Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Bộ tứ trụ cột' và vai trò trung tâm của doanh nghiệp, doanh nhân

Các Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị là 'bộ tứ trụ cột' giúp Việt Nam cất cánh. Nổi bật trong các nghị quyết này là từ khóa doanh nghiệp, doanh nhân.

Báo Công thươngBáo Công thương26/05/2025

Điểm lại từ khóa doanh nghiệp, doanh nhân trong “bộ tứ trụ cột”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến khái niệm “bộ tứ trụ cột” gồm: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Như lời Tổng Bí thư, 4 nghị quyết trên là “bộ tứ trụ cột” giúp đất nước cất cánh.

'Bộ tứ trụ cột' các Nghị quyết 57,59,66,68 của Bộ Chính trị đều định vị vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế tư nhân Việt Nam
'Bộ tứ trụ cột' các Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị đều định vị vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế tư nhân Việt Nam

Nhìn lại 4 nghị quyết, nổi bật trong đó là các từ khóa doanh nghiệp, doanh nhân.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57 xác định: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Các mục tiêu của Nghị quyết 57 đưa ra đều liên quan đến doanh nghiệp. Cụ thể như: Đến năm 2030 có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Một trong các nhiệm vụ giải pháp then chốt thực hiện Nghị quyết 57 là: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết 59 cũng xác định quan điểm chỉ đạo: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực và là lực lượng chủ công.

Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 66 chỉ rõ: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp…, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

'Bộ tứ trụ cột' tạo ra những thời cơ mới cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
'Bộ tứ trụ cột' tạo ra những thời cơ mới cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam

Riêng Nghị quyết 68, toàn văn nghị quyết đều hướng đến: Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Định vị vai trò trung tâm của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Không phủ nhận vai trò quan trọng của các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhưng tại 4 nghị quyết trên có sự thay đổi lớn về nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Theo Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động. Đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển. Nguyên do chủ yếu là: Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập.

Mục tiêu của Nghị quyết 68: Đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; và phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, trung bình 20 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân.

Để thực hiện mục tiêu này, nhất thiết phải triển khai thực hiện hiệu quả “bộ tứ trụ cột”, cũng là 4 đột phá để doanh nghiệp Việt Nam thực sự “cất cánh”.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung-Tây Nguyên
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung - Tây Nguyên

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI miền Trung - Tây Nguyên, nhận định: “Với ‘bộ tứ trụ cột’, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân được đề cập một cách nổi bật, trọng tâm và hướng tới doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này thêm khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hưng thịnh của dân tộc, của đất nước”.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp nước ta đứng trước nhiều thách thức và cơ hội như hiện nay. Và với “bộ tứ trụ cột”, những quyết sách chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã ban hành tạo ra những thời cơ mới cho doanh nghiệp, doanh nhân cả nước nói chung, miền Trung và Tây Nguyên nói riêng. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần phát huy “tâm và tầm” để vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu, góp sức chung vào sự vươn mình của đất nước.

Các Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị được nhận định là “bộ tứ trụ cột” để đất nước phát triển. Trong đó doanh nghiệp, doanh nhân được xác định là trung tâm, chủ thể và động lực then chốt. Các nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên đổi mới, hội nhập và chuyển đổi số.
Vũ Lê

Nguồn: https://congthuong.vn/bo-tu-tru-cot-va-vai-tro-trung-tam-cua-doanh-nghiep-doanh-nhan-389400.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm