Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triệu chứng dễ nhận biết khi mắc viêm cầu thận cấp

VnExpressVnExpress12/06/2023


Phù nề, tăng huyết áp, tiểu ít, tiểu ra máu, khó thở và ho, sốt nhẹ... là những triệu chứng cảnh báo viêm cầu thận cấp.

Viêm cầu thận cấp là tình trạng các tiểu cầu thận và mạch máu trong thận bị viêm. TS.BSCC Mai Thị Hiền, khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi với nhiều nguyên nhân. Người bị viêm họng, viêm tai hoặc viêm da mủ do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A có nguy cơ cao biến chứng viêm cầu thận cấp. Bệnh cũng có thể xảy ra sau viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, quai bị, thủy đậu, nhiễm nấm, viêm gan B, nhiễm HIV... Trường hợp mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng ít gặp.

Viêm cầu thận cấp thường diễn tiến thầm lặng. Nhiều trường hợp tình cờ phát hiện khi đi khám bệnh khác, hoặc qua xét nghiệm máu, nước tiểu có xuất hiện hồng cầu niệu vi thể và protein niệu. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý này khá đa dạng, biểu hiện trên mỗi người khác nhau.

Dưới đây là một số triệu chứng dễ nhận biết khi mắc viêm cầu thận cấp.

Phù nề

Dấu hiệu đầu tiên là phù hai chân, đặc biệt quanh vùng cổ chân, đồng thời hai mí mắt sưng nề, cảm giác nặng mặt. Phù thường xuất hiện nhiều về sáng, giảm dần khi chiều tối. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong khoảng 10 ngày đầu, sau đó sẽ giảm khi người bệnh tiểu nhiều.

Ngoài nhìn bằng mắt thường thấy chân sưng to, người bệnh có thể kiểm tra tình trạng phù bằng cách ấn mạnh ngón cái vào vị trí xương chày chạy quanh mắt cá, thấy vết ấn lõm rõ, lâu đàn hồi trở lại.

Tiểu ít, nước tiểu biến đổi

Người bệnh thường tiểu ít dưới 500ml mỗi ngày trong tuần đầu tiên mắc bệnh, kéo dài khoảng 3-4 ngày và có thể tái phát trở lại trong 2-3 tuần sau đó; nước tiểu màu vàng, có nhiều bọt. Xét nghiệm máu không tăng ure và creatinin hoặc tăng không đáng kể. Xét nghiệm nước tiểu có đạm trong nước tiểu (protein niệu). Trường hợp thiểu niệu, vô niệu kéo dài làm tăng ure, creatinin máu, nguy cơ viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh thành viêm cầu thận mạn.

Tiểu ra máu

Đây là dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Người bệnh có thể tiểu ra máu 1-2 lần trong tuần đầu, sau đó có thể xuất hiện trở lại trong 2-3 tuần tiếp theo. Số lần tiểu ra máu thưa dần, khoảng 3-4 ngày một lần rồi hết hẳn.

Tăng huyết áp

Theo Tiến sĩ Hiền, biểu hiện này chiếm khoảng 60% các trường hợp viêm cầu thận cấp. Ở trẻ em, huyết áp dao động khoảng 140/90mmHg, người lớn 160/90mmHg. Một số trường hợp huyết áp tăng kịch phát và tương đối hằng định kéo dài nhiều ngày trong khoảng 180/100mmHg, khiến người bệnh đau đầu dữ dội, choáng váng, co giật, hôn mê do phù não, thậm chí tử vong.

Khó thở và ho

Khi thận bị tổn thương, chất lỏng dư thừa không được đào thải tích tụ lại trong phổi, gây ứ dịch khiến người bệnh bị khó thở, ho, mệt mỏi. Tình trạng này thường gặp ở người viêm cầu thận cấp có phù, thường thuyên giảm sau 4 tuần nếu được điều trị kịp thời và phù hợp, tuy nhiên có thể kéo dài nhiều tháng và chuyển thành mạn tính nếu không được điều trị.

Khi mắc viêm cầu thận cấp, người bệnh có thể ho, khó thở. Ảnh: Freepik

Khi mắc viêm cầu thận cấp, người bệnh có thể ho, khó thở. Ảnh: Freepik

Tăng khối lượng tuần hoàn đột ngột có thể dẫn tới tăng huyết áp kịch phát, suy tim cấp. Lúc này, bệnh nhân có các biểu hiện phù phổi như khó thở, thở nhanh và nông; co rút hố trên ức, hố trên đòn, khoang gian sườn; ho khạc ra dịch màu hồng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, người mắc viêm cầu thận cấp có thể gặp một số triệu chứng khác như sốt nhẹ 38 - 38,5 độ, đau vùng lưng hoặc sườn, chuột rút vào ban đêm, buồn nôn hoặc ói mửa...

Tiến sĩ Hiền cho biết, với viêm cầu thận cấp, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau 4 - 6 tuần điều trị. Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sau quá trình tiến triển của từng đợt cấp, bệnh có thể diễn tiến suy thận mạn và không có khả năng hồi phục. Người bệnh suy thận mạn lâu năm có thể bị xơ teo thận. Vì vậy phát hiện kịp thời để ngăn chặn sự phát triển của bệnh từ giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng.

Để đề phòng viêm cầu thận cấp, mọi người nên duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng; quan hệ tình dục an toàn; tập thể dục thường xuyên; khám sức khỏe định kỳ; kiểm soát huyết áp và các bệnh chuyển hóa; uống đủ nước; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; tránh ăn mặn. Khi có các bệnh lý nhiễm trùng như viêm họng, viêm da mủ... cần đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng như viêm cầu thận cấp. Khi nghi ngờ viêm cầu thận cấp, cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa Thận - Tiết niệu để được điều trị và tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.

Trịnh Mai



Source link

Chủ đề: bệnh thận

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm