Thông tin được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Yếu tố quyết định để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào 2045” sáng 27/5 tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học & Công nghệ phối hợp với Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế tổ chức.
Kỳ vọng 'khoán 10' mới cho khoa học công nghệ
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Xuân Khoát – Chánh Văn phòng Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7,09%, tiếp tục là điểm sáng trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới như suy giảm tăng trưởng toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, và cuộc đua đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt.
Theo TS Khoát, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 – một mục tiêu đầy tham vọng nhưng cần thiết – Việt Nam cần có những giải pháp đột phá mang tính nền tảng. Trong đó, con đường duy nhất đúng đắn để phát triển hiện nay là dựa vào khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).
Nhấn mạnh vai trò của KHCN và ĐMST, song TS Nguyễn Hữu Xuyên – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN cho rằng, tiềm năng của KHCN và ĐMST ở Việt Nam chưa được khai thác tương xứng với vai trò chiến lược của chúng trong việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng.
Trước bối cảnh thế giới biến động nhanh và sâu rộng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương mang tầm chiến lược, nổi bật là Nghị quyết 57 với khát vọng tạo đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Xuyên ví Nghị quyết 57 như một "khoán 10" mới, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt thể chế, khơi thông nguồn lực và mở ra một mô hình phát triển dựa trên tri thức và sáng tạo. Bên cạnh đó, các nghị quyết quan trọng khác như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, và Nghị quyết 193 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cũng cho thấy quyết tâm chuyển hóa ĐMST thành động lực thực tiễn cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Việt Nam hiện đang đứng trước thời cơ vàng để chuyển đổi mô hình phát triển, tận dụng triệt để cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số. Những cải cách thể chế đang từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghệ cao, trở nên cấp thiết trong việc tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và bền vững", Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Xuyên, song hành với cơ hội là những thách thức không nhỏ. Hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan đến KHCN, đầu tư công và tài chính công; nguồn nhân lực công nghệ cao còn yếu; cơ sở hạ tầng số chưa đáp ứng yêu cầu; các cơ chế thử nghiệm như sandbox còn thiếu hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn có năng lực hấp thụ công nghệ hạn chế và thiếu văn hóa đổi mới sáng tạo.
Cần cải cách toàn diện thể chế
Ở góc nhìn khác, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo (Trường Đại học Ngoại thương) khẳng định, ĐMST và chuyển giao công nghệ là chiến lược sống còn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực như tăng hạng trên bảng GII, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp công nghệ quốc tế.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, mức đầu tư cho R&D còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 0,42% GDP – thua xa so với các quốc gia phát triển. Doanh nghiệp trong nước phần lớn chưa nhận thức đúng vai trò chiến lược của R&D, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, khung chính sách hỗ trợ đổi mới vẫn còn bất cập, thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ yếu kém, khiến doanh nghiệp thiếu động lực để đổi mới liên tục.
Theo ông Hà, để cải thiện tình hình, Việt Nam cần cải cách toàn diện thể chế, triển khai chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh cho R&D, xây dựng văn hóa đổi mới và phát triển hệ sinh thái liên kết ba nhà: nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường.
Từ góc độ chính sách tài chính, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế cho rằng, một trong những “nút thắt” lớn nhất hiện nay là cơ chế tài chính công cho KHCN còn thiếu linh hoạt và không chấp nhận rủi ro. Việc sở hữu nhà nước đối với kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước đang làm giảm động lực sáng tạo và thương mại hóa. Bên cạnh đó, các quy trình phân bổ, giám sát và kiểm soát ngân sách quá chặt chẽ khiến hoạt động nghiên cứu cơ bản – vốn có độ rủi ro cao – bị bóp nghẹt.
Bà Hiền đề xuất ba giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, nâng cao hiệu quả chi tiêu công thông qua cơ chế khoán chi, tăng cường chấp nhận rủi ro có kiểm soát và cải cách các quỹ phát triển KHCN. Thứ hai, huy động vốn tư nhân và các nguồn lực thay thế như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, mô hình gọi vốn cộng đồng. Thứ ba, thúc đẩy thương mại hóa bằng cải cách quyền sở hữu trí tuệ, định giá công nghệ, phát triển vườn ươm doanh nghiệp KHCN và mở rộng hợp tác công – tư.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất rằng, để đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, sáng tạo và công nghệ. "Bộ ba" KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ là động lực tăng trưởng mới mà còn là nền tảng để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên trở thành quốc gia phát triển, tự cường và thịnh vượng.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/xay-dung-khong-gian-phat-trien-kinh-te-moi-tren-nen-tang-cong-nghe-doi-moi-sang-tao/20250527105754096
Bình luận (0)