Linh hoạt giảm trừ gia cảnh có phù hợp?
Anh Minh - một lao động tự do ở Hà Nội - chia sẻ: "Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện tại chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng, trong khi tôi đang phải nuôi ba đứa con đang học cấp 3 và cha mẹ già yếu. Vậy mà thu nhập của tôi chỉ đủ cho sinh hoạt cơ bản, cộng thêm các khoản thuế phải nộp, tôi cảm thấy rất khó khăn. Nếu mức giảm trừ gia cảnh được tăng lên, tôi sẽ có thể giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính và tập trung hơn vào công việc".
Câu chuyện của anh Minh không phải là trường hợp hiếm gặp. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có mức sống cao, thì ở các khu vực khác như Bắc Ninh, Lào Cai… mức giảm trừ gia cảnh lại không theo kịp sự gia tăng chi phí sinh hoạt, gây bất bình đẳng trong việc thực hiện chính sách thuế.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết trong bối cảnh thu nhập và chi phí sinh hoạt thay đổi nhanh, tuy nhiên mức đề xuất 13,3-15,5 triệu đồng vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế thu nhập và chi phí sinh hoạt.
Ông Nghị còn cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình nên chưa thể mở rộng thuế thu nhập cá nhân ra toàn dân, mà cần tập trung đánh thuế vào nhóm có thu nhập trung bình khá trở lên. Do đó, việc xác định mức giảm trừ không chỉ dựa vào thu nhập bình quân đầu người hay chi phí sinh hoạt, mà cần tính đến một yếu tố quan trọng là mức thu nhập phổ biến nhất mà số đông người làm công ăn lương hiện nay đang có.
Còn ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi - đánh giá: “Mức giảm trừ hiện hành đã lỗi thời. Chi phí thực tế về giáo dục, y tế, nhà ở, năng lượng… ở đô thị đều tăng mạnh hơn CPI và mức 13,3-15,5 triệu đồng chưa theo kịp tốc độ tăng này”.
Ông Huy nhấn mạnh cần gắn việc điều chỉnh mức giảm trừ với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thu nhập trung vị quốc gia, đồng thời cho phép điều chỉnh tự động hằng năm, thay vì chờ sửa luật. “Bên cạnh đó, nên nghiên cứu cơ chế phân vùng - ví dụ mức giảm trừ ở TPHCM, Hà Nội cao hơn các tỉnh - như cách quy định lương tối thiểu vùng hiện nay” - ông Huy nói.
Theo các chuyên gia, chi phí sinh hoạt đã gia tăng đáng kể trong suốt 5 năm qua, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Sự chênh lệch giữa chi phí sinh hoạt ở đô thị và nông thôn ngày càng rõ rệt, với các khoản chi thiết yếu như nhà ở, giáo dục, y tế và năng lượng tăng mạnh.
Đơn cử, một gia đình sống tại TPHCM hay Hà Nội - nơi chi phí sinh hoạt cao gấp nhiều lần so với các tỉnh miền núi - cần chi trả trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng chỉ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh tối đa 15,5 triệu đồng/tháng chưa đủ để giảm bớt áp lực thuế cho những gia đình này.
Theo Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024 phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định. Báo cáo này cho hay, ở thời điểm chưa sáp nhập, vùng Đông Nam Bộ giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 100,37%. Vị trí thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng 100%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 99,98%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 99,05%, Tây Nguyên 97,69% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long 97,11%.
Chỉ số này cho thấy, cùng một mức thu nhập nhưng chi tiêu và áp lực về kinh tế khác nhau. Vì vậy, việc áp dụng giảm trừ gia cảnh theo vùng cũng có tính hợp lý riêng.
Các chuyên gia đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo thu nhập và chi tiêu thực tế của từng khu vực, thay vì áp dụng một mức chung cho cả nước. Việc này có thể thực hiện dựa trên mức lương tối thiểu vùng, như cách mà chính sách lương tối thiểu vùng hiện hành đang áp dụng. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM sẽ cao hơn các tỉnh miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Bộ Tài chính lý giải thế nào?
Tại tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cho rằng: Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng. Quy định này thể hiện nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế”, có tính đến đặc thù hoàn cảnh của người nộp thuế: Người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có hoàn cảnh như nhau, nhưng có nhiều người phụ thuộc hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp không phải nộp thuế.
Bộ Tài chính nêu: “Thời gian qua có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh còn thấp và cũng có ý kiến cho rằng cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức GTGC ở các đô thị, các thành phố lớn phải cao hơn khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng chính sách thuế điều tiết ở mức độ cao hơn khu vực thành thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư vào các đô thị lớn.
Từ các ý kiến này, Bộ Tài chính nêu quan điểm: “Mức GTGC cho người nộp thuế là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau và sống ở các vùng khác nhau. Pháp luật về thuế TNCN ở các nước, bao gồm các nước phát triển và đang phát triển, chỉ quy định mức GTGC chung, áp dụng thống nhất, không phân biệt theo địa bàn và các bộ phận dân cư.
Đối với các cá nhân làm việc ở địa bàn khó khăn, Luật Thuế TNCN đã quy định không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN khoản trợ cấp khu vực, trợ cấp thu hút, trợ cấp chuyển vùng nhằm hỗ trợ người lao động cũng như thu hút cá nhân làm việc tại địa bàn này. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì pháp luật về thuế TNCN có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.
Bộ Tài chính nhận định: “Mức GTGC cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một thời gian nhất định”.
TS Nguyễn Ngọc Tú đề xuất nên tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ năm 2025, thay vì chờ đến năm 2026 như dự thảo. Trong trao đổi với Báo Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ - đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 9 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Đây là mức được nhiều chuyên gia ủng hộ vì tiệm cận hơn với chi tiêu thực tế của người lao động, đặc biệt tại khu vực thành thị, nơi chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước năm 2020. Một điểm quan trọng khác được TS Tú nhấn mạnh là thời điểm áp dụng. Theo dự thảo, chính sách giảm trừ gia cảnh mới được đề xuất áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Tuy nhiên, ông cho rằng, nên áp dụng sớm hơn, ngay từ năm 2025. “Về mặt kỹ thuật, thuế thu nhập cá nhân của năm 2025 đến tháng 4.2026 mới quyết toán. Như vậy, việc điều chỉnh mức giảm trừ áp dụng cho năm 2025 là hoàn toàn khả thi, không gặp trở ngại gì trong tổ chức thực hiện” - ông phân tích. |
Nguồn: https://baoquangninh.vn/bo-tai-chinh-ly-giai-viec-khong-giam-tru-gia-canh-theo-khu-vuc-nhu-luong-toi-thieu-vung-3368445.html
Bình luận (0)