XEM CLIP:

Vào dịp Tết, khi các ngành nghề khác được nghỉ thì nhân viên tuần đường bước vào những ngày cao điểm vì các sự cố sẽ phát sinh nhiều hơn.

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài gần 106km có lưu lượng trung bình 50.000 lượt xe con, xe tải, xe container chạy rầm rập mỗi ngày, nhưng đây cũng là tuyến cao tốc được đánh giá “an toàn nhất Việt Nam”. 

Góp phần làm nên sự an toàn này không thể không nhắc đến vai trò của những người tuần tra giao thông (tuần đường). Công việc vất vả, áp lực, nguy hiểm luôn rình rập nhưng họ vẫn ngày đêm âm thầm bám từng mét mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự. 

tuan duong11.jpeg
Một vật dù nhỏ trên cao tốc cũng có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Trong ảnh, lực lượng tuần đường điều tiết hướng giao thông tránh nguy hiểm.

Với 3 tổ làm nhiệm vụ tuần tra giao thông trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trung bình mỗi ca làm việc sẽ phải đi tổng chiều dài hai chiều khoảng 150 – 180km.

Trên đường cao tốc, chỉ một vật nhỏ rơi vãi cũng có thể khiến ô tô bị lật gây ra tai nạn kinh hoàng nếu lái xe không chú ý quan sát, bị giật mình dẫn tới mất lái. Thế nên nhiệm vụ của những người tuần đường là luôn phải dọn sạch đồ vật rơi vãi trong thời gian sớm nhất, kể cả một chiếc túi nilon cũng không bỏ sót.

Mỗi sự cố nhỏ nhất liên quan đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đều được tổ tuần đường chụp lại và báo cáo ngay để xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho các phương tiện di chuyển trên đường.

Với những vật lớn rơi vãi trên đường, chưa thể di chuyển ngay, các nhân viên tuần đường sẽ lái xe chuyên dụng (phía trên có đèn cảnh báo, còi hú) vào thẳng làn đường phía trước vị trí vật rơi vãi, triển khai “đóng làn”, dựng biển chuyển hướng, chóp nhựa phản quang để cảnh báo. Họ sẽ đứng ở khu vực này làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và chờ lực lượng khác đến tiếp ứng.

Đó là ban ngày, còn vào ban đêm sẽ có thêm đèn cảnh báo để các phương tiện thấy rõ từ xa.

Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề, chỉ cần một mô tả đơn giản là anh Phùng Văn Thắng, nhân viên tuần tra của đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng biết ngay đó là vị trí nào trên tuyến.

Từng đoạn đường mà anh đi qua đều được quan sát, kiểm tra kỹ lưỡng, theo dõi diễn biến về thời tiết, tình trạng kỹ thuật, tình hình vi phạm công trình, hành lang an toàn… nhằm phát hiện kịp thời mỗi dấu hiệu bất thường để cảnh báo, khắc phục.

tuần đường cao tốc HN- HP .jpeg
Sau mỗi ca trực nhân viên tuần đường lại ngồi lại rút kinh nghiệm cùng nhau.

Bất kể ngày hay đêm, dù mưa nắng hay rét mướt, chưa khi nào các nhân viên tuần đường lơ là nhiệm vụ. Sau mỗi ca làm việc, anh Thắng cùng đồng nghiệp sẽ ngồi lại, phân tích tình huống, rút ra kinh nghiệm để giúp nhau làm tốt hơn.

Anh Thắng chia sẻ, vất vả nhất là khi trời mưa to, gió lớn vì khi ấy các sự cố xảy ra nhiều. Công việc lúc đó mới căng thẳng, nhân viên tuần đường phải tuần tra liên tục. Chưa kể khi xảy ra tai nạn giao thông, các thành viên phải có mặt sớm để ghi nhận, báo cáo. Nhiều tình huống anh em tuần đường phải đứng nhiều giờ dưới cái nắng thiêu đốt để tham gia điều tiết giao thông.

“Nhiều lần vừa bưng bát cơm lên rồi lại bỏ xuống vì công việc đột xuất phải lên đường ngay”, anh Thắng chia sẻ. 

Áp lực lớn hơn vào những dịp nghỉ lễ, Tết 

Anh Nguyễn Văn Hùng, tổ trưởng tổ tuần đường số 1 cho biết, áp lực đối với nhân viên tuần đường càng lớn hơn vào những dịp nghỉ lễ, Tết. Lúc này lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến tăng rất cao, kèm theo đó sẽ phát sinh nhiều sự cố liên quan đến các phương tiện.

“Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân về quê ăn Tết, du xuân vui vẻ an toàn, chúng tôi luôn phải tập trung cao độ, huy động toàn bộ quân số trực 24/24h, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra đảm bảo an toàn trên tuyến.

Chúng tôi cũng luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay khi có thông tin điều động, để đảm bảo tiếp cận xử lý sự cố, hỗ trợ khách hàng nhanh nhất, an toàn nhất”, anh Hùng nói.

nhan vien tuan duong.jpeg
Có những tình huống buộc nhân viên tuần đường phải đứng hàng giờ đồng hồ tham gia phân luồng giao thông.

Đến nay, anh Hùng vẫn không thể quên tình huống đêm 30 Tết (năm Tân Sửu 2021) phải đi bắt trâu trên cao tốc. Bởi vì theo anh, trâu bò xuất hiện trên đường cao tốc là tình huống cực kì nguy hiểm.

“Khi tôi đang tuần lưu trên tuyến thì nhận thông tin từ trung tâm điều hành báo có 3 con trâu đi trên đường cao tốc, vị trí ở khoảng Km9 hướng Hải Phòng – Hà Nội, yêu cầu chúng tôi nhanh chóng tiếp cận kiểm tra, xử lý.

Khi tiếp cận vị trí, chúng tôi thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo cho các phương tiện đang lưu thông biết trên đường có vật cản nguy hiểm, hướng dẫn các phương tiện đi chậm chú ý quan sát để tránh né”, anh Hùng nhớ lại.

Khi tới gần hơn, anh Hùng nhận thấy các con trâu này được thả rông không có người chăn dắt, không có dây thừng xỏ mũi, đặc biệt vào buổi tối trâu thấy ánh đèn, còi ô tô nên hoảng sợ chạy lung tung trên đường.

“Thấy sự việc nguy hiểm rất khó xử lý, tôi báo cáo ngay trung tâm điều hành. Sau đó lãnh đạo công ty điều động nhân sự các bộ phận ở trạm; lực lượng cảnh sát giao thông cũng tới hỗ trợ. Đã có 12 nhân sự thuộc các lực lượng liên quan nhanh chóng tham gia.

Công việc tưởng chừng đơn giản vào ban ngày nhưng lại vô cùng khó khăn vào ban đêm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể bị trâu húc văng ngay tức thì.

Anh em phải mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận, quàng được dây thừng vào cổ trâu. Tiếp đó, người dắt kéo, người đuổi bộ hàng kilomet để tìm lối đưa trâu ra khỏi đường cao tốc”, anh Hùng kể. 

Đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên tuần đường

Là “tai, mắt” của đơn vị quản lý cao tốc nên những nhân viên tuần đường như anh Thắng, anh Hùng được đào tạo rất bài bản về nghiệp vụ chuyên môn, được cập nhật và tập huấn các phương thức liên lạc nhanh và hiệu quả nhất. 

“Nếu có sự cố thì chúng tôi sẽ tiếp cận và gửi ảnh, video qua Zalo để lãnh đạo trung tâm biết và đưa ra phương án xử lý kịp thời, nhanh nhất”, anh Thắng cho biết.

Ông Trịnh Quang Mộng, Phó Phòng quản lý vận hành, khai thác tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên tuần đường, bên cạnh việc trang bị các kiến thức kỹ năng nghiệp vụ,  đơn vị còn trang bị trang phục bảo hộ có phản quang và các thiết bị cảnh báo. 

“Chúng tôi trang bị cho nhân viên tuần đường đèn cảnh báo tam giác, đèn phát sáng, đèn đeo tay phát sáng vào ban đêm… Đây là những thiết bị bảo hộ rất hữu ích cho anh em làm nhiệm vụ trên tuyến”, ông Mộng nói.

Đối với xe ô tô làm nhiệm vụ, đơn vị này cũng đã trang bị hệ thống cảnh báo từ xa để các phương tiện cách khoảng 300m nhìn thấy, biết xe đang cảnh báo sự cố gì để đi chậm, chú ý quan sát và đi theo hướng dẫn của các nhân viên tuần đường. 

Vào những ngày Tết, công ty có chế độ chăm lo, hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện ăn, nghỉ và đón Tết cho cán bộ, nhân viên đang làm việc.

“Để anh em có thời gian chung vui đón Tết bên người thân, gia đình mà vẫn đảm bảo công việc, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, các tổ sẽ chia ca thay nhau làm việc”, ông Mộng chia sẻ.