Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xung quanh một chữ “Oan” 

(Baothanhhoa.vn) - Trong tiếng Việt, chữ oan đã được Việt hóa và thông dụng đến mức tưởng chừng như đây là một từ “thuần Việt”. Mặt khác, oan không chỉ độc lập trong hành chức, mà còn có khả năng tạo từ rất phong phú...

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa19/05/2025


Xung quanh một chữ Oan

Đêm qua rót đọi dầu đầy

Bấc non chẳng cháy, oan mày, dầu ơi

(Ca dao)

Như thế nào gọi là oan?

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Trung tâm Từ điển học Vielex. Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) giảng: “Oan • 冤 t. bị quy cho tội mà bản thân không gây nên, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu. đứa trẻ bị mắng oan ~ đừng nghi oan cho người ta ~ viết đơn kêu oan. Đn: oan uổng”.

Trong phép cấu tạo chữ Hán, oan 冤 là chữ Hội ý, gồm, bên trên là bộ mịch 冖 nghĩa là che, trùm, úp lên; bên dưới là chữ thố 兔, nghĩa là con thỏ.

Các nhà nghiên cứu cổ văn tự Trung Quốc cho biết, vẫn chưa tìm thấy Giáp cốt văn (văn khắc trên yếm/mai rùa, xương thú...), và Kim văn (văn khắc/đúc trên chuông, đỉnh đồng, đá...) của chữ oan. Theo đây, thể chữ sớm nhất của chữ oan, mà người ta biết, đó là chữ Tiểu triện (ra đời và phổ biến trong chữ viết thống nhất thời nhà Tần, nên còn gọi là Tần triện).

Cho dù chưa tìm thấy Giáp cốt văn và Kim văn (còn gọi Minh văn) của chữ oan, nhưng căn cứ vào cách giảng của một số thư tịch cổ, như Thuyết văn giải tự, Khang Hi tự điển,... các nhà nghiên cứu cổ văn tự Trung Quốc hầu như thống nhất trong cách giải mã nghĩa Hội ý (phép cấu tạo chữ Hán, dùng hai hay nhiều chữ ghép lại với nhau để tạo ra nghĩa mới) của chữ oan.

Sách Hán tự đồ giải tự điển (1) giảng: “Chữ oan (gồm bộ mịch 冖 + thố 兔) biểu ý con thỏ bị trùm kín lại, khiến thân mình không thể duỗi ra được; nghĩa gốc là co rúm lại, không thể động đậy hay duỗi ra được; nghĩa rộng là “oan khuất”. [nguyên văn 冤:會意字. 从冖, 从兔. 表示兔子被蒙罩住, 屈縮而難伸.本義是屈縮. 引申為冤屈].

Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (2) có cách giảng tương tự, khi cho rằng, chữ oan tượng hình như “một con thỏ lương thiện bị một vật gì đó úp lại (冖 chỉ nắp lồng, âm đọc là mịch) không thể hoạt động...”.

Trong tiếng Việt, chữ oan đã được Việt hóa và thông dụng đến mức tưởng chừng như đây là một từ “thuần Việt”. Mặt khác, oan không chỉ độc lập trong hành chức, mà còn có khả năng tạo từ rất phong phú. Sau đây, xin dẫn một số từ ghép có chữ oan:

- Oan khiên 冤愆 (Dầu lòng tắm táp chơi bời, nào hay lại phải cơ trời oan khiên - Hoàng Trừu). Nghĩa của chữ oan thì chúng ta đã rõ quan điểm phân tích trên đây. Vậy còn chữ khiên có nghĩa là gì? Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giảng chữ “khiên” trong “oan khiên” nghĩa là “kéo, dắt”. Tuy nhiên, đó là sự nhầm lẫn, bởi thực ra, chữ khiên trong “oan khiên” có tự hình là 愆 có nghĩa là tội lỗi; vì sơ suất, thiếu thận trọng mà phạm tội lỗi. Còn chữ khiên nghĩa là kéo, dắt có tự hình là 牽 (trong từ khiên cưỡng 牽強 = có tính chất gò ép, bắt buộc, thiếu tự nhiên), không liên quan gì đến từ oan khiên.

- Oan ức 冤抑. Đây là từ ghép đẳng lập, trong đó chữ ức 抑 cũng có nghĩa là oan).

- Oan khuất 冤屈. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giảng chữ khuất 屈 là “cúi xuống”. Tuy nhiên khuất trong oan khuất, có nghĩa là “cong, co lại” (ý chỉ bị oan ức không bày tỏ ra được).

- Oan trái 冤債. Chữ trái ở đây có nghĩa là sự vay mượn, nợ nần. Oan trái có hai nghĩa: 1- Những điều phải gánh chịu trong kiếp này để trả cho những điều ác đã làm ở kiếp trước, theo quan niệm của đạo Phật. chịu nhiều oan trái. Đn: oan nghiệt; 2- Ngang trái khiến cho phải đau khổ, bất hạnh. mối tình oan trái ~ lâm vào cảnh ngộ oan trái (Từ điển tiếng Việt, sách đã dẫn).

- Oan cừu 冤仇. Chữ cừu ở đây có nghĩa là thù, oán thù (như trong từ cừu thù, cừu địch). Oan cừu nghĩa là căm giận và oán thù...

Như vậy, người xưa thật tài tình khi dùng phép Hội ý bộ mịch 冖 (che, trùm, úp lên) + thố 兔 (con thỏ) = OAN. Nghĩa Hội ý của chữ diễn tả kẻ bị oan chẳng khác nào con thỏ hiền lành, yếu đuối, bất ngờ bị người ta trùm, chụp, úp lại để giết thịt và nằm co chờ chết trong sự vô vọng.

Mẫn Nông (CTV)

1- Cố Kiến Bình – Trung Quốc Xuất bản xã – Đông Phương Xuất bản Trung tâm – 2012.

2- Lý Lạc Nghị - Jim Waters. NXB Thế Giới, Hà Nội – 1997.

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xung-quanh-mot-chu-oan-nbsp-249345.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm