PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/HT
Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: "Nghị quyết 68: Kiến tạo kỷ nguyên vàng cho doanh nghiệp nông nghiệp" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều ngày 28/5, tại Hà Nội.
Gỡ "nút thắt" đất – vốn: Người thật, việc thật từ đồng ruộng
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá Nghị quyết 68 là bước ngoặt về tư duy, đặt kinh tế tư nhân vào đúng vai trò đầu tàu tăng trưởng. Thế nhưng, ông cũng thẳng thắn: "Khó nhất vẫn là vốn và đất".
Đến năm 2030, chúng ta sẽ có khoảng 2 triệu hộ DN tư nhân, đóng góp khoảng 55-58% GDP, tạo ra trên 84% lực lượng lao động. Tuy nhiên, DN hiện nay tiếp cận vốn còn khó khăn, hạn chế về tài sản đảm bảo, ví dụ DN không có đủ tài sản thế chấp, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ.
Điều thứ hai là, thiếu minh bạch về tài chính. Điều thứ ba, là DN thiếu chuỗi kết nối giá trị.
Nghị quyết 68 thúc đẩy các tổ chức tài chính và tín dụng cho vay dựa trên phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường, dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý mô hình, phát hiện quỹ bảo lãnh.
Nếu thực thi đủ 3 điều kiện trên, thì DN tiếp cận các nguồn lực dễ dàng hơn. Về đất đai, ngoài nguồn lực tài chính, thì nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng. Một trong vấn đề không công bằng là tiếp cận nguồn lực đất đai khó khăn. Nếu nguồn lực vốn và đất đai được cởi trói thì DN tư nhân sẽ phát triển.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: DN tư nhân, đặc biệt là các DN nông nghiệp nhỏ, tiếp cận tín dụng còn vô cùng gian nan.
"Họ thiếu tài sản thế chấp, thiếu chuỗi giá trị, tài chính chưa minh bạch… nên ngân hàng ngại cho vay. Trong khi Nghị quyết 68 nêu định hướng rõ ràng về việc thay đổi phương thức cho vay theo dòng tiền, phương án kinh doanh, nhưng nếu không có quy định cụ thể, sẽ rất khó đi vào thực tế", ông Long phân tích.
Ở góc nhìn DN, bà Tống Thị Ngân -Giám đốc Công ty CP HAQ Hà Nội) chia sẻ: DN rất muốn phát triển thêm sản phẩm, nhưng gặp khó khăn lớn về vốn và hạ tầng kho lạnh.
"Nếu được hỗ trợ từ chính sách như Nghị quyết 68, chúng tôi có thể nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, đưa sản phẩm tốt hơn đến tay người tiêu dùng", bà Tống Thị Ngân nói.
Còn ông Đỗ Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc thứ Nhất KCN Việt Nam – Nhật Bản thẳng thắn: 5 năm trước, thuê đất 70–80 USD/m2. Nay đã 200 USD, chưa tính thuế khiến nhiều DN nhỏ chỉ biết… thuê xưởng tạm ở ngoại ô.
Ông Đỗ Quang Hưng đề xuất, cần dành 20% quỹ đất khu công nghiệp cho DN nhỏ, với giá thuê chỉ bằng 30% giá thị trường, như cách các khu đô thị dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Đồng thời, cần "hậu kiểm thay tiền kiểm" – tức là, cho làm trước, giám sát sau. Có như vậy, mới giải phóng được nguồn lực đang bị trói chặt trong hàng trăm tờ giấy phép.
Luật sư Nguyễn Thị Sâm cho rằng: Cần bổ sung "lá chắn pháp lý" cho DN nông nghiệp, do đó quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự – kinh tế là đúng đắn. Luật sư Sâm nhấn mạnh: Có hợp đồng tranh chấp, không thể đưa DN ra tòa hình sự ngay. Phải ưu tiên giải quyết bằng dân sự, hành chính, chỉ khi không khắc phục được mới xem xét xử lý hình sự.
Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân phát biểu - Ảnh: VGP/HT
Người nông dân làm chủ tri thức, không bị bỏ lại phía sau
Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân – người phụ nữ gắn bó hơn 50 năm với trứng gà, trứng vịt chia sẻ: Làm nông nghiệp lãi suất 6–7% mà không có ưu đãi thì khó mở rộng, DN dù có thương hiệu nhưng vẫn phải vay thế chấp nhiều. Để vượt khó, bà Huân đã tìm cách hợp tác với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đưa phần mềm công nghệ vào chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
"Nhưng một cánh én không làm nên mùa xuân, tôi mong Nghị quyết 68 phải có ưu đãi thực sự, có gói tín chấp đặc thù để DN làm ăn đàng hoàng như chúng tôi được tiếp sức", bà Phạm Thị Huân đề nghị
Từ thực địa, ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhìn nhận: Muốn DN tư nhân phát triển trong nông nghiệp, cần tháo gỡ từ gốc – đặc biệt là cơ chế bảo hiểm nông nghiệp. Không có bảo hiểm, ngân hàng ngại cho vay. Khi không vay được vốn, nông dân không thể đầu tư sản xuất lớn. Ông Hùng kể thêm, đi Nghệ An hướng dẫn nuôi tôm trong đầm sen, nhưng vẫn bị vướng quy hoạch đất, dù mô hình cho hiệu quả gấp 7 lần trồng lúa.
"Từ an ninh lương thực, ta phải chuyển sang an ninh dinh dưỡng. Nếu không điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp, người dân sẽ mãi giậm chân tại chỗ", ông Hồ Xuân Hùng nói.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/chap-canh-kinh-te-nong-thon-tu-nghi-quyet-68-102250528192740159.htm
Bình luận (0)