Trang chủCục Thông tin đối ngoạiChức năng nhiệm vụCHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC THÔNG TIN ĐỐI...

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Vị trí và chức năng
     1. Cục Thông tin đối ngoại là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về thông tin đối ngoại.
      2. Cục Thông tin đối ngoại có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật; có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn
        1. Tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
        a) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thông tin đối ngoại;
        b) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm, chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thông tin đối ngoại;
       c) Tham mưu giúp Bộ trưởng hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, các đề án, dự án đầu tư trong lĩnh vực thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật;
      d) Xây dựng, tổng hợp và trình Bộ trưởng báo cáo Chính phủ về hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan báo chí.

       2. Trực tiếp tổ chức thực thi quản lý nhà nước
      a) Hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thông tin đối ngoại;
      b) Hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam theo định kỳ hoặc đột xuất;
      c) Là đầu mối phối hợp thực hiện công tác thông tin đối ngoại với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, các tổ chức trong và ngoài nước;
      d) Tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ thông tin đối ngoại cho cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan báo chí, xuất bản, đội ngũ biên tập viên, biên dịch viên;
      đ) Theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá dư luận báo chí nước ngoài, thông tin về Việt Nam theo định kỳ, theo chuyên đề và khi có các sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng;
      e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cung cấp thông tin giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch về Việt Nam trên các lĩnh vực;
      g) Xây dựng quy định về cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin đối ngoại giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí;
      h) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật và của Bộ Thông tin và Truyền thông;
      i) Thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại ở địa bàn nước ngoài; chủ trì, hướng dẫn, tổ chức hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài;
      k) Chủ trì đề xuất, tổ chức đón các đoàn phóng viên nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế;
      l) Chủ trì xem xét, kiểm tra, đánh giá việc trưng bày tranh, ảnh và các hình thức thông tin khác bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;
      m) Đề xuất, đặt hàng và tổ chức thực hiện sản xuất các sản phẩm phục vụ thông tin đối ngoại bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhằm tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, giới thiệu quảng bá hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam và cộng đồng quốc tế;
     n) Tổ chức quản lý, vận hành và khai thác Trang thông tin điện tử đối ngoại vietnam.vn; cổng thông tin asean.vietnam.vn các trang thông tin điện tử phục vụ nhu cầu thông tin đối ngoại; triển khai xây dựng kênh truyền hình thông tin đối ngoại phát sóng ra nước ngoài theo quy định của pháp luật;
     o) Chủ trì, phối hợp kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan báo chí, xuất bản trong nước và các văn phòng đại diện của cơ quan báo chí Việt Nam tại nước ngoài;
      p) Chủ trì sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại.

       3. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
       a) Phối hợp với các cơ quan cung cấp thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam theo định kỳ hoặc đột xuất;
       b) Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài, hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam khi có yêu cầu;
       c) Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác thông tin đối ngoại với người Việt Nam ở nước ngoài;
       d) Phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật;
       đ) Phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất, xây dựng, hướng dẫn thực hiện định mức kinh tế – kỹ thuật và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm dịch vụ công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục;
      e) Phối hợp đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thông tin đối ngoại.

      4. Thực hiện công tác quản trị nội bộ:
      a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động quản lý thông tin đối ngoại; tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của Cục theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông;
      b) Quản lý về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, người lao động ; thực hiện chính sách, chế độ tiền lương và các chế độ khác đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng;
      c) Quản lý tài chính, tài sản, hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.
      5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc được Bộ trưởng giao.

Cục Thông tin đối ngoại