Hơn 50 giường lọc máu tại Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) lúc nào cũng kín chỗ, với mỗi ngày 3 ca. |
Từ chủ quan dẫn đến bệnh nặng
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Tùng, Phụ trách khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết: Nhiều bệnh nhân do chủ quan nên bỏ qua những dấu hiệu ban đầu hoặc không tuân thủ điều trị nên khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn 5 phải lọc máu (chạy thận nhân tạo). Tuy nhiên, do tuân thủ tốt phác đồ điều trị, cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý nên nhiều trường hợp vẫn duy trì thời gian điều trị bảo tồn được trong thời gian 20-30 năm.
Trường hợp ông Nguyễn Hoàng Tráng (ở phường Gia Sàng) là một ví dụ. Năm 1994, ông phát hiện bị teo một bên thận nhưng vì “chưa thấy ảnh hưởng gì nhiều” nên không điều trị. Mười năm sau, bên thận còn lại cũng hỏng, buộc ông phải gắn bó với máy lọc máu từ năm 2004. Hiện, đều đặn mỗi tuần ba buổi, ông đến bệnh viện chạy thận.
Do có bảo hiểm y tế của người tàn tật nên toàn bộ chi phí, ông được Nhà nước chi trả. Ông Tráng chia sẻ: Sau mỗi lần lọc, cơ thể nhẹ nhõm hơn, nên nếu có điều kiện chạy thận nhiều hơn, ông tin sức khỏe sẽ cải thiện hơn.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường Tiểu học Điềm Mặc, cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đã 20 năm gắn bó với máy chạy thận, tuần nào cũng vậy, chị lại lặn lội 3 lần đi xe buýt hơn 50km về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để lọc máu.
Tuân thủ phác đồ điều trị, kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, chị Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường Tiểu học Điềm Mặc, dù nhiều năm chạy thận nhưng vẫn lên lớp giảng dạy. |
Chị Phương chia sẻ: Mặc dù bệnh viện huyện cũng có máy chạy thận, nhưng do sức khỏe yếu, nên tôi đề phòng, nếu tôi có biến chứng, thì ở đây sẽ được xử trí kịp thời. Trước đây, tôi thường phải đi xe máy hơn 10km ra Quán Vuông mới bắt được xe. Nay có tuyến xe buýt đi qua trước cửa nhà, tôi đã có thể tự đi. Chỉ hôm nào mệt mới cần người nhà đi cùng. Do bảo hiểm y tế chỉ được thanh toán 80% nên mỗi tháng tôi tốn khoảng 2-2,5 triệu đồng tiền chạy thận. Ngoài ra, để điều trị đồng thời bệnh viêm gan C, bệnh mạch vành, suy tim và duy trì chất lượng lọc máu tốt hơn, tôi phải chi thêm 4-5 triệu đồng tiền thuốc, một vài triệu đồng cho một số chi phí khác.
5 giai đoạn âm thầm hủy hoại thận
Theo bác sĩ Đỗ Văn Tùng, bệnh thận mạn tiến triển qua 5 giai đoạn, từ nhẹ đến rất nặng. Giai đoạn 1 và 2, thận tổn thương nhưng chức năng lọc vẫn còn tương đối tốt, ít triệu chứng rõ ràng. Ở giai đoạn 3 (mức lọc cầu thận giảm còn 30-59 ml/phút), người bệnh bắt đầu xuất hiện thiếu máu, tăng huyết áp, phù nhẹ, mệt mỏi, nhưng vẫn thường chủ quan.
Đến giai đoạn 4 (mức lọc 15-29 ml/phút), chức năng thận suy giảm nặng, độc chất tích tụ nhiều, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Cuối cùng là giai đoạn 5 - suy thận giai đoạn cuối (mức lọc <15 ml/phút), người bệnh bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Rất nhiều bệnh nhân ban đầu chỉ mắc những bệnh lý tưởng như “không quá nguy hiểm” - tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận - nhưng do điều trị không đúng phác đồ hoặc tự ý dùng thuốc nam, thuốc tây kéo dài, thận dần hư hại không thể phục hồi. Khi thận mất khả năng lọc độc chất và cân bằng nước điện giải thì điều trị thay thế thận là giải pháp duy nhất để duy trì sự sống.
Ước tính mỗi bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi chạy thận, bảo hiểm chi trả khoảng 10 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí thuốc men bổ sung để tăng cường sức khoẻ, tiền ăn uống, đi lại và các dịch vụ kèm theo mà bệnh nhân phải chi trả.
Bác sĩ Tùng chia sẻ thêm: Khoảng 80% bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Có gia đình có bố, con gái và cháu ngoại cùng phải chạy thận, đáng chú ý là cậu con trai mới 21 tuổi. Bệnh thận, đặc biệt các thể như bệnh cầu thận di truyền, thận đa nang, vẫn còn tính chất di truyền nhất định.
Nhiều người do chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ nên khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn phải chạy thận nhân tạo. |
Tuân thủ để khỏe hơn
Không chỉ là nỗi lo của tuổi già, bệnh thận mạn đang ngày càng "trẻ hóa". Chế độ ăn mặn, nhiều đạm, ít rau xanh; thói quen lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn; lười vận động; uống ít nước; hút thuốc lá, uống rượu bia… tất cả đang âm thầm làm hỏng thận của lớp người trẻ. Số bệnh nhân suy thận dưới 40 tuổi ngày càng gia tăng.
Dù suy thận mạn khó có khả năng chữa chữa khỏi, nhưng tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống, dùng thuốc đúng chỉ dẫn, giữ tinh thần tích cực vẫn giúp nhiều bệnh nhân duy trì được chất lượng cuộc sống. Không ít người như chị Phương, dù phải lọc máu ba lần mỗi tuần, nhưng vẫn có khả năng đi làm, tự lo cho bản thân, thậm chí là nuôi con trai học đại học.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo: Người dân cần khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng thận với bệnh lý có nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch hoặc có người thân mắc bệnh thận. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Thói quen này có thể khiến bệnh từ nhẹ chuyển sang giai đoạn cuối rất nhanh.
Chạy thận là một hành trình dài hơi và đầy thử thách. Nhưng với sự đồng hành của gia đình, y bác sĩ và chính sách bảo hiểm y tế, hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn đang từng ngày gìn giữ cuộc sống quý giá của mình.
Quan trọng nhất là nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị nghiêm túc, nhiều người bệnh hoàn toàn có thể trì hoãn tiến triển của bệnh đến suy thận giai đoạn cuối, tránh phải phụ thuộc máy lọc máu suốt đời.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/y-te/202507/chay-than-cuoc-chiencan-ky-luat-va-niem-tin-3dc17a3/
Bình luận (0)