Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Xuyên không" vào bài giảng nhờ công nghệ AR

Không cần thiết bị phức tạp, các sinh viên đã ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường (AR) để "hô biến" bài giảng khô khan thành trải nghiệm 3D sống động.

Báo Khoa học và Đời sốngBáo Khoa học và Đời sống28/05/2025

Thực tại tăng cường (Augmented Reality – AR) là công nghệ kết hợp thế giới thực với các yếu tố ảo được tạo ra bởi máy tính, thường thông qua camera và màn hình điện thoại, máy tính bảng hoặc kính AR chuyên dụng. Khác với thực tế ảo (VR) đưa người dùng vào một môi trường hoàn toàn ảo, AR giữ nguyên khung cảnh thật nhưng “tăng cường” nó bằng thông tin số, như hình ảnh, âm thanh, văn bản hoặc mô hình 3D được hiển thị trực tiếp trong tầm nhìn của người dùng. Nhờ đó, AR đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, kiến trúc, thương mại, du lịch và giải trí, giúp nâng cao trải nghiệm tương tác và hỗ trợ ra quyết định hiệu quả hơn.

"Học liệu ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường (AR) cho việc dạy học" của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã mở ra những tiềm năng to lớn trong việc đổi mới cách chúng ta tiếp cận và truyền đạt tri thức.

img-5499.jpg
Hoàng Nghĩa Tùng (bìa trái) và Ngô Lam Trường giới thiệu công trình "Học liệu ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường (AR) cho việc dạy học". Ảnh: Mai Loan.

Học liệu trực quan, sinh động, tiết kiệm chi phí

Chia sẻ về ý tưởng khởi nguồn của dự án "Học liệu ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường (AR) cho việc dạy học", Hoàng Nghĩa Tùng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ý tưởng xuất phát từ chính những trải nghiệm thực tế khi học tập.

“Ví dụ như môn Kỹ thuật Điện, một môn nhập môn nhưng lại khá khó với nhiều bạn sinh viên. Chúng em đã lắng nghe tâm tư của các bạn, đồng thời nhận thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ AR trên thế giới và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó, chúng em nảy ra ý tưởng xây dựng một học liệu trực quan, sinh động hơn để hỗ trợ việc dạy và học”, Tùng chia sẻ.

Giải thích cơ chế hoạt động của sản phẩm, Ngô Lam Trường, thành viên nhóm cho biết, khi người dùng quét một hình ảnh nhất định bằng phần mềm, hệ thống sẽ hiển thị mô hình 3D của đối tượng, ví dụ như một mạch điện, cùng các thông tin chi tiết liên quan như cấu tạo, thông số kỹ thuật, nguyên lý hoạt động. Người dùng có thể xem nội dung bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, rất tiện lợi.

Ứng dụng này không chỉ giúp sinh viên chuyên ngành kỹ thuật hiểu sâu hơn về các kiến thức khó, phức tạp, mà còn mang lại lợi ích thiết thực trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất học liệu và mua sắm thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo.

“Các thầy cô không cần phải mua quá nhiều các thiết bị bên ngoài nữa, mà có thể hoàn toàn sử dụng sản phẩm của chúng em trong việc dạy học”, Trường nhấn mạnh.

Từ những thành công đó, nhóm còn mạnh dạn mở rộng sang lĩnh vực giáo dục phổ thông với việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường này vào việc dạy học tiếng Anh lớp 7 của một trường trung học cơ sở ở Hà Nội.

img-5498.jpg
Trải nghiệm cảm giác "xuyên không" khi dùng sản phẩm.

Theo đó, trong bài học với chủ đề thế giới khủng long, sản phẩm AR của nhóm cho phép học sinh chỉ cần hướng camera điện thoại hoặc máy tính bảng vào một hình ảnh định sẵn, lập tức một mô hình khủng long 3D sống động sẽ hiện ra trên màn hình. Học sinh có cảm giác như “xuyên không” từ chính không gian thực của lớp học. Học sinh có thể xoay, phóng to, thu nhỏ mô hình, đồng thời xem các từ vựng tiếng Anh liên quan được hiển thị bên cạnh.

“Kết quả thực nghiệm cho thấy cả học sinh và giáo viên đều có phản hồi rất tích cực về sản phẩm, đánh giá cao tính mới mẻ, hấp dẫn và hiệu quả trong việc kích thích hứng thú học tập và ghi nhớ từ vựng”, Tùng cho hay.

Đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm là chìa khóa để phát triển

Đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học và khả năng ứng dụng công nghệ của sinh viên, PGS.TS. Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, Đại học Bách Khoa Hà Nội có truyền thống lâu đời về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Nhu cầu đổi mới sáng tạo trong học tập và nghiên cứu, tìm tòi cái mới đã trở thành một truyền thống của nhà trường.

Lãnh đạo nhà trường luôn nhận thức rõ điều này và không ngừng mở rộng, kiến tạo môi trường, hệ sinh thái nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho cả sinh viên và giảng viên. Mục tiêu là tạo ra môi trường sáng tạo tốt nhất trong điều kiện của mình, để các bạn có thể thỏa sức nghiên cứu, sáng chế ra những ý tưởng và sản phẩm mới.

img-5487.jpg
Khi người dùng quét một hình ảnh nhất định bằng phần mềm, hệ thống sẽ hiển thị mô hình 3D của đối tượng. Ảnh: Mai Loan.

Theo PGS.TS. Việt Anh, trong giai đoạn hiện nay, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo luôn đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực STEM và khoa học kỹ thuật. Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như các cơ quan liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, đều chỉ đạo nhất quán rằng khoa học công nghệ phải là chìa khóa để đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chỉ đạo xây dựng danh mục các công nghệ chiến lược, có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế đất nước trong các ngành sản xuất và công nghiệp khác nhau. Từ những kết quả nghiên cứu trước đây và hiện nay, Bách Khoa đã sẵn sàng một danh mục gần 100 sản phẩm công nghệ có thể thương mại hóa và hợp tác với doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Đây là những thông tin rất mới, chưa được công bố rộng rãi”, ông thông tin.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, theo PGS.TS. Việt Anh việc khai thác triệt để mô hình hợp tác ba nhà: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp rất quan trọng. Việc phát triển khoa học công nghệ và thương mại hóa sản phẩm phục vụ đời sống, kinh tế đất nước cần phải dựa trên nền tảng này. Đây là công thức chung mà các nước phát triển đã đi trước. Trường đại học có sẵn lực lượng nghiên cứu đông đảo nhất hiện nay trong nước, xét về số lượng tiến sĩ, giáo sư. Hàng năm, có gần một triệu sinh viên được tuyển sinh vào các trường đại học trên mọi lĩnh vực, cả truyền thống và mới.

“Đây chính là nguồn lực con người vô cùng quan trọng. Người thầy có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự say mê, sáng tạo của sinh viên. Vai trò của các trường đại học rất quan trọng trong hệ sinh thái này, nhằm thúc đẩy lực lượng, phát triển năng lực sáng tạo, ý tưởng mới và có nền tảng để đi vào những công nghệ cốt lõi, công nghệ cao phục vụ xã hội”, PGS. Việt Anh nhấn mạnh.

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/xuyen-khong-vao-bai-giang-nho-cong-nghe-ar-post1544018.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm