VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
"Những ngày đầu ở VN, tôi ngại nói tiếng Việt. Tôi học 2 đến 3 buổi tiếng Việt mỗi tuần với giáo viên, nhưng không thường xuyên giao tiếp. Tôi không hiểu họ nói gì, còn mình nói chưa chắc họ đã hiểu", thủ môn Nguyễn Filip trải lòng hồi tháng 12.2023, thời điểm anh về VN được khoảng nửa năm, để chơi cho CLB Công an Hà Nội (CLB CAHN) và đang trong quá trình xin quốc tịch.
Adou Minh (trái) và Cao Pendant Quang Vinh cùng sinh năm 1997, là những phương án triển vọng cho đội tuyển VN
ẢNH: MINH TÚ
Nguyễn Filip là thủ môn ở đẳng cấp châu Âu, với 8 năm thi đấu ở CH Czech (cho 2 CLB Slovan Liberec và Slovacko). Người gác đền 33 tuổi cũng từng ra sân tại Europa League và có thời gian được triệu tập lên đội tuyển CH Czech. Dù có năng lực chuyên môn xuất sắc nhưng Nguyễn Filip cũng không tránh khỏi thời gian đầu bỡ ngỡ khi về VN thi đấu.
Rào cản ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa cả trong bóng đá lẫn ngoài cuộc sống, kỹ năng giao tiếp, vấn đề ẩm thực, nếp sinh hoạt… là chuyện của không riêng Nguyễn Filip, mà rất nhiều cầu thủ Việt kiều gặp phải khi lựa chọn trở về VN. Ngoài ra, khác biệt về khí hậu, với đặc trưng miền Bắc có mùa hè nóng oi bức còn miền Nam nóng quanh năm, cùng cách sinh hoạt, ăn uống khiến rất nhiều người con xa xứ cần thời gian để bắt nhịp.
"Khi mới về VN, tôi chưa quen với thời tiết. Trời quá nóng, độ ẩm rất cao", trung vệ Adou Minh, Việt kiều mang hai dòng máu VN - Pháp đang khoác áo CLB Hà Tĩnh, trải lòng. Thủ thành Patrik Lê Giang (gốc Slovakia) cũng từng ốm sốt ở giai đoạn đầu về nước khoác áo CLB CAHN, dẫn đến thể lực không đạt 100%. Thủ môn Đặng Văn Lâm từng gia nhập HAGL khi mới 17 tuổi, nhưng không thể trụ lại. Anh về Nga chơi bóng, rồi năm 2015 trở lại CLB Hải Phòng tìm kiếm cơ hội. Trải qua bao thăng trầm, những trục trặc do bất đồng ngôn ngữ lẫn biến cố mâu thuẫn tại CLB, Văn Lâm mới có thể hòa nhập và trở thành một trong những thủ môn hay nhất lịch sử bóng đá VN.
Highlight CLB CAHN 2-2 CLB Buriram United: Đội chủ nhà bị cầm hòa đáng tiếc
Tuy nhiên, không nhiều cầu thủ Việt kiều có thể bền bỉ vượt qua được giai đoạn ban đầu khá chông gai như Văn Lâm. Hầu hết những gương mặt nước ngoài gốc Việt khi về V-League thử sức đều chỉ trụ được một thời gian, rồi… bật bãi. Hiện chỉ có Nguyễn Filip, Cao Pendant Quang Vinh, Adou Minh và Patrik Lê Giang thể hiện được năng lực.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Cầu thủ Việt kiều đến từ nhiều quốc gia, với nhiều nền văn hóa khác nhau. Có những nơi mang nhiều nét tương đồng với VN, nhưng cũng có những nơi lại rất khác. Tùy vào xuất phát điểm, tính cách mà mỗi cầu thủ có khả năng hòa nhập khác nhau. Có người nhanh, người chậm, người lại không hòa nhập được".
Hậu vệ Cao Pendant Quang Vinh là trường hợp hiếm hoi thích nghi nhanh. Gia nhập CLB CAHN từ đầu mùa giải này, cựu cầu thủ CLB Sochaux đã chơi 30 trận trên mọi đấu trường và ghi 1 bàn. Quang Vinh thể hiện phong độ ấn tượng trong vai trò hậu vệ trái và sáng cửa được triệu tập lên đội tuyển VN.
Quang Vinh chia sẻ với Thanh Niên: "Khi một cầu thủ chuyển đến môi trường thi đấu mới, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là kỹ năng thích nghi. Họ học và trải nghiệm ngôn ngữ mới, cùng nền văn hóa rất khác so với trước. Quan trọng là bạn dám cởi mở đón nhận thử thách để hoàn thiện bản thân hay không".
TRIỂN VỌNG HÒA NHẬP
Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích thêm: "Trước đây, bóng đá VN chưa có chính sách cởi mở với cầu thủ Việt kiều, cả về số lượng cầu thủ mỗi đội được đăng ký, cả về cơ hội nhập tịch và cống hiến cho đội tuyển VN. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã thay đổi. V-League cho phép mỗi đội dùng 2 cầu thủ Việt kiều, cơ hội có quốc tịch và lên đội tuyển cũng rộng mở hơn, nên nhiều Việt kiều về nước thử sức hơn. Số lượng tăng thì cơ hội cũng cao hơn. Chưa kể, trong thời đại thế giới "phẳng", khi các cầu thủ VN được trang bị ngoại ngữ cùng tâm thế cởi mở với những người đến từ nền văn hóa khác biệt, cầu thủ Việt kiều cũng được chào đón nhiệt tình hơn".
Những bước tiến của Văn Lâm trước đây, hay sự hiện diện của Nguyễn Filip, Cao Pendant Quang Vinh, Adou Minh… lúc này sẽ tiếp thêm động lực để nhiều Việt kiều về nước cống hiến hơn nữa. Theo ông Đoàn Minh Xương, bên cạnh nỗ lực tự thân của cầu thủ, trách nhiệm của CLB và đội tuyển quốc gia cũng rất quan trọng.
MỜI GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG VIỆT
Chìa khóa để cầu thủ Việt kiều hòa nhập là học tốt tiếng Việt. Cả Nguyễn Filip, Cao Pendant Quang Vinh (CLB CAHN) hay Adou Minh (CLB Hà Tĩnh) đều mời giáo viên tiếng Việt dạy kèm tại nhà mỗi tuần. "Tôi luôn cố gắng giao tiếp những câu cơ bản như "xin chào", "cảm ơn", tập gọi tên đồng đội hay hô khẩu lệnh trên sân bằng tiếng Việt. Tôi cũng học hát Quốc ca VN để chuẩn bị nếu được gọi lên đội tuyển", Quang Vinh cho biết. Hiện phần lớn các cầu thủ Việt kiều vẫn ưu tiên dùng tiếng Anh. Nếu nhanh chóng cải thiện vốn tiếng Việt, quá trình hòa nhập sẽ ngắn lại rất nhiều.
"Để cầu thủ Việt kiều chơi tốt, CLB cần có chiến lược phát triển năng lực của họ, tạo điều kiện cho họ làm quen với lối sống, môi trường mới mẻ. Đây là quá trình đòi hỏi tầm nhìn và sự bao dung. Cầu thủ cần cố gắng làm quen, nhưng CLB cũng phải mở lòng trao cơ hội, giúp họ ổn định cuộc sống rồi mới có thể toàn tâm toàn ý cho bóng đá, chứ không chỉ đơn thuần trả cho họ mức thu nhập cao. Các CLB cũng cần có bản sắc văn hóa, định vị thương hiệu rõ ràng để các cầu thủ Việt kiều thấu hiểu và có thêm động lực cống hiến. Bóng đá VN cần sự cởi mở và chuyên nghiệp để đón nhận những người con xa xứ. Tương tự, đội tuyển VN hay các tuyến trẻ trong tương lai sẽ đón nhiều cầu thủ Việt kiều. Hãy vạch ra chiến lược dùng người rõ ràng để tối ưu năng lực của họ", ông Xương khẳng định. (còn tiếp)
Xem thể thao đỉnh cao trên FPT Play, tại fptplay.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-cau-thu-viet-kieu-kho-thich-nghi-185250519223404822.htm
Bình luận (0)