Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yên Bái đa dạng sinh kế giảm nghèo bền vững

Công tác giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh Yên Bái xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhất là việc tập trung đa dạng hóa sinh kế, tạo sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đã và đang tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Những mô hình sản xuất hiệu quả, những hộ nghèo vươn lên làm giàu bằng chính sức mình là minh chứng sinh động cho một hành trình đổi thay từ tư duy đến hành động…

Báo Yên BáiBáo Yên Bái22/05/2025

>> Yên Bái: Nhiều giải pháp đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo
>> Yên Bái giảm nghèo ngoạn mục, đời sống người dân khởi sắc
>> Yên Bái tập trung giảm nghèo ở "vùng lõi”
>> Yên Bái da dạng hóa sinh kế hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo
>> Giảm nghèo ở vùng lõi: Nhiều hỗ trợ sinh kế cho người dân Yên Bái

Giai đoạn 2022 - 2024, công tác giảm nghèo đã ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân 4,13% mỗi năm, đạt và vượt mục tiêu Chương trình đặt ra. Kết thúc năm 2025, Yên Bái sẽ ghi nhận một cột mốc đầy ấn tượng khi tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm còn 4,18%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 6,6%/năm, cao gấp gần 1,6 lần mức giảm chung toàn tỉnh. Thành quả này không chỉ đến từ sự nỗ lực của hệ thống chính trị mà còn bắt nguồn từ sự thay đổi sâu sắc trong tư duy giảm nghèo - chuyển từ hỗ trợ đơn thuần sang phát triển sinh kế bền vững.

Trong điều kiện địa hình chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều, Yên Bái không chọn cách làm dễ mà chọn hướng đi sát với thực tiễn từng vùng, từng bản. Tỉnh đã phát triển các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng bản địa và tập quán canh tác truyền thống. Trên những triền đồi của các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, cây tre măng Bát Độ bén rễ xanh mướt, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, giống khoai sọ nương được khôi phục, nâng tầm bằng quy trình canh tác bài bản.

Ở Mù Cang Chải, cây lê trái vụ đang trở thành cây chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Từ năm 2021 đến 2025, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai 429 dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 217,5 tỷ đồng, hỗ trợ trên 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Các dự án được triển khai theo hướng hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hạn chế cho không, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, giúp người dân từng bước nâng cao năng suất, thu nhập để thoát nghèo bền vững. Để những mô hình này thực sự hiệu quả, tỉnh đã khuyến khích người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp. 

Từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, nông dân được kết nối với thị trường, tiếp cận kỹ thuật mới và được bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Yên Bái đã thu hút 78 dự án đầu tư vào các địa bàn khó khăn với tổng vốn khoảng 10.836 tỷ đồng; triển khai 74 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Những vùng chuyên canh sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực được mở rộng quy mô, nâng chất lượng và gắn chặt với chế biến sâu, tiêu thụ ổn định. Trong hành trình giảm nghèo, tín dụng chính sách đóng vai trò then chốt. 

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh - Đỗ Long Thảo cho biết: "Chúng tôi không chỉ dừng ở việc cho vay vốn mà còn cùng các tổ chức chính trị - xã hội đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình phát triển sinh kế. Thông qua hệ thống cán bộ tín dụng và các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, các hộ nghèo được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng vốn, kỹ thuật sản xuất, cách quản lý kinh tế hộ gia đình. Đây là điểm mấu chốt để đồng vốn chính sách thực sự phát huy hiệu quả”.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có hơn 65.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách với tổng doanh số 4.645 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 0,1%, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong quản lý và sử dụng vốn. Đáng chú ý, hơn 28.500 hộ vay vốn đã vươn lên thoát nghèo thành công. 

Song song với tín dụng, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 9.400 căn nhà; giải quyết việc làm cho 110.339 lao động, đào tạo nghề cho 99.504 người; chuyển dịch cơ cấu lao động cho 39.289 người từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; trong đó, có 7.704 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tạo việc làm, 7.278 người được đào tạo nghề. 

Những con số trên là minh chứng cho sự đầu tư bài bản mà còn phản ánh chuyển biến rõ rệt trong tư duy người dân. Nhiều hộ gia đình đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo, từ chối nhận hỗ trợ để khẳng định năng lực tự lập. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.342 lượt hộ nghèo tự nguyện viết đơn đăng ký thoát nghèo bền vững. 

Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đang trở thành hành trình đồng hành. Ở đó, chính quyền sát cánh với dân; doanh nghiệp đầu tư có trách nhiệm; các tổ chức đoàn thể vào cuộc sâu sát; người dân là trung tâm của mọi chính sách. Trong bối cảnh tỉnh sắp bước vào giai đoạn phát triển mới sau sáp nhập hành chính, bài học về đa dạng sinh kế - phát triển nội lực, kích hoạt tư duy tự cường càng có giá trị tham khảo rộng rãi. Khi sinh kế được đa dạng hóa, niềm tin được khơi dậy, tư duy tự lực được nuôi dưỡng, thì hành trình giảm nghèo không chỉ là một mục tiêu kinh tế - xã hội mà là con đường đi tới sự phát triển bền vững và bao trùm. 

Thông Nguyễn

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/350587/Yen-Bai-da-dang-sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm