Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên: Gỡ ngay nút thắt tuyển dụng

Tính đến tháng 5-2025, cả nước vẫn thiếu gần 120.000 giáo viên các cấp, trong đó có gần 45.000 giáo viên mầm non. Đặc biệt, trong số 66.000 chỉ tiêu biên chế được giao, các địa phương mới chỉ tuyển được gần 6.000 giáo viên trong suốt ba năm qua.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ28/05/2025

giáo viên - Ảnh 1.

Tiết học tại Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: P.T.

Bởi vậy trong công điện mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương nhằm đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông còn thiếu so với định mức quy định của ngành giáo dục.

Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên kéo dài dai dẳng bao năm qua và đặc biệt trong bối cảnh phải bảo đảm đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày sắp tới.

Tuyển dụng giáo viên nhìn từ Hà Giang

Vào tháng 5-2025, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có một cuộc tổng kết dự án hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học thực hiện ba năm học. Dự án do Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ cử giáo viên dạy trực tuyến. 

Vào thời điểm nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - đại diện cho Trường Marie Curie - quyết định hỗ trợ, Mèo Vạc chỉ có một giáo viên dạy tiểu học, trong khi có khoảng 2.500 học sinh lớp 3 bắt buộc phải học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau ba năm thực hiện, 2.500 học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. Nhưng theo ông Ngô Mạnh Cường - phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, địa phương đang đối diện với một khó khăn khi năm học tới có 8.400 học sinh cấp tiểu học phải học chương trình tiếng Anh, trong khi toàn huyện chỉ có 5 giáo viên tiếng Anh tiểu học. 

Như vậy trong ba năm, địa phương này chỉ tuyển thêm được bốn giáo viên. Việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học chủ yếu trông đợi vào các dự án của cá nhân và một số đơn vị, nhóm tình nguyện hỗ trợ.

Không may mắn như Mèo Vạc, nhiều địa bàn khác của tỉnh Hà Giang vẫn đang thiếu giáo viên, đặc biệt nhiều nhất ở các môn nghệ thuật, tin học, tiếng Anh, toán... Theo ông Bùi Quang Trí - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, tới cuối năm học 2024 -2025 tỉnh còn thiếu gần 3.000 giáo viên so với định biên. Ông Trí khẳng định không có nguồn để tuyển dụng giáo viên.

"Địa bàn miền núi khó khăn, trong khi cơ chế đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn đối với những người có nhiều lựa chọn công việc. Việc tạo nguồn giáo viên là người địa phương cũng có những rào cản khi các trường sư phạm tuyển sinh mức điểm quá cao, học sinh vùng khó khăn khó có thể đạt yêu cầu", ông Trí cho biết.

Cũng theo ông Trí, việc đào tạo theo diện "đặt hàng" cũng có những bất cập vì quy định sau hai lần tuyển dụng không đạt thì người được hưởng kinh phí hỗ trợ có thể làm việc khác mà không cần bồi hoàn tiền. Vì thế đã có những trường hợp trong diện được hỗ trợ kinh phí học sư phạm đã tự "đánh trượt" mình ở kỳ tuyển dụng để không phải bồi hoàn kinh phí!?

giáo viên - Ảnh 2.

Cô trò Trường tiểu học Khánh Yên (Văn Bàn, Yên Bái) trong một giờ học - Ảnh: V.HÀ

Gần 60.000 biên chế vẫn "ế", vì sao?

Theo Bộ GD-ĐT, ở bậc phổ thông giáo viên thiếu nhiều nhất là cấp THCS. Và việc thiếu, thừa giáo viên cũng rất khác nhau giữa các địa phương, giữa các cấp học, môn học.

Tuy vậy, có điểm chung của nhiều địa phương là thiếu giáo viên tin học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục; một số địa phương khác lại thiếu giáo viên các môn khoa học tự nhiên. Theo một số sở GD-ĐT khu vực miền núi phía Bắc thì xu thế học sinh đăng ký học sư phạm những năm gần đây chủ yếu chọn ngành khoa học xã hội. Vì thế ở thời điểm hiện tại và trong vài năm tới, giáo viên các môn khoa học tự nhiên cũng thiếu nhiều.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì càng thiếu. 

"Các địa phương không tuyển hết biên chế đã giao, chủ yếu do thiếu nguồn tuyển. Nhưng cá biệt cũng có những địa phương giữ lại biên chế không tuyển để thực hiện việc giảm 10% biên chế. Việc thực hiện sáp nhập, tinh giản từ cuối năm 2024 cũng khiến một số địa phương tạm ngừng việc tuyển dụng giáo viên", ông Đức phân tích.

Đại diện Cục Nhà giáo nhận định chế độ lương, phụ cấp tuy đã cải thiện nhưng không đủ hấp dẫn, điều kiện làm việc ở một số địa phương khó khăn khiến giáo viên chịu thiếu thốn, vất vả cả về vật chất, tinh thần, sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó là các áp lực từ các yêu cầu, mục tiêu giáo dục là những lý do khó thu hút người có năng lực vào ngành giáo dục.

Những môn học mới, môn học được chuyển từ tự chọn sang bắt buộc ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh cấp tiểu học, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, thể dục thiếu nhiều nhưng khả năng bù đắp chậm một phần do các trường sư phạm cũng khó tuyển sinh; phần khác do người được đào tạo đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp, thậm chí sau khi trúng tuyển trong các kỳ tuyển giáo viên đã thay đổi ý định chọn nghề sư phạm.

giáo viên - Ảnh 3.

Nguồn: báo cáo của Bộ GD-ĐT cập nhật đến tháng 5-2025 - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không để tình trạng có biên chế mà không tuyển dụng

Công điện của Thủ tướng giao Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

Các tỉnh, thành phố có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng; ký hợp đồng giảng dạy để kịp thời bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định; xem xét, ưu tiên tuyển dụng, ký hợp đồng theo thẩm quyền đối với những giáo viên đã có thời gian thực hiện hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và phù hợp với quy định.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội):

Đề xuất bố trí giáo viên dạy liên trường

Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Nguyên nhân chính là do nguồn tuyển hạn chế, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, điều kiện làm việc khó khăn khiến nhiều giáo viên rời bỏ nghề. Một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tin học, âm nhạc, ngoại ngữ lại càng khó tìm được người giảng dạy.

Trước tình hình đó có thể tính đến một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, đầu tiên khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo các chỉ tiêu đã giao, ưu tiên các môn học và khu vực thiếu nghiêm trọng.

Cùng với đó có chính sách thu hút người học sư phạm thông qua học bổng, cam kết tuyển dụng hoặc đặt hàng đào tạo theo nhu cầu địa phương. Thứ ba, cải thiện chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhất là ở vùng khó khăn như tăng phụ cấp, hỗ trợ nhà ở, giảm áp lực hành chính, tạo điều kiện phát triển chuyên môn.

Với việc Quốc hội sẽ thông qua Luật Nhà giáo trong kỳ họp thứ 9 này với nhiều quy định về ưu đãi cho nhà giáo, hy vọng điều này sẽ thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào khối các trường sư phạm hơn, cải thiện được tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian sắp tới.

Thêm vào đó, trong bối cảnh nhiều xã mới được sáp nhập sau khi bỏ cấp huyện - dẫn đến một xã có thể quản lý tới ba trường mầm non, ba tiểu học, ba THCS - tôi đề xuất xem xét bố trí giáo viên dạy liên trường đối với các môn học thiếu nghiêm trọng. Đây là giải pháp tình thế nhưng thiết thực, giúp tối ưu nguồn lực giáo viên hiện có và đảm bảo học sinh không bị gián đoạn học tập.

Cuối cùng cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp một cách hợp lý để sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, đặc biệt là nghiên cứu việc điều chỉnh quy mô trường, lớp cho phù hợp với tình hình, điều kiện hiện tại.

Việc bảo đảm đủ giáo viên không chỉ là giải pháp nhân sự, mà còn là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mới và bảo đảm quyền học tập của mọi học sinh, nhất là từ năm học 2025 - 2026, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành giáo dục sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học, THCS tùy theo điều kiện của từng địa phương.

TP.HCM: "đặt hàng" đào tạo nguồn nhân lực

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, thời điểm này TP.HCM đang tiến hành thu thập số liệu từ các cơ sở để chốt số lượng tuyển giáo viên cho năm học 2025 - 2026.

Những năm trước TP.HCM gặp khó khăn trong việc tuyển giáo viên ở các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất cho các trường tiểu học. Các trường THCS thì khó tuyển giáo viên môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, công nghệ.

Đối với bậc THPT cũng không có "nguồn" để tuyển giáo viên môn âm nhạc, mỹ thuật. Tuy nhiên năm nay bậc tiểu học có nơi thiếu, nơi thừa giáo viên tiếng Anh nên việc thuyên chuyển sẽ giải quyết được tình trạng cục bộ nêu trên.

Ngoài ra để nâng chất lượng đội ngũ, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm nay cũng sẽ tiếp tục đổi mới trong công tác tuyển dụng giáo viên. Cụ thể là đẩy mạnh việc phân cấp trao quyền tuyển dụng cho các nhà trường; tăng cường tuyển dụng từ nguồn sinh viên xuất sắc; xây dựng nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn lực ở các tỉnh thành đến công tác tại TP.HCM.

Đặc biệt, tiếp tục đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM để tuyển dụng vào vị trí giáo viên các cấp học...

Gỡ ngay nút thắt tuyển giáo viên - Ảnh 3.

Toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu hơn 1.200 giáo viên, tạo áp lực lên vai các giáo viên - Ảnh: TRUNG TÂN

Đắk Lắk: gấp rút tuyển giáo viên trước 1-7

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thiên Văn - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết tuyển dụng giáo viên là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên thời gian không còn nhiều, nhiều nơi khó kịp tiến độ.

Đắk Lắk hiện có hơn 505.000 học sinh tại hơn 1.000 cơ sở giáo dục. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là hơn 35.000 người. Trong khi đó, Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh chỉ có 190 sinh viên, cho thấy nguồn đào tạo tại chỗ còn rất hạn chế.

Đến nay toàn tỉnh còn thiếu khoảng 1.200 giáo viên. Trong đó có hàng trăm người đang dạy hợp đồng ngắn hạn, chỉ nhận lương chín tháng, không có thu nhập hè.

Mới đây HĐND đã thông qua nghị quyết cho phép hợp đồng thêm 1.297 giáo viên trong năm 2025, tương đương 70% phần thiếu hụt so với định mức; kinh phí hơn 78 tỉ đồng lấy từ ngân sách địa phương. Hiện tỉnh chỉ đạo các địa phương gấp rút hoàn thành để đảm bảo việc dạy và học trong năm học mới.

Ông Bạch Văn Mạnh, giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, cho biết đang đề nghị các địa phương gấp rút hoàn tất việc tuyển giáo viên trước ngày 1-7 để đảm bảo việc dạy, học sau khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện.

Long An: lo khó khăn nhân lực và cơ sở vật chất

Bà Phan Thị Dạ Thảo - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An - cho biết trong năm học vừa qua trên toàn tỉnh đã có gần 20% trường tổ chức học buổi 2 có thu phí cho các em học sinh. Đa số các trường tổ chức dạy buổi 2 này ở cấp tiểu học, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đô thị như TP Tân An, thị trấn Bến Lức, thị trấn Đức Hòa... và một số ít trường ở các vùng sâu, vùng xa mà phụ huynh có nhu cầu.

Về chủ trương dạy 2 buổi/ngày miễn phí từ năm học 2025 - 2026 cho bậc tiểu học, THCS, cô Thảo cho biết hiện sở vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ bộ để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đúng chủ trương.

"Đã triển khai thì địa phương chắc chắn sẽ làm được, tuy nhiên cũng phải chờ hướng dẫn cụ thể để có thể sắp xếp, chuẩn bị về mặt nhân lực, cơ sở vật chất cho phù hợp và đúng quy định. Vì nhân lực và cơ sở vật chất cũng là hai vấn đề mà địa phương còn khó khăn", bà Thảo nói.

Trở lại chủ đề
VĨNH HÀ - THÀNH CHUNG - HOÀNG HƯƠNG - TÂM AN - SƠN LÂM

Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-nuoc-thieu-gan-120-000-giao-vien-go-ngay-nut-that-tuyen-dung-20250528085204745.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm