Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng trong giờ thực hành đầu bếp. Ảnh: NGỌC HÀ |
Định vị thương hiệu
Hướng đến mục tiêu định vị Đà Nẵng là điểm đến du lịch ẩm thực đặc sắc trên bản đồ du lịch thế giới, thành phố đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển ẩm thực với tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, trong đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định sản phẩm du lịch ẩm thực thuộc nhóm sản phẩm du lịch chính, cần tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ của sản phẩm hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm mới, sáng tạo. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực địa phương, miền Trung và món ngon Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc; chú trọng yếu tố “chuẩn vị”, “ngon mắt - ngon miệng” và thể hiện “đặc trưng vùng miền” trong từng sản phẩm.
Tại Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 24-5-2023 về phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, thành phố định hướng tập trung khai thác khách nội địa từ các địa phương trong cả nước, tăng lượng khách chi tiêu cao từ các thị trường có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Đối với thị trường quốc tế, tập trung thu hút các phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao (khách du lịch giải trí, khách MICE - du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, du lịch Golf, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cưới…) từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, từng bước mở rộng khai thác các thị trường mới, tiềm năng Tây Âu, Nga, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ. Đồng thời định hướng phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực Đà Nẵng theo 3 nhóm: ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền, ẩm thực quốc tế và mỗi nhóm theo 3 phân khúc: bình dân (đường phố), tầm trung (có kết hợp trải nghiệm) và cao cấp.
Các nhiệm vụ trọng tâm của đề án và kế hoạch phát triển ẩm thực được ngành du lịch triển khai theo lộ trình. Điểm nhấn nổi bật là cuối năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tiên triển khai chiến dịch “Đà Nẵng Food Tour” với thông điệp “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng - Hơn cả ngon”. Với hai sản phẩm chủ đạo bản đồ số ẩm thực và hộ chiếu ẩm thực, chiến dịch đã mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách và tạo tiếng vang về mặt định vị thương hiệu. Không dừng lại ở đó, năm 2025, chiến dịch dự kiến tiếp tục được mở rộng với các chủ đề như: Street Food (ẩm thực đường phố) hay Fine Dining (ẩm thực cao cấp), Bản đồ ẩm thực Đà Nẵng Street Food tuyển chọn 80 địa điểm ẩm thực đường phố… giúp Đà Nẵng khẳng định vị thế là điểm đến giàu bản sắc trên bản đồ ẩm thực trong nước và quốc tế.
Bên cạnh quảng bá các thương hiệu đạt chuẩn, tôn vinh các cơ sở có chất lượng, đặc sắc; các nhà hàng, cơ sở ẩm thực đạt sao Michelin, đạt giải thưởng quốc tế, ngành du lịch thành phố tiếp tục truyền thông, phổ biến 5 tiêu chí Michelin để truyền cảm hứng và giúp cho các nhà hàng chưa đạt sao Michelin có thể tiếp tục hoàn thiện dịch vụ để thêm nhiều nhà hàng hiện diện trong danh sách này. Ngành cũng xây dựng và khai thác các chương trình du lịch ẩm thực (foodtour) đặc sắc, hấp dẫn trên cơ sở kết nối và khám phá các điểm đến kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại các quán ăn địa phương nổi tiếng, các nhà hàng tại các khách sạn 4-5 sao, điểm ẩm thực đạt sao Michelin...
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội khách sạn thành phố, Đà Nẵng cần định vị rõ thương hiệu “Bếp ăn của châu Á” hoặc “Thành phố ẩm thực bên biển”, nơi hội tụ của tinh hoa ẩm thực miền Trung, được nâng tầm và giới thiệu ra thế giới thông qua các sản phẩm, trải nghiệm và sự kiện ẩm thực chuyên nghiệp. Thành phố có một số sự kiện ẩm thực chuyên ngành quy mô lớn, cần được duy trì chẳng hạn như HORERCFEX - diễn đàn và triển lãm ngành khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ẩm thực, cập nhật xu hướng mới, công nghệ tiên tiến trong ngành F&B và khách sạn, đồng thời kết nối doanh nghiệp, đầu bếp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; cuộc thi Đầu bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng - diễn ra tháng 12 hằng năm...
Đây không chỉ là sân chơi nghề nghiệp cho các đầu bếp địa phương và toàn quốc, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng như một điểm đến ẩm thực chuyên nghiệp, sáng tạo, đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, để định vị ẩm thực Đà Nẵng, cần phát triển chuỗi trải nghiệm ẩm thực dành cho du khách, thúc đẩy mô hình tour ẩm thực, lớp học nấu ăn, ẩm thực đường phố được quản lý bài bản, phát triển các lễ hội món ăn địa phương tại chợ, bãi biển.
“Ẩm thực đã và đang trở thành yếu tố chiến lược trong việc định vị thương hiệu và nâng cao giá trị trải nghiệm tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến du lịch, việc khai thác bản sắc ẩm thực địa phương không chỉ là một xu hướng mà còn là một giải pháp bền vững để thu hút và giữ chân du khách”, ông Quỳnh cho hay.
Chuẩn hóa ẩm thực
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong chiến lược phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030, chuẩn hóa ẩm thực từ bếp ăn đến bàn ăn được đặc biệt quan tâm. Theo đó, định hướng chuẩn hóa các cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố bảo đảm 5 tiêu chí phục vụ khách: tiêu chí đặc trưng, chuẩn vị của món ăn, thức uống; tiêu chí dinh dưỡng, bảo đảm chất lượng về nguyên liệu; tiêu chí chất lượng cao về dịch vụ, đặc sắc về giá trị trải nghiệm; tiêu chí an toàn thực phẩm; tiêu chí bền vững (thân thiện với môi trường).
Đồng thời, từng bước phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ẩm thực địa phương, kỹ năng, thái độ, tư duy dịch vụ… tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố; tổ chức các chương trình chia sẻ kinh nghiệm phục vụ các thị trường quốc tế mới như Đông Âu, C.I.S, Halal, Ấn Độ…
Bàn về chiến lược phát triển ẩm thực, ông Nguyễn Duy Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cho rằng, nguồn nhân lực ẩm thực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Để có nguồn nhân lực chất lượng, trước hết, các trường đào tạo ngành đầu bếp cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Ví dụ trong đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn, tập trung các kỹ năng cần thiết cho người đầu bếp: sơ chế, các phương pháp chế biến món ăn, trình bày món ăn, phối hợp nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu địa phương để sáng tạo món ăn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các cơ sở đào tạo tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp để tạo cơ hội cho học viên, sinh viên thực hành tại nhà bếp hiện đại, mô phỏng môi trường làm việc thực tế, thực tập thực tế tại khách sạn… Từ đó, xây dựng một thế hệ đầu bếp mới, vừa có tay nghề cao vừa có phẩm chất và năng lực thích ứng.
Chuẩn hóa ẩm thực còn được các chuyên gia ẩm thực lưu ý ở giữ gìn bản sắc ẩm thực địa phương. Theo ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực thành phố Đà Nẵng (DCCA), hiệp hội sẽ nghiên cứu bảo tồn và phát triển các món ăn đặc sắc, di sản làng nghề văn hóa ẩm thực Đà Nẵng dựa trên các yếu tố văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán để chuẩn mực thành các câu chuyện, tiêu chuẩn món ăn bản địa, giữ vững bản sắc văn hóa ẩm thực địa phương.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển lực lượng nghệ nhân, đầu bếp gắn với giáo dục văn hóa ẩm thực bản địa và tư duy hội nhập quốc tế thông qua các chương trình đào tạo, hoạt động quảng diễn, cuộc thi đầu bếp... Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Tại Đà Nẵng, định hướng đến năm 2030, giá trị đặc sắc của sản phẩm ẩm thực sẽ được thể hiện qua sự đa dạng, phong phú của các món ăn (vùng miền Việt Nam và quốc tế), chuẩn vị đặc trưng hấp dẫn và các giá trị trải nghiệm thông qua các câu chuyện văn hóa ẩm thực, nghệ thuật trình diễn chế biến; phát triển Đà Nẵng là trung tâm du lịch ẩm thực quốc tế đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam và khu vực, nơi hội tụ ẩm thực truyền thống địa phương, các vùng miền Việt Nam và quốc tế.
Để ẩm thực trở thành “sản phẩm du lịch mũi nhọn”, thành phố cần triển khai giải pháp đồng bộ từ xây dựng thương hiệu, tổ chức sự kiện, đào tạo nhân lực đến truyền thông quốc tế. Khi món ăn trở thành câu chuyện văn hóa và trải nghiệm độc đáo, du khách sẽ nhớ và quay lại không chỉ vì cảnh đẹp, mà vì hương vị đặc trưng của thành phố biển Đà Nẵng.
NGỌC HÀ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/dua-am-thuc-thanh-san-pham-du-lich-mui-nhon-cua-da-nang-bai-cuoi-can-chien-luoc-dai-han-cho-am-thuc-4006456/
Bình luận (0)