Chúng ta có thể uống nước đun sôi để nguội được một cách bình thường nếu bảo quản đúng cách.
Trong quá trình đun nước, nhiệt độ sẽ tiêu diệt nhiều vi sinh vật gây hại cho con người.
Đại bộ phận diện tích nước ta có độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển, vùng núi cao hơn nhưng nước khi đun vẫn sôi ở 100°C, do đó khi nước đã sôi và tiếp tục nấu trong 1 - 2 phút nữa là nước an toàn.
Cần bảo quản đúng tức là đựng nước để nguội trong các hộp/chai đã khử trùng, tránh mở nhiều lần và đặt ở những nơi có nhiệt độ phòng không quá 21°C. Có thể bảo quản lâu đến 6 tháng ở điều kiện trên nhưng với nước uống tốt nhất dùng trước 2 ngày (48 tiếng). Khi hết ta lấy nước sạch khác để đun, đổ bỏ nước sôi để nguội còn thừa. Nước đun sôi để nguội không có tác dụng gì khi dùng tráng bát đĩa.
Trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng bức, nhiệt độ thường xuyên trên 21°C, cộng thêm việc bảo quản không đúng cách, các vi sinh vật khác nhau sẽ tiếp tục xâm nhập vào nước sôi để nguội và sinh sôi trong nước. Thời gian tiếp xúc trong không khí càng lâu, số lượng vi sinh vật càng nhiều, chất lượng nước càng xấu, nguy hại cho cơ thể con người càng lớn.
Nước đun sôi để quá lâu có hiện tượng nhớt phải bỏ vì sự phát triển quá mức của vi khuẩn, vi nấm.
Ngoài ra, nước trà pha để qua đêm cũng không nên uống.
Nước được tiêu thụ hàng ngày gồm nước đun sôi để nguội, nước khoáng đóng chai, nước tinh khiết. Trong số đó, nước đun sôi hoặc nước khoáng đều có khoáng chất, còn nước tinh khiết không chứa các vi sinh vật và khoáng chất khác.
Ví dụ những bọt nước trắng hiện lên trong thành của nồi nước sôi, đây chính là do sự tồn tại của khoáng chất.
Do vậy, theo thành phần thì nước đun sôi cũng là nước khoáng. Tuy khoáng chất có trong nước vô cùng ít và không có tác dụng bổ sung khoáng chất còn thiếu, nhưng đây cũng là một nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho con người.
Nguồn: https://nhandan.vn/uong-nuoc-dun-soi-de-nguoi-co-tot-khong-post832268.html
Bình luận (0)