Dùng chất độc từ cuốn chiếu
Trong nhiều năm quan sát loài vượn cáo hoang dã, các nhà sinh vật học phát hiện một hành vi không giống ai.
Những con vượn cáo chủ động tìm cuốn chiếu, cắn nhẹ vào thân con vật để buộc nó tiết dịch độc, rồi nhè ra, không ăn. Ngay sau đó, chúng dùng chính nước dãi trộn lẫn chất độc bôi lên khắp bộ lông.
Theo nghiên cứu đăng trên Primates Journal bởi nhóm của Giáo sư Louise Peckre tại Trung tâm Sinh học Tiến hóa Đức, vượn cáo xoa chất này lên cơ thể như một hình thức phòng chống ve và bọ chét.

Những con vượn cáo chủ động tìm cuốn chiếu, cắn nhẹ vào thân con vật để buộc nó tiết dịch độc, rồi nhè ra, không ăn (Ảnh: Getty).
Dịch tiết của cuốn chiếu chứa cyanogenic compounds. Đây là các hợp chất giải phóng cyanide khi bị phân hủy có tác dụng kháng khuẩn và xua côn trùng mạnh.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận tần suất lặp lại hành vi này rất cao. Một cá thể có thể tương tác với 5–6 con cuốn chiếu mỗi ngày, dù không có dấu hiệu bị côn trùng tấn công nghiêm trọng.
Điều này đặt ra nghi vấn rằng vượn cáo tìm đến cuốn chiếu không chỉ để tự vệ.
Sau khoảng 10–15 phút kể từ lúc tiếp xúc với chất độc, vượn cáo bắt đầu có biểu hiện thay đổi rõ rệt.
Mắt chúng lờ đờ, tai rũ xuống, phản xạ chậm lại. Một số con nằm bẹp dưới gốc cây, gần như không phản ứng khi có tiếng động nhỏ xung quanh. Chúng đung đưa nhẹ cơ thể, như thể đang trôi bồng bềnh giữa cơn mơ.
Cơn “phê” kéo dài từ 40 đến 60 phút. Trong thời gian này, vượn cáo ngắt kết nối với môi trường xung quanh. Chuyển động cơ thể giảm xuống mức tối thiểu. Nhiều con quay lại tìm thêm cuốn chiếu khi hiệu ứng bắt đầu giảm dần, tiếp tục tạo ra chu kỳ cảm giác mới.
Các nhà nghiên cứu mô tả trạng thái này là “xuất thần tự nhiên”. Tuy chưa thể khẳng định vượn cáo thực sự cảm nhận được khoái cảm như con người khi dùng chất hướng thần, nhưng tần suất lặp lại hành vi cho thấy chúng tìm kiếm cảm giác đó một cách có chủ đích.
Theo nghiên cứu công bố trên Scientific Reports, nhóm chuyên gia tại Đại học Liverpool cho rằng các hợp chất benzoxazinoid và cyanogenic glycosides từ cuốn chiếu có thể kích hoạt các thụ thể thần kinh trung ương, tạo ra hiệu ứng gần giống như khi con người tiếp xúc với liều thấp chất hướng thần.
Hành vi này không gây hại ngay lập tức vì vượn cáo sở hữu enzyme rhodanese trong gan, giúp trung hòa một phần độc tính của cyanide.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường Đại học Antananarivo (Madagascar) năm 2022 cho thấy các cá thể trưởng thành thường là “người chỉ dẫn” cho vượn cáo con học cách sử dụng cuốn chiếu đúng liều lượng và thời điểm.
Điều này cho thấy hành vi này có thể mang yếu tố học tập và truyền đạt trong xã hội loài vượn.
Không chỉ vượn cáo biết tìm chất vui
Sử dụng chất độc từ sinh vật khác để tạo ra hiệu ứng thần kinh không chỉ xảy ra ở vượn cáo.
Theo nghiên cứu tổng hợp từ Trends in Ecology & Evolution, một số loài động vật khác như cá heo, mèo, voi, thậm chí chim sẻ cũng sử dụng thực vật hoặc động vật tiết độc để gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh từ cảm giác thư giãn đến hưng phấn tạm thời.
Ở loài vượn cáo, hành vi sử dụng cuốn chiếu không mang tính ngẫu nhiên hay theo phản xạ.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự lựa chọn có chủ đích. Vượn cáo chỉ nhắm đến những loài cuốn chiếu tiết dịch độc, biết dừng lại khi hiệu ứng kéo dài, và phân biệt rõ các giai đoạn “chuẩn bị -thư giãn - hồi phục”.
Giáo sư Louise Peckre nhận định trong một bài phỏng vấn với National Geographic: “Chúng tôi tin rằng loài vượn cáo không chỉ dùng cuốn chiếu để bảo vệ cơ thể mà còn để đạt tới trạng thái thần kinh đặc biệt.
Đây là hành vi hiếm gặp trong thế giới động vật, nhưng cực kỳ có tổ chức và mang tính học hỏi”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/vuon-cao-va-bi-mat-dung-chat-doc-de-thu-gian-20250726074655688.htm
Bình luận (0)