Học sinh, sinh viên tham gia cài đặt và trải nghiệm ứng dụng hỗ trợ “Học tập suốt đời” trên nền tảng SmartAnGiang
Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp; các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng, như: “Gia đình số”, “Chợ số - Nông thôn số”, “Mỗi công dân - Một danh tính số” và “Tổ công nghệ số cộng đồng”, Chiến dịch Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số… Để hỗ trợ người dân, các cấp, ngành triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”. Trong đó, quan tâm truyền thông và tuyên truyền sâu rộng; phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng. Triển khai tinh thần hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, VNPT An Giang phối hợp xây dựng ứng dụng “Học tập suốt đời”, phục vụ phong trào “Bình dân học vụ số”, góp phần phổ cập tri thức và kỹ năng số cho toàn dân.
Ủy viên dự khuyến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu: “Phong trào “Bình dân học vụ số” phải được triển khai đến tổ dân phố, khóm, ấp, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Cần triển khai nhanh, rộng khắp, bao trùm, có tính hệ thống, gắn kết, khoa học, linh hoạt, sáng tạo và bám sát tình hình thực tế. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến là yếu tố then chốt, bảo đảm phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp mọi đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Kết quả của phong trào phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực số của người dân, thúc đẩy kinh tế số, xây dựng chính phủ số, xã hội số...”.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang Đỗ Minh Sang thông tin: “Phong trào “Bình dân học vụ số” thu hút hơn 140 đội hình thanh niên tình nguyện, với gần 1.300 thành viên. Tham gia các đội hình “Bình dân học vụ số”, đoàn viên có mặt tại từng hộ gia đình, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa để phổ cập kiến thức “công nghệ số” cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, các thiết bị điện thoại thông minh, mạng xã hội…”.
Giám đốc VNPT An Giang Phạm Hùng Hải cho biết, giao diện ứng dụng hỗ trợ “Học tập suốt đời” trên nền tảng SmartAnGiang được thiết kế thân thiện, phù hợp người dân ở các độ tuổi, cả những người chưa quen, chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ. Giao diện “Học tập suốt đời” được phát triển dành riêng cho thiết bị di động tích hợp trực tiếp vào ứng dụng Công dân số An Giang (SmartAnGiang), mang đến trải nghiệm học tập thuận tiện, dễ dàng cho người dân ở mọi đối tượng, độ tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng “Học tập suốt đời” gồm 6 tính năng chính: Khóa học, cuộc thi, học liệu, khảo sát, thành tích, chứng chỉ. Việc triển khai ứng dụng tạo môi trường học tập linh hoạt trên các thiết bị di động thông minh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận tri thức số, hình thành thói quen học tập chủ động và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.
“Trước thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay, không chỉ người trẻ, người già chúng tôi cũng cần cập nhật công nghệ số, học tập suốt đời để nắm thông tin, theo dõi thời cuộc…” - bà Nguyễn Thị Kim Chi (người dân phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” thật sự lan tỏa đến từng người dân, từng khóm, ấp, tổ dân phố, vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng vô cùng quan trọng. Đây là một trong những lực lượng tiên phong góp phần đưa phong trào “Bình dân học vụ số” tỉnh An Giang được lan tỏa, hiệu quả cùng với ngành giáo dục giữ vai trò then chốt trong việc lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cần coi việc thực hiện phong trào là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; hưởng ứng, thành lập các mô hình cụ thể và trực tiếp triển khai thực hiện; cán bộ, đảng viên cần tiên phong, gương mẫu trong học tập, rèn luyện và lan tỏa kỹ năng số.
“Bình dân học vụ số” là phổ cập tri thức công nghệ, kỹ năng số cho toàn dân, đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cấp bách trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Với sự tham gia tích cực của các tổ công nghệ số cộng đồng, các chương trình đào tạo kỹ năng số đang giúp người dân từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận công nghệ và tham gia tích cực vào xã hội số hiện đại. |
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-trien-khai-manh-me-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so--a421501.html
Bình luận (0)