Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vườn chè cổ ở nơi 'Đệ nhất danh trà'

Cơ duyên đã giúp chúng tôi gặp được anh Phạm Văn Nhật, 47 tuổi, chủ nhân của khu vườn chè cổ lâu năm nhất ở Tân Cương. Bảo tồn vườn chè cổ rộng hơn 3.200m2, điều anh Nhật hướng đến không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn gìn giữ nét văn hóa đẹp ở mảnh đất “Đệ nhất danh trà”.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên24/07/2025

Vườn chè cổ của gia đình anh Phạm Văn Nhật, xóm Lam Sơn, xã Tân Cương có tuổi đời khoảng 100 năm.
Vườn chè cổ của gia đình anh Phạm Văn Nhật, xóm Lam Sơn, xã Tân Cương, có tuổi đời khoảng 100 năm.

Lạc bước vào vườn chè 100 tuổi

Trong suy nghĩ của tôi, vườn chè cổ sẽ có những cây cao quá đầu người, giống như những cây chè tôi đã được thấy trong các dịp lễ hội Hương sắc trà xuân Tân Cương. Nhưng không, khi đặt chân đến vườn chè cổ của gia đình anh Nhật ở xóm Lam Sơn, chúng tôi nhìn thấy những cây chè đang trổ búp non mỡn, không khác những vườn chè giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên là mấy.

Chỉ khi nhìn xuống gốc cây, chúng tôi mới thấy sự khác biệt. Đó là thân cây to, mỗi cây tỏa tán rất rộng, trông như những chiếc nấm khổng lồ. Anh Nhật chia sẻ: Nếu để những cây chè cổ này mọc tự nhiên, mỗi cây có thể cao từ 4 đến 5m và không thể khai thác được. Tuy nhiên, để làm “trẻ hóa” cây, giúp cây cho thu hoạch, năm nào tôi cũng phải đốn và tạo tán cho vườn chè 1 lần.

Anh Nhật là hậu duệ - cháu nội của vợ chồng cụ Phạm Văn Phúc, sinh năm 1894 và bà Trần Thị Thơm, sinh năm 1902 - những người đã theo ông Đội Năm trồng chè ở vùng đất Tân Cương năm 1920.

Theo chia sẻ của anh Nhật, trước đây, vườn chè cổ này do hợp tác xã quản lý. Năm 1987, vườn chè được giao lại cho gia đình anh quản lý. Sau này, khi anh xây dựng gia đình (hơn 22 năm trước), cha mẹ chia cho vợ chồng anh trên 6.000m2 chè, trong đó có hơn một nửa là diện tích là vườn chè lâu năm.

Kể lại với chúng tôi với vẻ tiếc nuối, anh Nhật cho biết, do không có sức để làm,  năm 2000, gia đình anh đã phá bỏ hơn 1 sào chè cổ. Anh bảo, chè cổ là giống chè trung du, được trồng bằng hạt nên có sức sống bền bỉ với thời gian. Giống chè này cũng có nhiều ưu điểm như khả năng chịu rét, chịu nóng hạn và chống chịu sâu bệnh tốt. Hơn nữa, rễ chè trung du cắm sâu trong lòng đất nên có thể chống xói mòn đất.

Tuy nhiên, anh phải dành rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc diện tích chè lâu năm này. Không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ từ phát cỏ, dọn vườn, do trong vườn có nhiều khoảng trống (trồng chè trung du hàng cách hàng xa hơn so với trồng chè lai) nên tần suất tưới nước cho chè phải “dầy” hơn, mất nhiều công sức hơn.

Bù lại với công sức bỏ ra thì sản phẩm chè trung du lại cho chất lượng cao hơn hẳn. Với nhiều người sành trà, hương vị chè trung du rất khác biệt với các giống chè lai. Ngoài hương thơm, vị đượm, ngọt nơi đầu lưỡi, chát nơi cuống họng, nước trà màu xanh sóng sánh, chè trung du còn có hương cốm đặc trưng.

Đây cũng là lý do để anh Nhật đầu tư cho vườn chè cổ này. Anh nói: Mỗi năm, tôi chỉ thu trên 2 tạ chè búp khô từ vườn chè nhưng giá bán lại khá cao (từ 700 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg chè búp khô). Đặc biệt, sản phẩm chè cổ đang làm nên uy tín và thương hiệu cho gia đình tôi.

Giữ nét văn hóa đẹp ở vùng chè


j
Dù cho năng suất không cao nhưng sản phẩm chè cổ của gia đình anh Phạm Văn Nhật có giá bán cao hơn các loại chè khác.

Trên thực tế, vườn chè cổ của gia đình anh Nhật cho năng suất không cao mà việc chăm sóc lại đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn rất nhiều. Do đó, chúng tôi thắc mắc vì sao anh Nhật không làm theo số đông, phá bỏ vườn chè trăm tuổi này để trồng các giống chè lai cho năng suất, sản lượng cao hơn như nhiều hộ dân trong vùng.

Lý giải về những thắc mắc này, anh Nhật không giấu diếm: Đã có lúc, vợ chồng tôi muốn phá bỏ diện tích chè lâu năm để trồng thay thế vào các giống chè mới. Tuy nhiên, được các cấp, ngành chức năng tuyên truyền, động viên, chúng tôi đã hiểu hơn về ý nghĩa của vườn chè cổ và quyết tâm giữ lại. Bây giờ, tôi thấy, quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn khi cả vùng chè Tân Cường chỉ còn có khu vườn chè của gia đình có “tuổi đời” lâu năm nhất.

Trò chuyện cùng chúng tôi, đôi mắt của anh Nhật ánh lên niềm vui và hy vọng. Hơn 20 năm được làm chủ vườn chè cổ này, anh Nhật đã đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Khi đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn không gian bắt mắt của vườn chè nằm bên bờ sông thơ mộng, mà còn được thưởng thức thứ trà đặc sản riêng có, mang đậm nét văn hóa của vùng chè Tân Cương. Nhất là khi ông chủ của vườn chè đang bỏ ra nhiều công sức để xây dựng những sản phẩm trà cao cấp.

Anh Nhật cho hay: Trước đây, do chưa nhận thức đúng đắn về giá trị của vườn chè cổ nên tôi chỉ khai thác theo kiểu “thuận theo tự nhiên”, chưa biết cách đầu tư đúng hướng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, việc chăm sóc, khai thác đã được thực hiện bài bản.

Mỗi năm, vợ chồng tôi chỉ khai thác khoảng 5 hoặc 6 lứa và để cho cây chè được “nghỉ” 2 tháng (tương đương 2 lứa). Việc khai thác có chừng mực này giúp vườn chè phát triển ổn định, cho búp đều và tạo không gian đẹp quanh năm. Sản phẩm trà cũng được chúng tôi chế biến khá đa dạng như trà cổ ướp hương sen, chè đinh, chè tôm nõn…

Quá trình đưa sản phẩm chè cổ ra thị trường, anh Nhật vẫn đang gặp không ít khó khăn khi chưa có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của gia đình. Đây là lý do anh vẫn đang nỗ lực từng ngày xây dựng thương hiệu trà riêng có này. Cùng với việc chăm sóc, thâm canh chè theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, anh Nhật đang tích cực quảng bá sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Theo anh Nhật, với địa thế đẹp, trong tương lai, vườn chè cổ của gia đình có thể trở thành địa điểm du lịch sinh thái, check in lý tưởng cho du khách. Vì lẽ đó, hiện nay, vợ chồng anh vừa khai thác, xây dựng thương hiệu sản phẩm trà cổ vừa đầu tư chỉnh trang để khu vườn đẹp hơn.

Tuy nhiên, để mục tiêu phát triển vườn chè cổ thành khu du lịch sinh thái trở thành hiện thực, anh Nhật mong muốn được các cấp ngành chức năng quan tâm, có chính sách hỗ trợ một  kinh phí cũng như tạo quỹ đất mở tuyến đường vào vườn chè cổ để thuận tiện cho việc đi lại.…

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/vuon-che-co-o-noide-nhat-danh-tra-1d51215/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm