Người bệnh tăng huyết áp cần giảm muối, carbohydrate tinh chế, chất béo xấu, tăng cường chất xơ, kali và magiê.
Chế độ ăn thiếu cân đối là nguyên nhân gây tăng huyết áp, thúc đẩy bệnh tiến triển. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, lưu ý 5 nguyên tắc về dinh dưỡng cho người bệnh dưới đây.
Hạn chế natri
Tiêu thụ nhiều natri dẫn đến tăng huyết áp cấp tính do thúc đẩy cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích tuần hoàn và tạo thêm áp lực lên thành mạch máu.
Natri có nhiều trong muối ăn, chiếm 40% trọng lượng của loại gia vị này. Để giảm natri, cần cắt hàm lượng muối trong chế độ ăn cho người tăng huyết áp.
Tổng hàm lượng natri tối đa mà người tăng huyết áp có thể tiêu thụ mỗi ngày là 2.300 mg (tương đương với 5,75 g muối ăn). Tuy nhiên, lý tưởng nhất, người bệnh chỉ nên tiêu thụ natri ở dưới mức 1.500 mg mỗi ngày (tương đương với 3,75 g muối ăn).
Ngoài muối ăn, natri còn có trong nhiều thực phẩm khác như phô mai, thịt gia cầm, đồ ăn chế biến sẵn (thịt xông khói, pizza, xúc xích), đồ đóng hộp và thực phẩm ủ muối (các loại khô, mắm, rau củ muối chua).
Hạn chế carbohydrate tinh chế
Khi tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế, nồng độ đường glucose (đường) trong máu gia tăng. Điều này kích thích cơ thể tích tụ mỡ thừa, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thúc đẩy bệnh tăng huyết áp tiến triển nặng.
Người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế (bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước tăng lực) hoặc ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, mì ống, bánh mì, bún, miến, phở).
Hạn chế chất béo xấu
Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa (trong mỡ gia súc hoặc gia cầm) và chất béo chuyển hóa (trong dầu ăn công nghiệp). Các chất béo này chứa hàm lượng cao cholesterol. Máu có nhiều cholesterol trở nên cô đặc hơn, khiếm tim phải làm việc vất vả để bơm máu, dẫn đến tăng huyết áp.
Tiêu thụ quá mức các loại chất béo này còn làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, cản trở lưu thông máu. Điều này dẫn đến gia tăng huyết áp dần theo thời gian và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
Gia tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn cải thiện đáng kể huyết áp ở người bệnh. Chất xơ trong rau củ quả có thể giúp hạn chế hấp thu chất béo xấu (cholesterol LDL) và triglycerides (chất béo trung tính), từ đó hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
Thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả cũng thường chứa nhiều nitrat. Sau khi được tiêu hóa, nitrat chuyển hóa thành oxit nitric (NO) – hợp chất có đặc tính giãn mạch tự nhiên, cải thiện tính đàn hồi của cơ trơn trên thành mạch và góp phần điều hòa huyết áp.
Ưu tiên thực phẩm giàu kali và magiê
Kali kiểm soát huyết áp bằng cách thúc đẩy thận đào thải nước, hạn chế tích tụ nước quá mức trong hệ tuần hoàn. Kali cũng hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách kiểm soát các tín hiệu điện ở cơ tim để điều hòa nhịp tim.
Trong khi đó, magiê hỗ trợ thư giãn các cơ mạch máu và hỗ trợ cơ tim, hệ tuần hoàn phân phối máu hiệu quả mà không cần hoạt động quá mức, gây tăng huyết áp.
Một số thực phẩm giàu kali bao gồm rau lá xanh (cải bó xôi, bắp cải, cần tây), rau củ (khoai tây, cà chua), hoa quả (chuối, cam, nước dừa). Một số thực phẩm giàu magiê bao gồm các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ, cá thu), hạt (hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt vừng) và ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, yến mạch, gạo lứt).
Một số dưỡng chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ), có khả năng điều hòa hoạt động men HMG-CoA reductase và tăng hoạt hóa receptor tế bào. Nhờ đó, hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol toàn phần, giảm nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch và kiểm soát tăng huyết áp.
Bác sĩ Tùng cho biết điều chỉnh chế độ dinh dưỡng quan trọng nhưng không thay thế các phác đồ điều trị từ bác sĩ. Người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo chỉ định. Chế độ dinh dưỡng cũng cần riêng biệt theo từng cá nhân, nên đi khám dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Kim Lý
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |