Sau phần trình diễn nổi bật tại vòng bán kết 2 của cuộc thi Sing! Asia 2025 - Giọng hát mới châu Á, Phương Mỹ Chi đã vượt qua thí sinh đến từ Trung Quốc để giành tấm vé vào vòng chung kết, dự kiến diễn ra vào ngày 27/7, lúc 9h (tính theo giờ Việt Nam).
Với ca khúc Vũ trụ có anh được làm mới theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ đậm chất Việt, nữ ca sĩ đã chinh phục ban giám khảo và khán giả quốc tế, trở thành 1 trong 4 thí sinh xuất sắc góp mặt tại đêm thi quyết định.
Trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn đang chật vật khẳng định tên tuổi tại các sân chơi khu vực, thì cô gái 22 tuổi đến từ Việt Nam lại vững vàng tiến gần hơn tới chiếc cúp danh giá của Sing! Asia 2025 - điều mà không phải nghệ sĩ Việt trẻ tuổi nào từng làm được.
Cơn sốt và thành công của Phương Mỹ Chi tại Sing! Asia 2025 là điều không ai có thể phủ nhận. Vậy từ chiến thắng của nữ ca sĩ, câu hỏi đặt ra là làm thế nào, chiến lược ra sao để âm nhạc Việt và các ngành công nghiệp giải trí, văn hoá khác của Việt Nam như điện ảnh, thời trang, ẩm thực… có thể chinh phục được thị trường quốc tế, định vị được trên toàn cầu?
Biết “đóng gói" đúng bản sắc, sản phẩm Việt hoàn toàn định hình được xu hướng mới
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Hồng Quang Minh - chuyên gia truyền thông, âm nhạc - cho rằng, chiến thắng của Phương Mỹ Chi ở vòng bán kết 2 giúp cô vào chung kết Sing! Asia 2025 là một ví dụ điển hình cho chiến lược “bản địa hóa đẳng cấp quốc tế”, tức là làm sâu sắc bản sắc của mình đến mức hấp dẫn được thế giới.
Theo ông Minh, âm nhạc Việt, và rộng hơn là các ngành công nghiệp sáng tạo khác như thời trang, ẩm thực, điện ảnh… cũng có thể dựa trên cảm hứng đó.
“Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là cố làm cho giống thế giới, vì không thể làm hay hơn được, mà là khiến thế giới phải để mắt đến điểm đặc biệt của Việt Nam. Cần có chiến lược phát triển sản phẩm sáng tạo một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp, không chạy theo trào lưu bề mặt”, chuyên gia cho hay.

Phương Mỹ Chi thăng hoa trong bán kết 2 "Sing! Asia 2025" khi ngẫu hứng kết hợp với nghệ sĩ saxophone trên sân khấu (Ảnh: Facebook nhân vật).
Ông Hồng Quang Minh lấy ví dụ, trong điện ảnh, những bộ phim như Ròm hay Bên trong vỏ kén vàng giữ nguyên chất liệu văn hóa Việt - từ bối cảnh, màu sắc đến cách kể chuyện - nhưng vẫn gây tiếng vang mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Ông nhấn mạnh rằng, điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải “tư duy như một nhà sáng tạo văn hóa, chứ không chỉ là người làm nghề biểu diễn đơn thuần”.
Hoàng Thùy Linh là một trong những nghệ sĩ đi đầu cho xu hướng đó. Từ album Link đến các ca khúc như See tình, Để Mị nói cho mà nghe, cô đã khéo léo kết hợp ca dao, tục ngữ, phục trang, nhạc cụ dân tộc với kỹ thuật sản xuất âm nhạc điện tử hiện đại.
Không cần hát tiếng Anh, cũng không cố "quốc tế hóa" sản phẩm của mình, Hoàng Thùy Linh vẫn khiến See tình trở thành hiện tượng trên TikTok quốc tế, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hàn Quốc nhờ được dance cover (nhảy cover), remix (phối lại), và xuất hiện trong các video của KOL (người có sức ảnh hưởng) ở nước ngoài.
“Bài hát không cố “quốc tế hoá” bằng cách hát tiếng Anh, mà giữ đúng chất Việt nhưng vẫn khiến người ta thích thú - đó là minh chứng cho sự lan tỏa bằng bản sắc thực thụ”, ông Minh nhận định.
Một ví dụ khác là Suboi - nữ rapper Việt từng xuất hiện tại lễ hội âm nhạc SXSW (South by Southwest), Mỹ. Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ Việt Nam có dịp biểu diễn tại chương trình thường niên này.
SXSW là lễ hội âm nhạc được tổ chức tại Austin - Texas - Mỹ, từng là bệ phóng cho nhiều tên tuổi lớn như Justin Timberlake, Lady Gaga, Snoop Dogg, Norah Jones, James Blunt…
Tại đây, Suboi rap hoàn toàn bằng tiếng Việt, kết hợp hình ảnh đậm chất Sài Gòn, đại diện cho một Việt Nam hiện đại, cá tính.
Ông Minh nhận xét, Suboi không phải nghệ sĩ mainstream (dòng chính) trong nước, nhưng lại được giới nghệ thuật quốc tế đánh giá cao nhờ sự độc đáo và nhất quán trong phong cách.
Đằng sau sự thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi bản sắc, không thể không nhắc đến DTAP - ê-kíp sản xuất âm nhạc - đứng sau các dự án của Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi.
Họ đã “tái cấu trúc âm thanh truyền thống thành pop/edm (nhạc pop và nhạc điện tử) một cách thẩm mỹ”, tạo ra mô hình sản xuất âm nhạc mang “DNA Việt” rất rõ nét - một hệ ngôn ngữ đủ tinh tế, đủ sức thuyết phục cả những người nghe khó tính.
Ông Minh cho biết: “Rất nhiều nhà sản xuất trẻ hiện nay đang học theo tư duy âm nhạc của DTAP, đặc biệt ở khoản biến chất liệu dân gian thành sản phẩm đương đại”.
Bà Đặng Thanh Vân - chuyên gia tư vấn chiến lược dẫn đầu dành cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ - khẳng định rằng, chiến thắng của Phương Mỹ Chi là một minh chứng rõ ràng: Sản phẩm Việt hoàn toàn có thể vươn ra thị trường quốc tế, nếu hội tụ đủ 3 yếu tố chiến lược.
Yếu tố đầu tiên là tính văn hoá bản địa sâu sắc - để tạo sự khác biệt không thể thay thế. Thứ 2 là phong cách hiện đại, kỹ thuật đương đại - để vượt qua rào cản thẩm mỹ thị trường. Với doanh nghiệp phần phạm vi mỹ thuật sẽ liên quan đến bao bì, nhận diện, phong cách truyền thông.
Thứ 3 là một câu chuyện chạm cảm xúc mạnh mẽ - để tạo kết nối và lan tỏa tự nhiên.
Chuyên gia Đặng Thanh Vân cho rằng, những gì Phương Mỹ Chi đang làm được ở Sing! Asia 2025 không chỉ là bài học dành riêng cho giới nghệ sĩ.
Đó là một mô hình chiến lược có thể áp dụng rộng rãi cho các lĩnh vực khác như sản phẩm tiêu dùng, thời trang, công nghệ, ẩm thực và cả các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) Việt Nam.
Bà nhấn mạnh: “Chỉ cần biết “đóng gói” bản sắc đúng cách, chọn đúng kênh, kết hợp đúng người - sản phẩm Việt hoàn toàn có thể định hình xu hướng mới, thay vì chỉ đi theo”.
Nói cách khác, khi văn hóa bản địa được xử lý bằng tư duy hiện đại và truyền tải bằng công cụ phù hợp, sản phẩm Việt không chỉ đủ sức cạnh tranh, mà còn có khả năng dẫn dắt thị trường quốc tế.

Hoàng Thùy Linh từng gây sốt mạng xã hội châu Á với ca khúc "See tình" (Ảnh: Instagram nhân vật).
Để minh chứng cho quan điểm này, chuyên gia Đặng Thanh Vân cũng đưa ra nhiều dẫn chứng tiêu biểu từ thực tiễn các nghệ sĩ Việt Nam đã thành công với chiến lược định vị dựa trên bản sắc.
Trường hợp điển hình là ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh. Sản phẩm âm nhạc này phối âm dân gian trên nền pop điện tử, video clip được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh với đạo cụ, phục trang, không gian đậm đặc mỹ học Việt Nam.
Dù không có chiến dịch quảng bá quốc tế, See tình vẫn lan truyền mạnh mẽ ở các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và vươn lên top TikTok quốc tế. Đây là minh chứng rõ nét cho mô hình mà bà Vân gọi là “Việt hóa toàn cầu” - tức sản phẩm mang bản sắc Việt nhưng được trình bày theo cách hiện đại, dễ tiếp cận với công chúng toàn cầu.
Một trường hợp khác là “Hoàng tử indie” Vũ - người mang chất thơ của “tình ca Hà Nội” ra thế giới qua tiếng guitar mộc, lời ca giản dị và biểu cảm tinh tế.
Âm nhạc của anh được khán giả Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đón nhận không phải vì họ hiểu hết lời, mà vì họ cảm được chiều sâu cảm xúc. Theo bà Vân, đây là ví dụ cho mô hình “xuất khẩu tinh thần bản địa qua lăng kính cá nhân” - nơi cái tôi nghệ sĩ đóng vai trò như cầu nối giữa văn hóa nội địa và cảm quan quốc tế.
“Trường hợp của Suboi - nữ rapper Việt từng biểu diễn tại lễ hội âm nhạc quốc tế SXSW (Mỹ) và gặp gỡ Tổng thống Obama - tiếp tục khẳng định tính khả thi của việc giữ nguyên bản sắc để vươn ra thế giới.
Suboi không “tây hóa”, cô rap bằng tiếng Việt, thể hiện cái tôi riêng của một nghệ sĩ trưởng thành từ Sài Gòn hiện đại.
Đây là hình mẫu cho mô hình “xây dựng thương hiệu cá nhân như một biểu tượng văn hóa mới” - nơi cá tính nghệ sĩ gắn liền với bản sắc dân tộc, tạo nên sức hút độc đáo trên thị trường toàn cầu”, chuyên gia phân tích.

Cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng" - phim Việt thắng Camera d'Or (Camera Vàng) - giải lớn vinh danh tác phẩm đầu tay ở LHP Cannes 2023 (Ảnh: JKFILM).
“Không “ăn theo” thế giới, mà “mời” thế giới đến với mình”
Từ hiệu ứng, cơn sốt của Phương Mỹ Chi tại Sing! Asia 2025, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - nhìn nhận đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng xuất khẩu văn hóa Việt nếu có chiến lược phù hợp.
Theo ông Sơn, để sản phẩm văn hóa Việt - từ âm nhạc, thời trang, điện ảnh đến ẩm thực - có thể tạo được xu hướng trên thế giới thì “không thể chỉ trông chờ vào “phép màu” hay may mắn nhất thời, mà cần một chiến lược bài bản, dài hơi, có tầm nhìn và đặt đúng trọng tâm: Lấy bản sắc làm cốt lõi, lấy sáng tạo làm động lực, lấy thị trường quốc tế làm đích đến”.
Đối với âm nhạc Việt, ông cho rằng, việc chỉ chú trọng vào kỹ thuật thanh nhạc hay thị hiếu nội địa là chưa đủ.
Điều quan trọng là nghệ sĩ - và rộng hơn là toàn ngành công nghiệp âm nhạc - cần hiểu rằng, “xu hướng không đến từ sự bắt chước, mà đến từ khả năng dẫn dắt”.
Muốn dẫn dắt được, sản phẩm phải khác biệt, có tính nhận diện cao và mang theo một câu chuyện có sức chạm - “câu chuyện ấy phải chạm được vào mạch cảm xúc phổ quát của nhân loại, thông qua lăng kính riêng biệt của người Việt”.

Phương Mỹ Chi (trái) đang tạo được sức hút lớn tại "Sing! Asia 2025" (Ảnh: Facebook nhân vật).
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh rằng, chiến lược bản sắc không chỉ dành riêng cho âm nhạc mà cần được mở rộng ra toàn bộ ngành công nghiệp văn hóa.
Chuyên gia văn hoá bày tỏ: “Thời trang Việt hoàn toàn có thể bước ra sàn diễn Tokyo, Milan hay New York với cảm hứng từ lụa Lãnh Mỹ A, hoa văn Đông Sơn, tà áo dài, khăn rằn… Nếu biết cách kết hợp giữa bản sắc và ngôn ngữ thiết kế hiện đại.
Tương tự, điện ảnh Việt không nhất thiết phải chạy theo mô-típ Hollywood, mà nên kể những câu chuyện đậm hồn Việt: Về lịch sử, tâm linh, con người trong một bối cảnh toàn cầu.
Ngay cả ẩm thực Việt như phở, bún, mắm, chè... nếu được nâng tầm bằng mỹ học trình bày, câu chuyện văn hóa và chất lượng dịch vụ, thì cũng có thể trở thành “ẩm thực biểu tượng” như sushi của Nhật Bản hay kimchi Hàn Quốc”.
Từ đó, ông đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy: “Không “ăn theo” thế giới, mà “mời” thế giới đến với mình”.
Để làm được điều đó, chiến lược quan trọng nhất là đầu tư vào con người - bao gồm nghệ sĩ, nhà thiết kế, đạo diễn, đầu bếp, kỹ sư sáng tạo. Và tạo điều kiện để họ được đào tạo bài bản, được làm nghề trong môi trường khuyến khích tự do và đổi mới, được bảo vệ bởi cơ chế pháp lý minh bạch và hỗ trợ bởi một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa lành mạnh.
Từ ví dụ của Phương Mỹ Chi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn kết luận: “Nếu có nội lực và tầm nhìn, chúng ta hoàn toàn có thể đưa Việt Nam trở thành một thương hiệu sáng tạo toàn cầu.
Nhưng để điều đó không chỉ là một ngôi sao đơn lẻ mà là một dải ngân hà rực rỡ, thì Việt Nam cần có một chính sách phát triển công nghiệp văn hóa mang tầm quốc gia - coi văn hóa là một lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược hội nhập và phát triển bền vững.
Chỉ khi ấy, sản phẩm Việt mới thật sự tự tin đi ra thế giới - không phải để “theo kịp”, mà để “dẫn đầu””.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/tu-con-sot-phuong-my-chi-den-chien-luoc-ban-dia-hoa-dang-cap-quoc-te-20250724132448026.htm
Bình luận (0)