Giải thưởng lớn từ một khoảnh khắc nhỏ
Đó là giữa tháng 6.2024, 2 tuần sau khi khi một số báo điện tử ở Việt Nam chạy hàng tít lớn: Sinh viên Việt thắng giải Apple với ứng dụng "đếm số lần nhai". Năm đó Thạch mới 22 tuổi, nhưng là đại diện Việt Nam trong danh sách chiến thắng tại cuộc thi toàn cầu bằng một tác phẩm "già tính chiêm nghiệm" và sát sườn đời sống có tên Ăn trong chánh niệm (Mindful Eating).
Hồ Lê Minh Thạch thuộc nhóm 2% sinh viên Đại học RMIT toàn cầu được Phó chủ tịch Hội đồng trường vinh danh vì Thành tích học tập xuất sắc năm 2024
Theo những gì được chia sẻ, Thạch bắt tay vào thực hiện dự án Mindful Eating từ chính khoảnh khắc quan sát khi ăn. Thạch nhận ra phần đông mọi người có thói quen không tốt cho sức khỏe là ăn vội vàng và không nhai kỹ. Bản thân Thạch là người ăn chậm, cảm nhận được lợi ích của thói quen này nên muốn làm điều gì đó nhắc nhở mọi người ăn chậm hơn, thay đổi thói quen để quản lý sức khỏe tốt hơn. Vậy là dự án Mindful Eating ra đời, và được gửi đi dự thi…
Tại RMIT, cần biết là có rất nhiều cuộc thi trong lĩnh vực công nghệ mà sinh viên có cơ hội và được khuyến khích tham gia. Và Mindful Eating là dự án khởi đầu của hành trình phát triển những sản phẩm ứng dụng công nghệ để phục vụ con người, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo dòng chảy đó, cuối năm 2024, Thạch tiếp tục có mặt trong nhóm Healium (cùng với Trương Nhật Anh, Đinh Gia Hữu Phước và Nguyễn Đức Minh) hoàn thành dự án HealthLight - hệ thống thông tin y khoa AI và giành luôn giải Dự án kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin tốt nhất trong buổi triển lãm đồ án tốt nghiệp của khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ.
Hồ Lê Minh Thạch cùng các bạn nhóm Healium đạt giải Dự án kỹ thuật phần mềm và CNTT tốt nhất cho Dự án hệ thống thông tin y khoa AI
ẢNH: RMIT
Trở thành kỹ sư quốc tế ở tuổi 23
Trên thực tế, trong lúc không ít người trẻ vẫn loay hoay "học một đường hành một nẻo" thì đối với Hồ Lê Minh Thạch, mọi chuyện thành đơn giản khi quyết định lựa chọn "RMIT là một phần thanh xuân" của mình.
Chia sẻ bốn lý do chọn học Kỹ sư phần mềm tại RMIT mà không phải là một trường khác (bao gồm: bằng cấp danh giá; môi trường tiếng Anh 100%; chương trình học tập tiên tiến và "mạng lưới đối tác trong ngành"), Thạch giải thích rõ hơn: "RMIT không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện kỹ năng trước các nhà tuyển dụng, với những cái tên lớn ở trong nước và quốc tế. Cơ hội này đã giúp em thực tập, tích lũy kinh nghiệm để khi ra trường có hơn 1 năm kinh nghiệm làm việc thực tế".
Thạch kết nối với NAB - một trong những ngân hàng lớn của Úc ngay trong tuần lễ hướng nghiệp do RMIT tổ chức ở năm thứ 2, sau đó tiếp tục đầu quân cho một tập đoàn tài chính lớn khác của Úc là ANZ với vai trò phát triển phần mềm iOS, dù chưa ra trường.
Giờ đây, ở tuổi 23, Thạch đã là một kỹ sư quốc tế sống và làm việc ở thành phố đáng mơ ước Melbourne (Úc). Quan sát thị trường lao động trong giai đoạn chuyển giao ở quốc gia này, từng bước thay thế những hệ thống đã sử dụng trong 20-30 năm qua bằng những công nghệ mới nên cần nhân sự lớn để đáp ứng, cũng như xây dựng hệ thống hoàn chỉnh để tăng khả năng cạnh tranh, cựu sinh viên RMIT cũng nhanh chóng nhận biết "tiềm năng lớn" để bản thân mình cũng như các bạn trẻ Gen Z yêu thích công nghệ chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Ở tuổi 23, Hồ Lê Minh Thạch đã là một kỹ sư quốc tế sống và làm việc ở thành phố đáng mơ ước Melbourne
ẢNH: RMIT
Trước không ít băn khoăn liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến nhân sự ngành kỹ thuật công nghệ lép vế? Thạch xác định AI chỉ hỗ trợ chứ không thể thay thế con người. "Giống như việc chúng ta vẫn học tính tay từ nhỏ dù có thể dùng máy tính để ra kết quả nhanh hơn, việc hiểu bản chất vẫn là nền tảng quan trọng. AI là công cụ, còn con người cần đủ hiểu biết để vận hành và xử lý công cụ đó một cách đúng đắn", Thạch phân tích.
Đằng sau thành công là một cộng đồng gắn kết và kỹ năng học tập suốt đời
Trong thời đại ngày nay, không riêng gì công nghệ mà nhiều lĩnh vực khác của đời sống cũng đang biến đổi không ngừng. Nếu không được trang bị kỹ năng học tập suốt đời từ sớm, những tân kỹ sư như Thạch không dễ chủ động cập nhật các xu hướng công nghệ mới, cũng như biết cách chọn lọc những gì phù hợp với mục tiêu sử dụng. Môi trường đại học ở RMIT đã cho Thạch nền tảng kiến thức chuyên sâu và kỹ năng vững chắc, từ lập trình front end, back end, phát triển và vận hành (DevOps) cho đến dữ liệu và AI. Chưa hết, đi kèm theo đó là sự tự tin, tư duy thích ứng và sáng tạo cùng một cộng đồng gắn kết lâu dài.
Và, như một dòng chảy liên tục, lời nhắn gửi đến các bạn trẻ yêu thích nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ ngày nay từ cựu sinh viên Hồ Lê Minh Thạch vẫn là "đừng ngại ngần theo đuổi đam mê". Bởi lẽ kỹ sư giỏi không chỉ viết code mà phải luôn suy nghĩ vượt khỏi khuôn mẫu, khám phá các hướng tiếp cận mới để tạo ra sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chang-ky-su-viet-tu-rmit-va-hanh-trinh-vuon-ra-the-gioi-o-tuoi-23-185250523200445342.htm
Bình luận (0)