Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần hỗ trợ giải pháp công trình phòng, chống sạt lở

Có vị trí tiếp giáp với sông Hậu, quận Thốt Nốt cũng như các địa phương khác trên địa bàn TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Hằng năm, Thốt Nốt cũng chịu nhiều tác động của dòng chảy, biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở bờ sông, kênh rạch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tài sản của nhân dân. Để hạn chế tình trạng trên, quận Thốt Nốt triển khai nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở và cần sự đầu tư, hỗ trợ của thành phố cũng như Bộ, ngành chức năng

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ26/05/2025

Hiện trường vụ sạt lở bờ kênh Thơm Rơm, cần giải pháp công trình phòng, chống sạt lở khẩn cấp.

Những ngày qua, người dân trên địa bàn phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) còn nhớ và lo sợ trước vụ sạt lở trên tuyến kênh Thơm Rơm, thuộc khu vực Tân Phú, làm sạt lở nhiều nhà dân, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại tại địa phương. Anh Huỳnh Thanh Phong có nhà bị sụp đổ xuống kênh Thơm Rơm, cho biết: “Kênh Thơm Rơm nước chảy xiết, lại có nhiều tàu thuyền lớn chở hàng hóa đi lại nên thường xuất hiện sạt lở bờ kênh. Khu vực nhà tôi có dấu hiệu sạt lở mấy ngày trước. Tôi và bà con xung quanh di dời toàn bộ tài sản ra khỏi nhà. Đến ngày hôm sau (16-5-2025) thì bờ kênh bị sạt lở, kéo theo 4 căn nhà và đoạn bờ kè chống sạt lở. Nhờ di dời tài trước nên gia đình tôi hạn chế bị thiệt hại”.

Vụ sạt lở trên xảy ra vào lúc 4 giờ sáng 16-5-2025 trên tuyến kênh Thơm Rơm thuộc khu vực Tân Phú, với chiều dài 25m, chiều rộng 5m và làm di chuyển vị trí tuyến kè lân cận với chiều dài khoảng 43m, đoạn có nguy cơ sạt lở tiếp 6m. Sạt lở làm thiệt hại hoàn toàn 3 căn nhà và 1 căn là lò làm bánh tráng. Cụ thể, sạt lở làm sụt lún hoàn toàn căn nhà của hộ ông Trương An Thông, diện tích ngang 4,5m, dài 5,3m, kết cấu nhà khung sắt, trụ bê tông, mái tole, vách tole, nền sàn lót gạch men. Ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Sụt lún hoàn toàn căn nhà của hộ ông Huỳnh Thanh Phong, diện tích ngang 5,5m, dài 5,3m, kết cấu nhà khung sắt, trụ bê tông, mái tole, vách tole, nền sàn xi măng; ước thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Sụt lún hoàn toàn căn nhà của hộ bà Huỳnh Thị Ngọc, diện tích ngang 5m, dài 5,3m, kết cấu khung sắt, trụ bê tông, mái tole, vách tole, nền sàn xi măng, ước thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Sụt lún 1 căn nhà là lò làm bánh tráng của hộ bà Văn Thi Thơ, diện tích ngang 8,5m, dài 5m, kết cấu mái tole, vách tole, khung gỗ, nền xi măng, trụ bê tông, ước thiệt hại khoảng 25 triệu đồng…

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT &TKCN) quận Thốt Nốt đã kịp thời chỉ đạo UBND phường Thuận Hưng huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng sạt lở tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn; tổ chức lắp đặt biển báo, căng dây cảnh báo và thông báo rộng rãi cho nhân dân quanh khu vực được biết để phòng tránh; đồng thời, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến tại khu vực sạt lở và các khu vực lân cận để kịp thời phát hiện các vết nứt, các điểm có nguy cơ sạt lở sớm thông báo cho người dân chủ động phòng ngừa, di dời để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Thốt Nốt, đề nghị: “Để ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân và Nhà nước, tránh ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt, sản xuất của người dân, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận kiến nghị đến UBND TP Cần Thơ và Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố hỗ trợ địa phương xây dựng tuyến kè chống sạt lở khẩn cấp tại khu vực trên. Việc xây dựng này nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, chống sạt lở khẩn cấp bờ phải tuyến kênh Thơm Rơm để đảm bảo việc lưu thông của người dân và đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh của làng nghề bánh tráng Thơm Rơm; kịp thời ngăn chặn sạt lở không tiếp tục lấn sâu vào bên trong...”.

Mới đây, tại đợt kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở trên địa bàn kênh Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, yêu cầu địa phương quan tâm, thường xuyên kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao nhằm kịp thời phát hiện, giúp người dân hạn chế thiệt hại về người và tài sản; tổ chức vận động người dân sống tại khu vực cặp sông, rạch có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn; tổ chức rào chắn đảm bảo an toàn cho dân tại khu vực sạt lở kênh Thơm Rơm và tổ chức dọn dẹp, đảm bảo giao thông thủy tại khu vực sạt lở. Chi cục Thủy lợi thành phố sớm có báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể để Ban Chỉ huy PTDS- PCTT&TKCN thành phố trình thường trực UBND TP Cần Thơ xem xét, đầu tư công trình khắc phục khẩn cấp tại khu sạt lở trên...

Theo UBND quận Thốt Nốt, trước diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, địa phương đã khẩn trương xây dựng các phương án phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, chỉnh trang đô thị. Từ đầu năm 2025 đến nay, quận Thốt Nốt hoàn thiện hồ sơ để triển khai các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông từ nguồn kinh phí địa phương, như gia cố khắc phục đoạn sạt lở bờ phải kênh Thắng Lợi (đoạn từ Tiệm Hòa Thủy đến lò sấy lúa) - phường Thuận An; gia cố các đoạn sạt lở trên tuyến kênh Xẻo Cao, kênh Sườn 2 - phường Thạnh Hòa, Trung Nhứt; gia cố khắc phục các đoạn sạt lở trên tuyến kênh Thơm Rơm thuộc phường Thuận Hưng các đoạn sạt lở trên tuyến kênh Cần Thơ Bé, kênh Cả Kè - phường Trung Kiên, Thuận Hưng…

Ngoài ra, quận Thốt Nốt còn tập trung thực hiện hồ sơ thủ tục và theo dõi tiến độ các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, công trình tuyến đường trên cánh đồng lớn. Theo dõi tiến độ thực hiện thủy lợi mùa khô của các phường trong năm 2025. Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, Trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận, cho biết: “Để hạn chế tình trạng sạt lở, thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão 2025, quận Thốt Nốt chủ động tổ chức các đoàn khảo sát thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; chỉ đạo các phòng chức năng, các phường chủ động rà soát các tuyến đường giao thông cặp theo các tuyến sông, kênh rạch thuộc phạm vi quản lý, hạn chế tải trọng và tốc độ xe lưu thông để chủ động phòng, chống sạt lở (đặc biệt là đối với các tuyến đường đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún); thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc UBND các phường kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép, vi phạm hành lang an toàn sông, kênh rạch; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đến nơi ở an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/can-ho-tro-giai-phap-cong-trinh-phong-chong-sat-lo-a186839.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm