Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024 đạt tới 62,4 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đặt ra cho cả năm 2024, con số khiến ngay cả những người làm trong ngành cũng không khỏi bất ngờ. Nó cho thấy Việt Nam đang sở hữu một "kho báu" không phải quốc gia nào cũng có được.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt tới 62,4 tỷ USD, tăng tới 18,5% so với năm 2023, đặc biệt, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD , tăng 53,1% (trong khi cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 23,31 tỷ USD).
Có tới 7 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đó là gỗ và sản phẩm gỗ 16,1 tỷ USD; rau quả 7,2 tỷ USD; gạo gần 5,8 tỷ USD; cà phê gần 5,5 tỷ USD; hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD; cao su 3,2 tỷ USD.
Những con số khẳng định quá trình chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT; đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều biến động, thiên tai, dịch bệnh khó lường.
Sầu riêng Việt Nam được quảng bá tại Trung Quốc. Ảnh: PV
Còn nhớ khi Ấn Độ tuyên bố tạm thời "rời" đường đua xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023 do lo ngại hạn hán có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đã có rất nhiều nước qua con đường Bộ Ngoại giao đặt vấn đề mua gạo của Việt Nam, câu chuyện hạt gạo Việt đã xuất hiện trên bàn đàm phán của các nguyên thủ. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một quốc gia có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thế giới. Năm 2024, con số xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc khoảng 9 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 6 tỷ USD.
Nhưng đó không phải là con số có được trong một sớm một chiều, đó là kết quả của một quá trình chuyển đổi sản xuất bền bỉ trong nội tại ngành lúa gạo từ sản xuất chạy theo sản lượng đến tập trung vào chất lượng với nhóm giống lúa chất lượng cao.
Con số xuất khẩu 9 triệu tấn gạo của hôm nay cho thấy ngành lúa gạo đã chuyển đổi đúng hướng, từng bước định vị lại hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế là gạo chất lượng cao thay vì một thời gian dài phải "mang tiếng" gạo phẩm cấp thấp. Giá gạo Việt Nam hiện đã cao nhất, nhì thế giới, nhiều thời điểm vượt cả gạo Thái Lan.
Tương tự như vậy, năm nay, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả lập một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu", với trên 7 tỷ USD, nhất là từ sau khi Bộ NNPTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì mặt hàng trái cây thực sự bùng nổ.
Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt cả năm 2023 tới 1 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả cách đây 2 năm chỉ là 3,4 tỷ USD thì hiện nay đã tăng gấp đôi.
Gạo Việt Nam đang có giá cao nhất nhì thế giới. Trong ảnh: Nông dân Sóc Trăng tham gia đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Huỳnh Xây
Điều này phản ánh cả quá trình phát triển, mở cửa thị trường một cách bền bỉ, linh hoạt, bởi để có thể đưa được một sản phẩm vào thị trường nào đó, quá trình đàm phán kéo dài tới 3-5 năm, với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao thì thời gian có thể kéo dài hơn.
Ví dụ, với trái sầu riêng, ngay từ những năm 2016, 2017, quá trình đàm phán đã bắt đầu khi chúng ta xây dựng hồ sơ kỹ thuật và qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới có được kết quả như ngày nay.
Đó còn là thành quả của chương trình rải vụ trái cây Bộ NNPTNT thực hiện từ 10 năm trước, để đến hôm nay, có lúc chúng ta tự hào đang "một mình một chợ".
Tương tự như vậy, chương trình tái canh cây cà phê già cỗi, sâu bệnh được thực hiện từ những năm trước đến thời điểm này đã cho kết quả khả quan, cộng với giá cà phê thế giới liên tục tăng cao trong những năm qua đã đưa cây cà phê trở lại thời hoàng kim vốn có của nó.
Vậy, điều gì đang chờ đợi các doanh nghiệp, nông dân trong năm 2025 sau một năm đã quá thành công với nhiều kỷ lục mới được thiết lập?
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến: "Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024: Kỷ lục mới, vị thế mới" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 19/12, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) - cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của các nước nhập khẩu từng nói mong muốn có một ngày nào đó không phải nhận bất kỳ một thông báo thay đổi nào của các thị trường xuất khẩu
Bởi theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024 các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân 1 ngày Văn phòng SPS Việt Nam phải nhận 3 thông báo, có thông báo dài hàng trăm trang.
Nói vậy để thấy, bên cạnh những cơ hội, nông sản Việt cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, nhất là khi các thị trường ngày càng lập nên nhiều hàng rào kiểm soát nhập khẩu, bên cạnh quy định về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay, các nhà nhập khẩu còn đặt ra những quy định về môi trường, về phát triển bền vững trong mỗi sản phẩm.
Tác giả bài viết, nhà báo Phạm Anh Thơ. Ảnh: DV
"Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau. Đặc biệt, người nông dân - lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng. Hy vọng năm 2025, xuất khẩu sẽ có nhiều cái mới nhưng quan trọng nhất là phải lập được kỷ lục về chất lượng", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, sự phát triển quá "nóng" của một số ngành hàng, ví dụ như sầu riêng có thể sẽ để lại những hệ lụy trong tương lai, bởi hiện tại diện tích sầu riêng đã tăng gấp đôi so với mấy năm trước, đến hết năm 2024 ước đạt 168.000ha. Nếu tất cả diện tích này cho thu hoạch trong vài năm tới, câu chuyện thị trường cho đến giờ này chưa ai dám khẳng định.
Sang năm 2025, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành trái cây mà nên chú trọng tăng cường sức khoẻ của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng…
Đã đến lúc không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch con số mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn cải thiện vị trí của họ trên thị trường để nâng cao sức cạnh tranh.
Người Trung Quốc đã bắt đầu trồng được thanh long, sầu riêng trong khi Thái Lan, Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á đang nỗ lực đưa những loại nông sản tương đồng với Việt Nam ra thế giới.
Tự hào với thành quả nông sản Việt đã có được, chuẩn bị tâm thế đón nhận những thay đổi của thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, coi trọng chất lượng chính là con đường để tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam, sức mạnh của Việt Nam: Nông nghiệp.
Nguồn: https://danviet.vn/bat-ngo-con-so-624-ty-usd-xuat-khau-nong-san-20241219150813982.htm
Bình luận (0)