Ngay từ sau khi có kết quả bốc thăm vòng chung kết giải U.17 châu Á 2025, bảng B được đánh giá là rất khó khăn với U.17 Việt Nam. Trong đó, U.17 Úc và U.17 Nhật Bản chính là những "ngọn núi lớn" cản đường thầy trò HLV Cristiano Roland. Tuy nhiên, các chàng trai trẻ Việt Nam đã có 2 trận đấu đầy quả cảm, khi cầm hòa cả hai đội bóng trẻ tốp đầu châu Á, cùng với tỷ số 1-1. Với U.17 UAE, đội bóng này được xem là đối thủ vừa sức nhất của U.17 Việt Nam ở bảng B. Và giờ đây, hai đội đang cạnh tranh khốc liệt cho tấm vé vào tứ kết U.17 châu Á và dự U.17 World Cup 2025.
U.17 Việt Nam không "dễ thở" trước đại diện Tây Á
Ở lượt trận đầu tiên vòng bảng, U.17 UAE thất thủ 1-4 trước U.17 Nhật Bản, còn U.17 Việt Nam vừa khiến cho đội bóng hoa anh đào phải chia điểm. Tuy nhiên, tính chất bắc cầu vốn không chính xác trong bóng đá. U.17 UAE sau đó đã cho thấy họ không phải là đội bóng dễ bị bắt nạt, khi đánh bại đối thủ được đánh giá cao hơn là U.17 Úc với tỷ số 2-0 ở lượt trận thứ 2.
U.17 Việt Nam phải thắng U.17 UAE thì mới có thể đi tiếp
ẢNH: VFF
U.17 Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức lớn, ở trận đấu quyết định cho suất đại diện châu Á dự U.17 World Cup 2025. Bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá: "Các đội bóng của Tây Á, trong đó kể cả UAE luôn được đánh giá cao hơn Việt Nam. Tại giải đấu này cũng vậy, U.17 UAE nhỉnh hơn U.17 Việt Nam, cả về kỹ thuật lẫn thể lực".
Sau 2 lượt trận đầu tiên ở vòng bảng, có thể thấy U.17 UAE có lối chơi tương tự như U.17 Việt Nam. Trước những đội bóng "chiếu trên" như U.17 Nhật Bản và U.17 Úc, đội bóng Tây Á đá lùi sâu phòng ngự và chờ đợi cơ hội tổ chức phản công. Ba bàn thắng của U.17 UAE (1 bàn vào lưới Nhật Bản, 2 bàn vào lưới Úc) đều xuất phát từ những pha triển khai tấn công nhanh bằng bóng dài, rất ít chạm. Đặc biệt là ở trận thắng 2-0 trước U.17 Úc, các cầu thủ Tây Á đã thể hiện khả năng tận dụng cơ hội cực kỳ tốt.
Công thức chung cho những bàn thắng của U.17 UAE cho đến lúc này là một cầu thủ ở tuyến dưới phất bổng lên phía trên, rồi các tiền vệ/tiền đạo tăng tốc để tự tạo ra cơ hội ghi bàn hoặc kiến tạo cho đồng đội. Trước lối chơi đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả của các cầu thủ Tây Á, đội tuyển U.17 Việt Nam cần phải duy trì được sự tập trung cao độ trong khâu phòng ngự, trước khi nghĩ đến chuyện chọc thủng lưới đối phương.
Bảng xếp hạng bảng B sau 2 lượt trận
ẢNH: VFF
Trong lịch sử giải U.17 châu Á, đội bóng trẻ của UAE từng vào chung kết năm 1990, bán kết năm 2008 và 3 lần góp mặt ở tứ kết. Trước trận đấu gặp U.17 Việt Nam, U.17 UAE còn nắm lợi thế về điều kiện thi đấu. UAE là đất nước láng giềng với Ả Rập Xê Út (chủ nhà giải U.17 châu Á 2025), nên các cầu thủ U.17 UAE phần nào quen thuộc hơn với khí hậu.
Để giành vé vào tứ kết giải U.17 châu Á 2025 và góp mặt tại U.17 World Cup 2025, đội U.17 Việt Nam buộc phải thắng U.17 UAE. Trong khi đó, U.17 UAE chỉ cần hòa là có cơ hội đi tiếp (phụ thuộc vào trận đấu giữa U.17 Úc và U.17 Nhật Bản).
Ở trận gặp U.17 Việt Nam vào 22 giờ ngày 10.4, U.17 UAE không có sự phục vụ của tiền vệ Ali Hassan (bị treo giò vì nhận thẻ đỏ trong trận thắng U.17 Úc).
Nguồn: https://thanhnien.vn/u17-uae-doi-thu-tranh-ve-world-cup-voi-u17-viet-nam-nguy-hiem-co-nao-185250408153537313.htm
Bình luận (0)