Tô bún riêu quán bà Tài giá 30.000 đồng/tô - Ảnh: HOÀNG LÊ
Quán bún riêu nhỏ, chẳng có bảng hiệu, chỉ vài ba cái bàn, ghế cũ kỹ, khách quen gọi tên Bún riêu bà Tài.
30.000 đồng/tô bún riêu, no bụng
Quán bún riêu bà Tài bán từ khoảng 6h đến tầm 10h30 - 11h thì nghỉ. Bán chủ yếu cho người lao động và người dân sống xung quanh.
Quán chỉ bán trực tiếp, không bán qua app. Mỗi ngày bán khoảng 70 đến 100 tô.
Anh Huy - cháu ngoại bà Tài - lấy bún riêu cho khách mua mang về. Nồi nước lèo đã vơi đi khá nhiều - Ảnh: HOÀNG LÊ
Gần 10h, quán chỉ có vài khách ngồi ăn tại bàn và khá nhiều người đến mua mang về. Người ngồi bán không phải bà Tài, mà là anh Huy - cháu ngoại bà Tài.
Anh Huy chia sẻ: "Bà dậy từ 4h, nấu bún rồi bán cho khách từ 6h. Giờ mệt quá nên mới vào nhà nghỉ. Tôi chở con đi học xong là ra phụ bà. Khi nào quán dọn dẹp là tôi lại đi làm ở công ty".
Quán bún riêu bà Tài nấu theo phong cách miền Nam, không có cua mà dùng tôm khô quết với thịt và mọc làm riêu.
Nước lèo ninh bằng mực khô, tôm khô và xương, khá thanh, ít béo. Giá bán mỗi tô là 30.000 đồng với topping gồm 3 miếng mọc riêu tôm, 2 miếng chả, ba cục huyết, vài miếng đậu hũ.
Nếu khách muốn ăn thêm topping thì kêu, tính thêm tiền. Lượng bún trong tô khá nhiều, có khi bằng cả hai tô bún chỗ khác bán.
Hỏi anh Huy sao lấy nhiều bún quá, anh cười nói: "Cho mọi người ăn chắc bụng để đi làm. Ai ăn ít bún nói trước để quán bớt đi". Một vài khách nữ mối quen đến mua hầu như đều nói thêm câu: "ít bún".
Cái cửa ám màu đen khói củi
Anh Huy kể bà ngoại mình quê ở Vĩnh Long, vào Sài Gòn sinh sống lâu rồi. Quán bún riêu này có từ 48 năm trước, là nơi bà Tài kiếm tiền sinh sống và nuôi bốn người con, trong đó mẹ anh là con gái đầu lòng.
Cánh cửa và tường phía sau nhà bà Tài ám khói bởi nấu bún riêu bằng củi trong thời gian dài - Ảnh: HOÀNG LÊ
Quán bún riêu ban đầu nấu bằng củi, đến nay vẫn nấu bằng củi.
Gần đây mọi người trong nhà góp ý bà nấu bằng than hay gas, nhưng bà không chịu, bảo khách nói nấu củi ăn bún ngon hơn. Củi được bà đi lượm, thu mua từ mấy người bán ve chai. Có người còn đem thanh gỗ mà họ không dùng đến cho bà dùng.
Ngôi nhà bà Tài ở chỉ cách quán bún vài căn, dễ nhận ra bởi cánh cửa và tường nhà gian bếp sau đen thui vì ám khói củi mấy chục năm qua.
Anh Huy kể: "Bà ở và bán bún riêu ở xóm này lâu rồi. Nấu củi thỉnh thoảng hàng xóm cũng có chút phàn nàn vì khói bếp lên cao. Lúc đó bà chỉ cần điều khiển lại lửa trên bếp là được".
Anh cũng bảo: "Bà ngoại tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, mọi người trong nhà bảo thôi tuổi này bà nghỉ được rồi, có gì con cháu phụ tiền lo cơm hằng ngày nhưng bà không chịu. Bà bảo đi ra vào đỡ nhức tay chân, còn thấy vui, khỏe".
Quán bún riêu bà Tài có người ăn khen, người chê tùy theo khẩu vị, nhưng cảm giác vừa ăn vừa ngửi mùi khói từ bếp củi bay ra khiến nỗi nhớ ngày xưa cũ bất chợt quay về là một loại "đặc sản" khó lẫn với các quán khác, tạo nên sự phong phú cho ẩm thực đường phố Sài Gòn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/48-nam-bun-rieu-nau-cui-ngay-ban-tram-to-bun-nhieu-gap-doi-noi-khac-20250523171611095.htm
Bình luận (0)