Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Việc ban hành dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức cho đối tượng học sinh dân tộc đã tốt nghiệp THPT có có đủ năng lực, phẩm chất các môn học theo định hướng nghề nghiệp, đồng thời cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật Giáo dục 2019.
Cụ thể hoá chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước
Luật Giáo dục 2019 xác định bồi dưỡng kiến thức văn hoá các môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục các trường chuyên biệt, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh dân tộc về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện, tạo nguồn đào tạo tuyển vào các trường đại học đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định cụ thể nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hoá dành cho học sinh dân tộc ở các trường dự bị đại học, đảm bảo thống nhất trong tổ chức giảng dạy giữa các trường dự bị đại học.
Đất nước đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho học sinh dân tộc, miền núi, ngày càng trở nên cấp thiết. Trường dự bị đại học là nơi tạo nguồn, nơi đào tạo đội ngũ học viên dân tộc thiểu số có đủ khả năng học tập ở các trường đại học trong cả nước với nhiều chuyên ngành khác nhau.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT kèm theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức dự bị đại học là nền tảng để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ và định hướng chiến lược dài hạn cho giáo dục ở các trường dự bị đại học.
Việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT kèm theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức dự bị đại học thực hiện cụ thể hoá chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với con em đồng bào các dân tộc.

5 điểm mới nổi bật
Theo đó, dự thảo Thông tư có một số điểm mới nổi bật. Cụ thể:
Dự thảo Thông tư bổ sung môn Tin học thành môn bắt buộc trong chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa.
Tổ hợp môn học đa dạng hơn, cho phép học sinh lựa chọn có hoặc không có Tiếng Anh và Tin học.
Tăng thời lượng học cho các môn cốt lõi như Toán (8 tiết/tuần), Ngữ văn (7 tiết/tuần).
Cùng với đó, dự thảo Thông tư cũng tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Với dự thảo Thông tư mới, Chương trình được thiết kế linh hoạt với 70% nội dung bắt buộc và 30% do nhà trường chủ động xây dựng.
Quy định toàn diện, định hướng rõ ràng về các môn bồi dưỡng kiến thức văn hoá
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung kèm theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa của 11 môn học được giảng dạy tại trường dự bị đại học. Cụ thể:
Chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa dự bị đại học được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa, phát triển từ chương trình môn học quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, tiếp cận quốc tế, đổi mới liên tục theo xu hướng tiếp cận của thế giới, đồng thời gắn liền với thực tế đào tạo của các trường dự bị đại học.
Nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa các môn học chứa đựng những tiếp cận nội dung quốc gia và quốc tế quan tâm, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức văn hoá cho học sinh dân tộc.
Học sinh dự bị đại học được bồi dưỡng kiến thức văn hóa ba môn theo tổ hợp môn đã sử dụng để xét tuyển vào trường DBĐH (môn 1, môn 2, môn 3 bao gồm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ) và môn Tiếng Anh, môn Tin học. Môn Tin học được đưa thành môn bồi dưỡng kiến thức văn hóa.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT đã xây dựng các tổ hợp các môn bồi dưỡng kiến thức văn hoá bảo đảm đa dạng, toàn diện phù hợp với nhiều lựa chọn của học sinh dân tộc: Tổ hợp môn không có môn Tiếng Anh và Tin học; Tổ hợp môn có môn Tiếng Anh hoặc Tin học; Tổ hợp môn có đồng thời Tiếng Anh và Tin học
Thời lượng dành cho tổ hợp môn có đồng thời môn Toán và môn Ngữ văn, thời gian học môn Toán là 8 tiết/tuần, thời gian học môn Ngữ văn là 7 tiết/tuần.
Thời gian bồi dưỡng DBĐH là 1 năm học. Hiệu trưởng trường DBĐH quyết định Kế hoạch năm học đảm bảo đủ 28 tuần thực học, thời gian còn lại để tổ chức ôn tập, thi cuối khóa và các hoạt động khác.
Tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm đối với môn Khoa học tự nhiên tại từng chủ đề, đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin và định hướng học sinh chuyên trong khai thác và sử dụng công nghệ AI.
Cấu trúc dự thảo chương trình rõ ràng, tạo điều kiện cho giảng viên lập kế hoạch giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phẩm chất năng lực học viên và thiết kế các hoạt động học tập đa dạng phù hợp với đối tượng học viên dự bị đại học.
Chương trình có cấu trúc linh hoạt với khoảng 70% nội dung và thời lượng bắt buộc; 30% nội dung và thời lượng do nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và nội dung học tập cho học sinh phù hợp với nhu cầu học sinh và điều kiện của nhà trường.
Phát huy tính chủ động sáng tạo trong dạy, học
Dự thảo Thông tư mới được ban hành sẽ có tác động tích cực đến cả giáo viên và học viên.
Theo đó, đối với giáo viên, Chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa đòi hỏi giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học để phát huy tính chủ động sáng tạo của học viên trong học tập.
Đối với học viên, Chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa có định hướng củng cố, hệ thống hoá kiến thức ở phổ thông, đồng thời có các nội dung, chủ đề nâng cao đáp ứng nguyện vọng của học viên chuẩn bị hành trang kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất để định hướng vào các trường đại học.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-se-sua-quy-che-tuyen-sinh-boi-duong-du-bi-dai-hoc-post741847.html
Bình luận (0)