Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, để đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch, thành phố hướng đến triển khai, phát triển hệ thống cổng thông tin du lịch trực tuyến trên cơ sở số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa, giải trí trên địa bàn sử dụng bản đồ số.
Thành phố ứng dụng thuyết minh du lịch trên thiết bị di động, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ mới khác. Tích hợp, kết nối với các ứng dụng cho phép phản ánh, góp ý, đánh giá mức độ hài lòng nhằm tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch…
Theo đánh giá của một số chuyên gia, công ty lữ hành, thời gian qua, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch cụ thể, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế có tiềm năng ứng dụng công nghệ cao và khả năng tạo giá trị gia tăng lớn.

Hạ tầng viễn thông tại Cần Thơ được đầu tư tương đối đồng bộ, độ phủ sóng internet rộng. Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã bắt đầu áp dụng phần mềm quản trị, thanh toán điện tử, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, góp phần tạo nên hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng và linh hoạt…
Đáng chú ý, từ năm 2019, Cần Thơ triển khai cổng thông tin du lịch tại địa chỉ "http://canthotourism.vn" và các ứng dụng "Can Tho Tourism" trên điện thoại thông minh. Bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại từ trí tuệ nhân tạo, tham quan 3D, thực tế ảo VR, hệ thống giúp du khách hoạch định lịch trình, đặt phòng nhanh chóng, định vị điểm đến và dẫn đường thông minh qua bản đồ tương tác…
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (khách du lịch đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Dù lần đầu đến đây, tôi vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin như nhà hàng, khách sạn trên ứng dụng Can Tho Tourism. Việc trang bị công nghệ thực tế ảo giúp tôi có thể tìm hiểu thông tin điểm đến và trải nghiệm trước khi tham quan để chọn được điểm du lịch phù hợp nhu cầu".

Mặc dù đang có những bước chuyển mình, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số du lịch của Cần Thơ cũng đang gặp không ít rào cản. Ghi nhận tại một số điểm tham quan, lưu trú tại thành phố, dù đã ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng các cơ sở vẫn hoạt động rời rạc, chưa được tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung hoặc kết nối với cổng du lịch của thành phố.
Nhiều khu vực tại Cần Thơ có hạ tầng mạng, đường truyền… chưa đạt yêu cầu triển khai các công nghệ hiện đại. Một số địa điểm không hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều nơi chủ động tham gia hệ sinh thái du lịch thông minh mà vẫn giữ thói quen làm thủ công, truyền thống.
Một số doanh nghiệp cho rằng, chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh hoặc phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở du lịch chuyển đổi số hiệu quả. Nhiều cơ sở khó khăn trong tiếp cận công nghệ, tài chính, nhân sự chuyên môn.
Bên cạnh đó, cổng thông tin và ứng dụng du lịch của thành phố nhiều khi cập nhật chậm, thiếu kết nối với hệ thống đặt vé, đặt phòng trực tuyến. Việc thiếu tính tương tác và không đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan, doanh nghiệp khiến các nền tảng này chưa phát huy hiệu cao nhất.
Thực tế, hiện nay, chương trình đào tạo tại một số cơ sở còn thiếu tính thực tiễn và chưa hoàn toàn sát với yêu cầu của thị trường trong khi doanh nghiệp luôn cần nhân lực không chỉ vững về chuyên môn, mà còn thành thạo cả ngoại ngữ, công nghệ.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ
Nhiều lao động trong ngành du lịch chưa được đào tạo bài bản về công nghệ số, thiếu kỹ năng sử dụng các nền tảng quảng bá, đặt dịch vụ trực tuyến, hay vận hành phần mềm du lịch thông minh. Trong khi đó, tốc độ thay đổi nhanh chóng của ngành du lịch đòi hỏi nhân lực phải liên tục cập nhật kỹ năng công nghệ.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch, thời gian tới Cần Thơ cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh, bảo đảm tích hợp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như đặt phòng, mua vé, định vị điểm đến, gợi ý lịch trình, thanh toán không dùng tiền mặt…

Thành phố cần hoàn thiện các quy định liên quan đến chia sẻ dữ liệu du lịch, bảo vệ thông tin người dùng, khuyến khích xã hội hóa hạ tầng công nghệ và ban hành chính sách khuyến khích các điểm đến, doanh nghiệp tích cực tham gia hệ sinh thái du lịch thông minh, từng bước gắn các tiêu chí chuyển đổi số vào đánh giá, xếp hạng điểm đến và cơ sở lưu trú.
Các trường cần cập nhật chương trình đào tạo, tăng cường kỹ năng số, công nghệ thông tin, ngoại ngữ; Mở các khóa học về ứng dụng AI, dữ liệu lớn, thực tế ảo/tăng cường, IoT trong các hoạt động du lịch; Đào tạo về xây dựng và vận hành các nền tảng du lịch số, ứng dụng di động, chatbot; Tập huấn về marketing, bán hàng, quản lý khách hàng thông qua các công cụ số.
Giảng viên Đinh Hiếu Nghĩa (Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ)
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Cần đa dạng hóa các kênh truyền thông, lan tỏa các mô hình du lịch số tiêu biểu, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân cùng tham gia, chung tay thúc đẩy du lịch Cần Thơ chuyển mình theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững.
Theo giảng viên Đinh Hiếu Nghĩa (Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ), việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại 4.0 cần được quan tâm, thúc đẩy. Người làm du lịch phải được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ số và xem chuyển đổi số là cơ hội và thách thức để khẳng định giá trị cung cấp các dịch vụ thông minh và thay đổi phương thức tương tác với khách du lịch trên môi trường số.
Nguồn: https://nhandan.vn/xay-dung-he-sinh-thai-du-lich-thong-minh-post896408.html
Bình luận (0)