người trồng “bỏ bê” nhiều diện tích trồng dừa không chăm sóc, thậm chí có một số nơi chặt bớt cây dừa. Hiện nay, với sự mở cửa của hai thị trường lớn nhất thế giới, liệu có đủ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu không, thưa ông?
- Đúng là trước sự rớt giá của dừa, người trồng đã không chăm sóc các diện tích trồng như đáng lẽ nên làm, thậm chí một số nông dân đã chặt bỏ cây dừa.
Vì vậy, nếu nhu cầu nhập khẩu dừa từ phía Mỹ và Trung Quốc với số lượng lớn, có thể khan hiếm hàng trong thời gian tới, vì để một cây dừa cho thu hoạch, phải mất từ 8 đến 10 năm. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam rất nhạy bén, họ có thể nắm bắt tín hiệu thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
laodong.vn
Bình luận (0)