Trong khi Trung Quốc hành động thần tốc với một chiến lược “quốc gia hoá” giáo dục AI, Mỹ – dù đi sau – lại có tiềm năng tăng tốc nhờ khu vực tư nhân và sức sáng tạo của hệ thống giáo dục phân quyền.
Bài viết này không đi vào so sánh hơn – kém, mà tập trung phân tích các chiến lược nổi bật, chuyển động cải cách trong lòng nước Mỹ, thách thức đang tới, và những điều Việt Nam có thể học hỏi.

Trung Quốc: Định hình từ gốc, triển khai toàn diện
Trung Quốc chọn con đường không phức tạp hóa khung chương trình – thay vì tạo một môn học mới mang tên “AI”, nước này tích hợp các nội dung AI vào những môn học sẵn có như toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Từ tiểu học, học sinh làm quen với tư duy máy tính. Lên cấp hai, các em tiếp cận lập trình cơ bản và các bài toán sử dụng dữ liệu. Đến trung học phổ thông, nội dung nâng cao như thị giác máy tính, chatbot, mô hình học máy được đưa vào thí điểm.
Điểm mấu chốt nằm ở phương thức triển khai. Thứ nhất, chính phủ giữ vai trò trung tâm trong hoạch định chính sách và điều phối tài nguyên toàn quốc. Thứ hai, doanh nghiệp công nghệ tham gia cung cấp phần mềm, tài liệu và hỗ trợ công nghệ giáo dục – từ iFlytek đến Baidu đều có các chương trình "AI cho trường học". Thứ ba, các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa, Phúc Đán được giao nhiệm vụ xây dựng giáo trình, huấn luyện giáo viên, và đánh giá chất lượng triển khai.
Đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đã phát triển một nền tảng học liệu AI quốc gia, cho phép học sinh từ mọi vùng miền – kể cả các khu vực nghèo như Cam Túc, Quý Châu – tiếp cận cùng một nội dung như học sinh ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Giáo viên AI ảo (virtual assistant teacher) được triển khai để hỗ trợ cá nhân hóa bài học, giúp học sinh tiến bộ theo năng lực riêng. Như vậy, Trung Quốc không chỉ tạo ra chính sách giáo dục AI, mà còn đảm bảo phổ cập một cách công bằng – điều kiện tiên quyết để tạo sức mạnh công nghệ tổng thể.
Mỹ: Cải cách từ đáy lên, doanh nghiệp dẫn đầu
Trong khi Trung Quốc hành động từ trên xuống, Mỹ đang tái cấu trúc từ dưới lên. Mô hình giáo dục phân quyền từng là lực cản trong các cải cách giáo dục toàn quốc, nhưng trong kỷ nguyên AI, nó lại mở ra dư địa thử nghiệm linh hoạt. Song song với thư ngỏ từ hơn 250 CEO gửi các thống đốc bang, ngay từ cách đây vài tháng hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn như Microsoft, Amazon, Meta và NVIDIA đã xảy dựng các chương trình khác nhau hỗ trợ các trường công: cung cấp phần mềm AI học tập miễn phí, đào tạo giáo viên, tài trợ thiết bị, và thiết kế khóa học mẫu.
Thậm chí, một số học khu như Lamar (Texas), Oakland (California), hoặc Baltimore (Maryland) đã triển khai mô hình lớp học sử dụng AI toàn phần: mỗi học sinh học theo tốc độ riêng; giáo viên đóng vai trò quản lý tiến trình và hỗ trợ chuyên sâu. Học sinh tương tác với chatbot AI trong giờ Toán, sử dụng thị giác máy tính để làm thí nghiệm sinh học, và học lập trình qua các trò chơi tích hợp AI.
Chính quyền liên bang cũng đang vào cuộc. “Lực lượng đặc nhiệm giáo dục AI” được thành lập bởi Tổng thống nhằm xây dựng chuẩn chương trình, kết nối các sáng kiến rời rạc, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia mà không bị rào cản pháp lý. Bộ Giáo dục phối hợp với các bang phát triển kho học liệu mở, tạo trung tâm đào tạo giáo viên, và tài trợ thí điểm ở các khu vực khó khăn.
Như vậy, Mỹ không cần bắt kịp Trung Quốc về tốc độ hành chính – điều gần như bất khả thi – mà tận dụng lợi thế cạnh tranh: sức mạnh đổi mới từ doanh nghiệp tư nhân, hệ sinh thái học liệu mở, và sự đa dạng mô hình giáo dục từ cấp địa phương.
Những điểm nghẽn và thách thức
Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều đối mặt với các rào cản lớn khi AI xâm nhập giáo dục – không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là xã hội và đạo đức.
Một là, vấn đề bảo mật dữ liệu. Khi học sinh dùng trợ giảng AI, dữ liệu về hành vi học tập, cảm xúc, tốc độ xử lý thông tin, thậm chí cả cách đặt câu hỏi đều bị thu thập. Nếu không có luật bảo vệ, các công ty hoàn toàn có thể thương mại hóa dữ liệu này cho quảng cáo, hoặc dùng để điều chỉnh nội dung theo hướng có lợi cho họ.
Hai là, nguy cơ phân hóa công nghệ. Tại Mỹ, khoảng cách giữa các học khu giàu (thường là khu vực đô thị) và học khu nghèo (nông thôn, sắc tộc thiểu số) sẽ càng rộng nếu không có đầu tư liên bang tương xứng. Tại Trung Quốc, mô hình “trợ giảng AI” có thể hiệu quả ở nơi có mạng lưới hạ tầng tốt, nhưng dễ trở nên vô dụng ở các vùng chưa đủ điều kiện số hóa cơ bản.
Ba là, vấn đề “định hình tư duy” qua thuật toán. Khi AI không chỉ dạy học mà còn “gợi ý” cách học, cách trả lời, học sinh có thể vô thức hấp thụ các định kiến tiềm ẩn trong thuật toán. Từ đó, giáo dục mất đi vai trò định hình tư duy độc lập – điều cốt lõi trong xã hội dân chủ.
Để vượt qua các thách thức này, Mỹ đang đề xuất một “Đạo luật Quyền riêng tư AI trong Giáo dục” yêu cầu minh bạch thuật toán, cấm bán dữ liệu giáo dục cho bên thứ ba và buộc mã hóa đầu-cuối tất cả hệ thống học tập AI. Trung Quốc, ngược lại, kiểm soát nội dung theo định hướng trung ương, nhưng thiếu sự giám sát độc lập từ xã hội dân sự.

Việt Nam học được gì?
Việt Nam đang ở điểm khởi đầu trong thiết kế giáo dục AI. Câu hỏi đặt ra không phải là nên “chọn mô hình giáo dục AI của Mỹ hay Trung Quốc”, mà là: Việt Nam nên chọn cách tiếp cận nào phù hợp với thực tiễn hạ tầng, dân số, và trình độ giáo viên hiện nay?
Thứ nhất, có nhiều điểm tích cực Việt Nam có thể học hỏi từ Trung Quốc. Các trường ở Việt Nam có thể tích hợp AI vào môn học hiện hành mà không cần tạo môn học mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra khung năng lực tối thiểu về tư duy máy tính và AI ở từng cấp học. Việc xây dựng kho học liệu số mở, dùng chung toàn quốc sẽ giúp giảm bất bình đẳng giữa thành thị – nông thôn, miền xuôi – miền núi.
Thứ hai, điểm tích cực từ Mỹ Việt Nam có thể tham khảo là huy động khu vực tư nhân tham gia đào tạo giáo viên và cung cấp nền tảng AI giáo dục. Những công ty như FPT, Viettel, VNPT, VNG, CMC... có thể đóng vai trò tương tự Microsoft, NVIDIA tại Mỹ – không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn phát triển phần mềm học tập theo tiêu chuẩn mở. Đồng thời, các chương trình huấn luyện giáo viên qua nền tảng số nên được triển khai đại trà, cấp chứng chỉ theo mô hình MOOC - Cấp chứng chỉ công nhận hoàn thành khóa học trực tuyến mở (thường miễn phí), do các đại học hoặc nền tảng số uy tín cung cấp.
Thứ ba, Việt Nam sớm tính đến phương án lập một trung tâm điều phối cấp quốc gia – có thể là “Ủy ban giáo dục AI quốc gia” – để đảm bảo thống nhất chương trình, kết nối doanh nghiệp – trường học – nhà nước, và liên thông dữ liệu học tập toàn quốc. Nhưng trung tâm này không nên vận hành theo cơ chế hành chính cứng nhắc, mà theo hướng điều phối mở, linh hoạt và minh bạch.
Học sinh là trung tâm, là công dân AI đầu tiên của thế kỷ 21
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mà giáo dục không còn là công cụ hỗ trợ phát triển công nghệ – nó trở thành nền móng quyết định cho năng lực đổi mới quốc gia. Mỹ đi sau trong chính sách trung ương, nhưng có lợi thế ở hệ sinh thái tư nhân và sự linh hoạt. Trung Quốc có thể triển khai đồng bộ nhanh, nhưng phải đối mặt với câu hỏi về kiểm soát nội dung và sự đa dạng tư duy.
Việt Nam không cần trở thành một “bản sao” của bất kỳ ai. Điều quan trọng nhất là phải khởi động ngay: xây dựng chương trình tích hợp AI từ cấp tiểu học, đào tạo giáo viên đại trà, phổ cập thiết bị học tập, và thiết lập thể chế điều phối công – tư hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo sẽ không chờ đợi, và những quốc gia không hành động sớm sẽ phải đi sau mãi mãi trong cuộc đua giáo dục và công nghệ của thế kỷ 21.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/chay-dua-giao-duc-ai-va-bai-hoc-cho-viet-nam-2400069.html
Bình luận (0)