Bại não là bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh và vận động của trẻ. Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc trẻ bị bại não sống được bao lâu và những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải trong suốt cuộc đời của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ và biện pháp để giúp trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
1. Tổng quan về bệnh bại não
Bại não là một rối loạn thần kinh do tổn thương não bộ trong giai đoạn phát triển sớm. Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng điều khiển cơ thể, vận động và trí tuệ của trẻ.
Nguyên nhân chính dẫn đến bại não, bao gồm:
– Thiếu oxy trong quá trình sinh nở gây tổn thương não.
– Nhiễm trùng khi mang thai như rubella hoặc toxoplasmosis.
– Đột biến gen ảnh hưởng đến phát triển não.
– Sự bất thường trong não bộ xảy ra trong giai đoạn phát triển bào thai.
Bị tổn thương não do thiếu oxy trong quá trình sinh nở là một trong các nguyên nhân gây bại não ở trẻ
2. Trẻ bị bại não sống được bao lâu?
2.1. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian sống của trẻ bị bại não
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến vấn đề trẻ bị bại não sống được bao lâu gồm:
– Mức độ bại não
Đây là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thời gian sống của trẻ bị bại não. Trẻ bị bại não mức độ nhẹ gần như có khả năng sống và tuổi thọ giống như trẻ bình thường. Ngược lại, trẻ bị bại não nặng có thể gặp nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, làm giảm tuổi thọ.
– Biến chứng sức khỏe
Các vấn đề về sức khỏe như động kinh, khó thở hoặc viêm phổi có thể gây nguy hiểm cho trẻ bị bại não. Khi các biến chứng này không được kiểm soát tốt thì tuổi thọ của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
+ Khó nuốt và khó tiêu hóa
Khi bị gặp khó khăn trong việc nuốt, trẻ bại não dễ gặp các vấn đề về dinh dưỡng và tiêu hóa. Đây là lý do dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh lý giảm sút sức khỏe, suy giảm tuổi thọ.
+ Vấn đề về hô hấp
Trẻ bị bại não có nguy cơ gặp các vấn đề hô hấp, đặc biệt là viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc chất lỏng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sớm ở trẻ bị bại não.
+ Biến chứng về xương khớp
Do khả năng vận động hạn chế, trẻ bị bại não thường có nguy cơ mắc các vấn đề về xương khớp như loãng xương, biến dạng cột sống,…
– Chăm sóc y tế
Trẻ được chăm sóc tốt về y tế với các phương pháp vật lý trị liệu, điều trị biến chứng, chăm sóc dinh dưỡng,… thường có sức khỏe tốt và sống khỏe mạnh hơn.
– Hỗ trợ từ gia đình
Gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ vượt qua những khó khăn hằng ngày. Khi trẻ được sống trong môi trường an toàn, có sự chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, sức khỏe và tinh thần từ gia đình thì sẽ có cơ hội phát triển toàn diện, nhờ vậy mà cơ hội kéo dài tuổi thọ được tăng lên.
Chăm sóc y tế tốt và tinh thần tốt là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến vấn đề trẻ bị bại não sống được bao lâu
2.2. Thời gian sống của trẻ bị bại não
Như phân tích ở trên có thể thấy rằng, trẻ bị bại não sống được bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, chăm sóc y tế và các yếu tố khác. Trong nhiều trường hợp, nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể sống đến tuổi trưởng thành và thậm chí có thể sống lâu hơn. Tuy nhiên, trẻ bị bại não nghiêm trọng nếu gặp phải các biến chứng xấu về sức khỏe thì cũng có nguy cơ giảm tuổi thọ.
3. Cách nào có thể cải thiện tuổi thọ cho trẻ bị bại não?
Khi đã quan tâm đến vấn đề trẻ bị bại não sống được bao lâu tuổi thọ, cha mẹ hãy giúp con có được chất lượng cuộc sống tốt bằng các biện pháp như:
– Phục hồi chức năng
Giúp trẻ được tham gia vật lý trị liệu để phục hồi chức năng một cách đều đặn là điều cần thiết để trẻ phát triển khả năng vận động và tự lập hơn trong cuộc sống.
– Môi trường giáo dục
Trẻ bị bại não cần có môi trường học tập phù hợp để phát triển tối đa tiềm năng trí tuệ. Cho con tham gia vào các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ thuộc nhóm này sẽ giúp con phát huy được khả năng của mình.
Trẻ bị bại não hoàn toàn có thể đi học nếu được hỗ trợ giáo dục đặc biệt. Có những trẻ bại não với mức độ nhẹ đi học được như trẻ bình thường.
– Hỗ trợ tâm lý
Tâm lý của gia đình ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ bị bại não. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý thì trẻ và gia đình vượt qua những khó khăn trong quá trình chăm sóc và phát triển.
– Chăm sóc sức khỏe toàn diện
Chăm sóc sức khỏe bao gồm việc khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát các biến chứng như động kinh, viêm phổi và các vấn đề liên quan đến tiêu hóa,… là cách để trẻ được chăm sóc y tế tốt nhất để kiểm soát các nguy cơ làm giảm tuổi thọ.
Trẻ bị bại não có môi trường học tập và hỗ trợ tâm lý tốt từ gia đình sẽ có được cuộc sống chất lượng
4. Cách phát hiện sớm bại não ở trẻ?
Các dấu hiệu ban đầu ban đầu thường thấy ở trẻ bị bại não như:
– Trẻ phát triển chậm ở các mốc kỹ năng vận động.
– Khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc điều khiển cử động.
– Trẻ có thể bị co giật hoặc gặp khó khăn trong ăn uống.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Để chẩn đoán bại não ở trẻ, một số kiểm tra sau sẽ được bác sĩ chỉ định:
– Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra vận động, phản xạ và đánh giá mức độ hoàn thiện các kỹ năng của trẻ.
– Chụp MRI: Xác định, đánh giá tổn thương não.
– Điện não đồ (EEG): Đánh giá hoạt động điện của não.
Câu hỏi “trẻ bị bại não sống được bao lâu” không có câu trả lời chính xác vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thay vì để tâm đến vấn đề này, cha mẹ hãy tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ, đảm bảo trẻ được hỗ trợ tốt nhất về sức khỏe, giáo dục và tinh thần. Hiểu rõ được tình trạng của con mình và làm tốt các khâu hỗ trợ cần thiết là cách các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ bị bại não sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/tre-bi-bai-nao-song-duoc-bao-lau-va-cach-giup-tang-tuoi-tho-cho-tre