Cố gắng chinh phục đam mê
Ngay từ lúc còn học ở cấp 2, Thùy Dung đã phát hiện được niềm yêu thích với bộ môn Lịch sử, nữ sinh chia sẻ: “Mình rất thích cách dạy của cô giáo dạy môn Lịch sử và trong tất cả các môn mình thấy tự tin nhất khi học môn này, cảm giác mà chỉ có khi học Lịch sử mới mang lại cho mình”.
Những sự kiện lịch sử, những trận đấu hào hùng của dân tộc khiến Thùy Dung cảm thấy hứng thú khi tìm hiểu về những khía cạnh của Lịch sử, trong đó, càng học chuyên sâu và phát hiện ra những yếu tố tác động trong từng sự kiện nữ sinh càng mong muốn học và tìm hiểu nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, nữ sinh chia sẻ thêm: “Môn Lịch sử đòi hỏi cần tìm được sự thú vị trong từng dấu mốc lịch sử, trong quá trình đó, mình cũng có những lúc nản chí và nhận ra vấn đề khi mình làm bài kiểm tra bị điểm thấp”.
Khi đối mặt với những kết quả không tốt, Thùy Dung tự nhìn nhận lại bản thân rồi đặt ra mục tiêu để chinh phục đam mê của bản thân mình. “Những lời nhận xét nghiêm khắc của cô giáo đã khiến mình quyết tâm học hơn để đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra”, Thùy Dung tâm sự.
Phương pháp học hiệu quả
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, cựu nữ sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa đã xuất sắc giành được giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh Giỏi Quốc gia năm 2022. Từ thành tích đó, cô được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học và giành học bổng…
Thùy Dung chia sẻ: “Lịch sử và các môn xã hội không giống như các môn tự nhiên. Chúng ta cần tìm ra phương pháp phù hợp, hiệu quả thay vì chỉ học thuộc lòng”.
Đối với Dung, việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là điều kiện cần thiết, vì đó là nền tảng để khám phá những kiến thức chuyên sâu hơn.
Để tiết kiệm thời gian học, Dung luôn tập trung tiếp thu kiến thức trên lớp. Cô cho rằng việc sắp xếp ý chính quan trọng giúp chắt lọc thông tin cần thiết. “Mình thường ôn tập theo từng giai đoạn. Khi nắm rõ, mình dễ dàng liên hệ đến các sự kiện khác”, nữ sinh này nói.
Đặc biệt, Thùy Dung áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy để nâng cao khả năng tiếp thu. Cô giải thích: “Mỗi khi học một giai đoạn, mình vẽ các nhánh chính và phân tích các yếu tố liên quan. Phương pháp này giúp mình ghi nhớ tốt và tạo cái nhìn tổng quát về bối cảnh lịch sử”.
Khi ôn tập, Dung thường tự đặt câu hỏi như: “Tình hình đất nước giai đoạn này ra sao? Tại sao lại có cách đánh đó?”.
Những câu hỏi này giúp cô tra cứu, tìm hiểu và trao đổi với giáo viên để hiểu rõ hơn về từng nhánh nhỏ trong sơ đồ. Nhờ vào sơ đồ tư duy, Thùy Dung có thể liên kết các sự kiện, nhận diện nguyên nhân và hệ quả, từ đó phát triển tư duy phản biện và khả năng phân tích sâu sắc hơn.
Theo Dung, để học tốt Lịch sử, mỗi học sinh cần nhạy cảm hơn với thông tin và tự hỏi chính mình. “Khi đi trên đường, nhìn vào tên con đường gắn liền với một vị anh hùng, mình ghi nhớ để tìm hiểu thêm về người đó”, Dung vui vẻ chia sẻ.
Đặc biệt, khi học ở lớp, Thùy Dung không ngần ngại trao đổi cùng cô và các bạn về những khía cạnh của vấn đề. Vì khi đã hiểu rõ vấn đề thì việc vận dụng vào các bài tập là điều không quá khó đối với nữ sinh.
Ngoài cách học trên, Thùy Dung thường tham gia các hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ học thuật để được trải nghiệm những điều thú vị của bộ môn này. “Các hoạt động vui chơi gắn liền với kiến thức Lịch sử khiến mình vừa được vui chơi vừa được bổ sung kiến thức bổ ích. Khi kiến thức gắn liền với một kỷ niệm nào đó thì lại càng khiến mình nhớ sâu về những kiến thức đó hơn”, nữ sinh cho biết.
Chương trình Thời sự hàng ngày được nữ sinh đón xem để cập nhật thêm nhiều thông tin hơn. Theo Dung, các sự kiện chính trị được đưa tin là kiến thức giúp các học sinh có thể liên hệ so sánh với các sự kiện trong lịch sử. Đồng thời, khi xem thời sự cũng khiến học sinh hình thành tư duy thu thập thông tin thụ động hiệu quả.
Không chỉ về mặt kiến thức, kỹ năng trình bày cũng là yếu tố quan trọng để hình thành nên một bài thi tốt. Theo nữ sinh xứ Thanh, kiến thức là những viên gạch, kỹ năng làm bài là chất kết dính để xây dựng nên một tác phẩm hoàn chỉnh. “Bài làm phải trình bày logic, rõ ràng, thể hiện được kiến thức bằng kiến thức mình hiểu, không cần phải giống từng câu từng chữ như sách vở. Khi đó, người chấm cũng sẽ thấy được tư duy của mình qua bài thi”, Dung nói thêm.
Về thời gian học, Thùy Dung chia sẻ: “Mỗi người có đồng hồ sinh học khác nhau, không cần gò bó vào một quy chuẩn nào. Hãy tự khai phá bản thân, thời gian phù hợp với bạn chính là thời gian hiệu quả nhất”.
Cô Nghiêm Huyền, giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử của Thùy Dung tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá, nhận xét: “Dung là học sinh rất nỗ lực và chủ động trong việc tìm tòi kiến thức mới. Phương pháp học của Dung rất hợp lý, bạn biết cách vận dụng các bài nâng cao dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản vững vàng. Cách trình bày của bạn cũng rất logic, thể hiện rõ ý chính của bài”.
Nguồn: https://danviet.vn/bi-quyet-hoc-ma-choi-voi-mon-lich-su-kinh-nghiem-vang-cua-nu-sinh-gianh-giai-nhi-hsg-quoc-gia-20241020120905973.htm