Anh dũng, kiên cường
TP Huế những ngày tháng 4 lịch sử, cờ Tổ quốc tung bay khắp mọi ngả đường.
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, diện mạo nơi này đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nhiều di tích, hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Ẩn sau những bức tường rêu phong, cổ kính xung quanh Đại Nội Huế, ở di tích Nhà lao Thừa Phủ, hình ảnh trang nghiêm ở Bảo tàng Lịch sử thành phố hay tượng đài 11 cô gái sông Hương... là những câu chuyện lịch sử về trận chiến kéo dài 25 ngày đêm giữa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam với đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn Việt Nam Cộng hoà từng diễn ra cách đây 57 năm.
Bức tường phía sau Đại Nội Huế nằm song song với đường Xuân 68 thuộc quận Phú Xuân nay vẫn còn chi chít lỗ đạn - một trong những minh chứng rõ nét về cuộc chiến ác liệt năm xưa. Ông Nguyễn Văn Nhật (sinh năm 1953), một người dân sống ở tuyến đường này vẫn nhớ thời khắc đầu tiên của cuộc tổng tiến công.
"30 tháng chạp đến ngày mùng 1 Tết năm đó vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Người dân vẫn vui Tết, đón xuân bình thường. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, quân giải phóng bí mật tiếp cận khu vực gia đình tôi ở hiện nay. Các chiến sĩ đến từng nhà căn dặn người dân đóng cửa, tìm nơi trú ẩn an toàn. Bố tôi vui mừng nói rằng cách mạng đã về rồi", ông Nhật nhớ lại.
2 giờ 33 ngày 30/1/1968 (rạng sáng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân), sau loạt pháo kích mở màn, các mũi tấn công của quân ta đồng loạt đánh chiếm nhiều mục tiêu ở cả cánh bắc và cánh nam cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) như dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, Đài Phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang (hang ổ của Mỹ), sân bay Phú Bài...
6 giờ sáng cùng ngày, điện báo chiến thắng về từ khắp nơi. Quân ta triển khai ở các huyện ngoại thành tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chiếm được các xã. Nhà lao Thừa Phủ được quân ta nhanh chóng đánh chiếm, giải phóng hơn 2.000 chiến sĩ cách mạng và người dân bị địch giam cầm.
Phần lớn tỉnh Thừa thiên - Huế với khoảng 90% dân số nhanh chóng được quân giải phóng kiểm soát. Cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam phấp phới tung bay trên các đỉnh Kỳ đài Huế, Phu Văn Lâu...
Người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vui sướng, hoàn toàn tin yêu, ủng hộ cách mạng. Các gia đình tham gia cung cấp lương thực, nước uống, chăm sóc các chiến sĩ quân giải phóng để có sức chiến đấu. "Tôi và nhiều chị em tích cực may cờ, viết khẩu hiệu cổ vũ quân ta, đả kích giặc Mỹ, kêu gọi lính Việt Nam Cộng hoà còn lại ra đầu hàng", bà Nguyễn Thị Hoa (80 tuổi) ở phường Tây Lộc, TP Huế nhớ lại.
Mỹ và đội quân tay sai bắt đầu phản công lại những ngày sau đó. Quân giải phóng chiến đấu anh dũng, kiên cường.
Một bài báo từng ghi lại lời kể của bà Hoàng Thị Nở, thành viên tiểu đội du kích "11 cô gái sông Hương" tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 tại Huế: "Ngày 12 Tết, địch tổ chức phản công dữ dội. Tiểu đội cùng với bộ đội chủ lực đã tổ chức đánh phản kích, đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, bắn cháy nhiều xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch. Tuy nhiên, không ít chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đó".
Bước ngoặt chiến lược
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 diễn ra ở khắp miền Nam. Quân và dân ta đã đánh vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những trọng điểm của cuộc tổng tiến công.
Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ Thừa Thiên - Huế (từ ngày 31/1 - 24/2/1968), quân và dân ta đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã hàng chục nghìn tên địch, bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay, tàu chiến, xe quân sự, giải phóng 20 xã, 271 thôn với 210.000 người dân, thành lập chính quyền ở 200 thôn.
Với việc giữ được Thừa Thiên - Huế 25 ngày, nhất là cố đô Huế, quân giải phóng đã giành được thành công lớn nhất và giữ được trận địa lâu nhất so với các thành phố khác. Sau này, Bác Hồ đã tặng quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế 8 chữ vàng: "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".
Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở miền Nam nói chung, ở Thừa Thiên - Huế nói riêng đã làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, giáng đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ và tay sai. Thắng lợi của quân và dân ta buộc chúng phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc tổng tiến công đồng thời làm cho làn sóng đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược trong nhân dân Mỹ lên cao chưa từng thấy.
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là bản anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 đã giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", chuyển sang mục tiêu "đánh cho ngụy nhào" và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975.
Kỳ sau: Trận "Đồi thịt băm"
MẠNH CHUNGNguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-3-dat-hue-kien-cuong-xuan-68-409941.html
Bình luận (0)