Chứa đựng tinh hoa văn hóa, phản ánh sự tiếp nối trí tuệ, cảm xúc và bản sắc dân tộc qua nhiều thế hệ, nghệ thuật truyền thống được kết tinh trong quá trình sinh hoạt, lao động, sản xuất của Nhân dân, giúp gắn kết với cội nguồn, nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tư duy sáng tạo. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn được gìn giữ và ngày càng khẳng định vai trò là sợi dây gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Ca trù, Trống quân, hát Chèo, hát Văn… , mỗi loại hình nghệ thuật đều chứa đựng những giá trị đặc trưng riêng, mang theo tinh thần và tâm hồn dân tộc.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 người đang thực hành hát Ca trù; số người có khả năng truyền dạy là 11 người và hàng chục người đang theo học.
Điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Ca trù của tỉnh là Câu lạc bộ Ca trù Giáo Phòng (Văn Giang) và Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng (thành phố Hưng Yên). Đây là hai câu lạc bộ (CLB) có hoạt động tích cực trong thực hành và truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Ca trù và có các nghệ nhân lão thành làm nòng cốt, có thể thực hiện công tác truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng đàn, hát Ca trù cho các thành viên trong CLB và các cá nhân yêu mến Ca trù.
Từ năm 2012 đến nay, hai CLB đã phối hợp mở hàng chục lớp truyền dạy những kỹ năng như: Đàn, hát, phách, trống chầu... thu hút nhiều người tham gia. Nghệ nhân nhân dân Đỗ Thị Thanh Nhàn, Chủ nhiệm CLB Ca trù Đào Đặng cho biết: Xuất phát từ niềm yêu thích Ca trù, từ năm 2012, tôi đã tham gia truyền dạy cho hàng trăm học viên hát Ca trù. Mong muốn của tôi là ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích, biết đến hát Ca trù để loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này sẽ mãi được ngân lên và vang xa theo mạch nguồn văn hóa dân tộc.
Bên cạnh Ca trù, hát Trống quân là “đặc sản” nghệ thuật truyền thống của tỉnh Hưng Yên tại các cuộc thi sân khấu nghệ thuật từ quần chúng đến chuyên nghiệp. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Trống quân được bảo tồn, lưu giữ và đang phát triển ở nhiều xã trong tỉnh như: Phạm Hồng Thái, An Vĩ (Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (Văn Giang); Đồng Than (Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (Ân Thi)…
Để lời hát xưa không bị mất đi, năm 1993, CLB Trống quân Dạ Trạch (Khoái Châu) được thành lập với 8 thành viên ban đầu. Đến nay, sau hơn 30 năm duy trì hoạt động, CLB có 30 thành viên, tổ chức sinh hoạt đều đặn và tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa, văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem về những tấm huy chương danh giá cho làn điệu Trống quân. Các nghệ nhân trong CLB còn nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát Trống quân thông qua các buổi học ngoại khóa tại trường học và các lớp bồi dưỡng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân, nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng là người nắm giữ sợi dây liên kết di sản văn hóa giữa quá khứ và hiện tại.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 Nghệ sĩ nhân dân, 3 Nghệ sĩ ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân, 34 Nghệ nhân ưu tú là những người trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc ở các địa phương.
Để các nghệ nhân, nghệ sĩ phát huy khả năng, tâm huyết với việc truyền dạy nghệ thuật truyền thống, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, việc lập hồ sơ xét đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”… đã giúp tôn vinh, ghi nhận các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Hưng Yên là sự kết tinh những giá trị văn hóa bản địa, đang ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần củng cố, gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động để các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống được lan tỏa trong cộng đồng như: Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Ca trù và hát Trống quân giai đoạn 2014 - 2020; làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, các CLB văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục, chương trình nghệ thuật để tham dự các hoạt động biểu diễn, giao lưu, hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu. Qua đó, tỉnh tạo ra “sân chơi”, “đất diễn” để những người nắm giữ di sản, các nghệ nhân, nghệ sĩ, CLB có điều kiện được thực hành, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách, góp phần nâng cao nhận thức công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung và Hưng Yên nói riêng, đặc biệt là các di sản văn hóa có nguy cơ mai một.
Nguồn: https://baohungyen.vn/bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-truyen-thong-3181443.html
Bình luận (0)