Theo thời gian, nhu cầu nghỉ dưỡng tăng lên, những con suối trở thành chốn vãn cảnh, tận hưởng sự tươi mát của thiên nhiên nơi núi rừng. Từ thời thuộc địa, người Pháp đã thiết lập một hệ thống các khu nghỉ mát trên núi cao từ Bắc vào Nam, mà hầu như nơi nào cũng có những dòng suối đẹp.
Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì ở miền Bắc, Bạch Mã, Bà Nà ở miền Trung, và nổi tiếng hơn cả là những dòng suối ở thành phố Đà Lạt, nơi tập trung các dinh thự và khách sạn qua nhiều thập niên.
Suối mơ! Bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương…
(Suối mơ – VĂN CAO)
Dòng suối đẹp đẽ là nơi tao nhân mặc khách tìm đến hẹn hò, với những cái tên đã đi vào thơ nhạc như suối Cam Ly, suối Đá Bàn hay suối Vàng bên cạnh những thung lũng Vàng, đồi cỏ Hồng… Những con suối chảy qua các thác nước và nối với những mặt hồ lững lờ dưới những rặng rừng thông cao nguyên trong thời tiết dịu mát là tài sản quý giá nhất của cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt. Biết bao thế hệ người Việt đã theo lời bài hát xưa mà thề ước: “Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối, nghe suối róc rách trôi, hòa lừng hương gió ngát, đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi”. (Suối mơ – Văn Cao). Dòng suối mùa thu với lá vàng rơi, tiếng gió khoai thai, mùi hương hoa cỏ và không khí trong lành, là bức tranh của chốn tiên cảnh có thực.
Nhiều dòng suối khoáng nóng hoặc các địa điểm trên cao có nhiệt độ mát mẻ đã thành nơi đắc địa cho những khu nghỉ dưỡng tìm cách định vị hài hòa với thiên nhiên. Những cái tên suối khoáng nóng bỗng trở thành ưu thế trời cho của các địa phương như các suối khoáng Phù Yên (Sơn La), Quang Hanh (Quảng Ninh), Kim Bôi (Hòa Bình)… Suối nước không chỉ đẹp để ngắm nhìn, chúng còn là nơi phục hồi sức khỏe trong kỳ nghỉ, tất nhiên với điều kiện con người biết giữ gìn cảnh quan.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)