Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ưu tiên sản phẩm Việt cho phát triển công nghiệp đường sắt

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước để phát triển công nghiệp đường sắt, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ.

Báo Công thươngBáo Công thương27/05/2025

Chiều 27/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.

Tăng kết nối, ưu tiên nội địa hóa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày 5 vấn đề sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Ưu tiên sản phẩm Việt cho phát triển công nghiệp đường sắt
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: VPQH

Đáng chú ý, Luật sửa đổi bổ sung các quy định về ưu đãi, hỗ trợ (Điều 6) làm rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho các công trình kết hợp (như cầu đường sắt, đường bộ) vốn chưa được điều chỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định về hệ thống cấp điện sức kéo đường sắt cho các tuyến điện khí hóa mới (sửa đổi khoản 2 Điều 75, khoản 2 Điều 80 của Luật Đường sắt 2017).

Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định phân loại hệ thống đường sắt Việt Nam thành đường sắt quốc gia, địa phương và chuyên dùng (Điều 9), trong đó đường sắt đô thị được coi là một cấp kỹ thuật và thuộc đường sắt địa phương. Quy định này đáp ứng nhu cầu của các địa phương muốn phát triển các tuyến đường sắt thông thường (chở khách và hàng hóa).

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh việc phân loại ga đường sắt, mở rộng kinh doanh dịch vụ thương mại trong khu ga nhằm giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về bảo vệ, phòng chống thiên tai cho kết cấu hạ tầng đường sắt để phù hợp với thực tiễn.

Về kết nối các phương thức vận tải, dự thảo Luật bổ sung yêu cầu bảo đảm kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác, đặc biệt tại các cảng hàng không, cảng biển, khu đầu mối giao thông.

Chủ đầu tư các dự án cảng phải dành quỹ đất, xây dựng đường sắt kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia cũng như quy định kết nối giữa các tuyến đường sắt và các phương thức vận tải khác nhằm phát huy thế mạnh đường sắt trong vận chuyển hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly trung bình và dài”- Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay.

Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt, dự thảo bổ sung quy định ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm công nghiệp đường sắt công nghệ cao. Yêu cầu nhà thầu quốc tế chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam; ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước để phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia cung cấp, cũng như chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 27.5
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 27/5. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt, cho phép tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi đầu tư và nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Việc này góp phần nâng cao năng lực tự chủ trong quản lý, vận hành, khai thác đường sắt, phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Làm rõ tác động của dự án Luật

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt.

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng cao nhất cho dự án Luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ tác động của dự án Luật tới việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước; khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP (8% năm 2025, tăng hai con số giai đoạn 2026 -2030). Tăng cường hợp tác công - tư (PPP), thu hút khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt, phù hợp tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Ưu tiên sản phẩm Việt cho phát triển công nghiệp đường sắt
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: VPQH

Trong đó, về phát triển công nghiệp đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt (Chương III, Điều 27- 34), ông Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ một số nguyên tắc: Khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, vận hành; bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu - phát triển (R&D) và hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp trong nghiên cứu và thử nghiệm; ưu đãi đầu tư, tín dụng và phát triển công nghệ.

Liên quan đến yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt (Điều 28), Ủy ban nhận thấy cần bảo đảm phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với kế hoạch phát triển hạ tầng, dịch vụ vận tải và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định cụ thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đường sắt (như vật liệu xây dựng, công nghệ số, hệ thống giám sát…). Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định này để ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững, phù hợp với xu thế công nghệ mới”- ông Lê Quang Huy cho hay.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 Điều 28 về “ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước” vì có thể mâu thuẫn với Điều 11 Luật Đầu tư năm 2020 về đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực (Điều 30), cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ hơn việc phát triển các công nghệ số (AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật) trong ngành đường sắt nhằm tối ưu hóa vận hành, bảo trì và điều khiển giao thông; yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ toàn bộ hoặc một phần đối với đối tác nước ngoài khi mua sắm, cùng cơ chế xử lý nếu nhà thầu không thực hiện đúng.

Ủy ban cũng đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học”- ông Huy nhấn mạnh.

Ưu tiên sản phẩm Việt cho phát triển công nghiệp đường sắt
Toàn cảnh phiên họp chiều 27/5. Ảnh: QH

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (Điều 50), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lo ngại các quy định cho phép doanh nghiệp sử dụng hạ tầng đường sắt Nhà nước đầu tư có thể gây thiếu minh bạch trong phân định trách nhiệm.

Do vậy, đề nghị quy định rõ ngay trong luật về trách nhiệm, cơ chế giám sát của Nhà nước, đặc biệt đối với bảo trì, an toàn, công bố biểu đồ chạy tàu… Đồng thời, bổ sung yêu cầu công khai thông tin kỹ thuật, năng lực khai thác để nâng cao minh bạch và trách nhiệm của các bên…

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được sắp xếp, bố cục lại và đã giảm 03 Chương, 20 Điều. Theo đó, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) hiện gồm 07 Chương và 67 Điều.

Dự thảo Luật được bố cục lại theo hướng không đưa các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao thành các chương riêng mà được quy định chung cùng với các loại hình đường sắt khác để đảm bảo logic, hợp lý đối với việc thực hiện các chính sách.

Thu Hường

Nguồn: https://congthuong.vn/uu-tien-san-pham-viet-cho-phat-trien-cong-nghiep-duong-sat-389556.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm