Liên quan đến việc PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố bán bài nghiên cứu khoa học là sai về “liêm chính khoa học”, VTC News đã liên hệ với một số nhà khoa học để nghe quan điểm của họ về sự việc.
Chia sẻ với VTC News, một nhà khoa học sống và làm việc tại TP.HCM cho rằng, ông Hướng không sai khi đăng tải bài viết về công trình nghiên cứu, dư luận không có quyền bàn luận về đúng sai hay nâng cao quan điểm về cụm từ “liêm chính khoa học” để kìm hãm sự phát triển trí óc của một nhà khoa học giỏi, có nhiều đóng góp trong các đề tài nghiên cứu khoa học.
Theo nhà khoa học này, trong văn bản luật hoặc dưới luật đều không có khái niệm liêm chính khoa học. Liêm chính khoa học là cụm từ do giới nghiên cứu tự đặt ra và nói với nhau, thực chất, không một văn bản nào có định nghĩa rõ ràng về cụm từ liêm chính khoa học.
Thực tế, có hội đồng đạo đức thẩm định đạo đức nhà khoa học trước khi đăng ký tham gia nghiên cứu đề tài. Tuy nhiên, nhiều đơn vị bỏ qua bước này và khi được mời tham gia một công trình nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu phải được sự cho phép của đơn vị quản lý mình.
Đạo đức khoa học là một vấn đề quan trọng và cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của giới khoa học mà của toàn xã hội. Tuy nhiên, các chuẩn mực đạo đức khoa học cụ thể là gì thì không dễ có câu trả lời.
“Các tiêu chuẩn đạo đức khoa học được tóm lược qua 6 nguyên tắc: Thành thật tri thức, cẩn thận, tự do tri thức, cởi mở – công khai, ghi nhận công trạng thích hợp, trách nhiệm trước công chúng”, nhà khoa học cho biết thêm.
Theo vị này, mỗi ngành, nghề trong xã hội, nhất là những nghề có liên quan đến an sinh xã hội hay có ảnh hưởng đến một quần thể lớn, đều có những chuẩn mực về đạo đức hành nghề.
Hoạt động khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng có ảnh hưởng lớn đến xã hội và con người, cho nên các chuẩn mực đạo đức đóng một vai trò rất cơ bản đối với các nhà khoa học.
“Chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những quy ước hay điều lệ về hành xử được các thành viên trong ngành nghề chuyên môn chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Các quy ước này cho phép, nghiêm cấm, hay đề ra thủ tục về cách hành xử cho các tình huống khác nhau.
Trong hoạt động khoa học, hai chữ hành xử ở đây bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như thí nghiệm, xét nghiệm, giảng dạy và huấn luyện, phân tích dữ liệu, quản lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xuất bản ấn phẩm, trình bày công trình nghiên cứu trước công chúng và quản lý tài chính”, nhà nghiên cứu nói.
Nhà khoa học chia sẻ thêm, cả Trường Đại học học Quy Nhơn và Trường Đại học Công nghiệp nơi ông Hướng đã và đang công tác đều nhận xét ông Hướng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác tại trường.
Tuy nhiên, đối với Luật Viên chức, ông Hướng sai là do không báo cáo đối với đơn vị mình công tác trước khi thực hiện một dự án mới với một đơn vị khác.
Ngoài ra, nếu xét về đạo đức khoa học, ông Hướng sai về việc công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học, vì công bố ảnh hưởng đến chỉ số đánh giá của các đơn vị nơi ông Hướng công tác.
Cụ thể, nếu ông Hướng công tác ở đơn vị A, tuy nhiên lại đứng tên nghiên cứu cho đơn vị B và không ghi tên đơn vị A, thì mặc định chỉ số đánh giá công trình nghiên cứu khoa học của ông Hướng sẽ đổ về trường B mà không phải trường A.
Như vậy, sẽ tạo tiền đề không tốt cho việc cạnh tranh giữa các đơn vị trên cùng một lĩnh vực. Nếu ông Hướng cộng tác viết công trình nghiên cứu khoa học và được công bố cho các đơn vị khác không phải đơn vị sự nghiệp giáo dục, thì ông Hướng có thể không sai về mặt công bố.
Tuy nhiên, việc đăng tải bài viết về công trình nghiên cứu khoa học xảy ra tại thời điểm ông là giảng viên cơ hữu tại trường Đại học Quy Nhơn. Trong khi đó, ông ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một.
“Các nhà khoa học thường chỉ tập trung cho nghiên cứu, không có suy nghĩ về các thủ tục hay các quy chuẩn đánh giá chỉ số của các đơn vị sự nghiệp giáo dục, nên họ chỉ làm và cống hiến chất xám của họ thôi. Trong câu chuyện này, chúng ta nên lấy đó là một bài học kinh nghiệm.
Cũng không nên phân tích quá rõ ràng đúng hay sai ở câu chuyện này. Tôi nghĩ đây cũng là một bài học đối với ông Hướng và các nhà nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chính bản thân các đơn vị sự nghiệp giáo dục cần có văn bản cụ thể hóa vấn đề này, chi tiết hơn để các nhà khoa học tránh “vấp” phải những sự việc đáng tiếc trong quá trình cống hiến chất xám của mình”, nhà khoa học này nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 31/10, một “báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng” được gửi đến ban điều hành Quỹ Nafosted, hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted và nhiều cơ quan cùng nhiều nhà khoa học.
Theo thống kê MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó 13 công trình đứng tên trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên trường Đại học Thủ Dầu Một.
Các bài báo khoa học của ông đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 không ghi địa chỉ đơn vị công tác là trường Đại học Quy Nhơn mà lại ghi địa chỉ của 2 đơn vị khác.
Theo các nhà khoa học, đó là “biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học bị phê phán nghiêm trọng do việc mua bán bài báo quốc tế cho các đại học mới nổi”.
Lâm Ngọc