Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chung tay bảo vệ Rạn Trào

Qua hơn 2 năm trao quyền quản lý cho cộng đồng ngư dân địa phương, hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) được phục hồi, các tác động tiêu cực đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển Rạn Trào của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng đang gặp một số khó khăn nhất định.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa26/05/2025

Hệ sinh thái được phục hồi

Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào có diện tích 89ha, riêng vùng lõi có diện tích 54ha với rạn san hô bao phủ rộng. Rạn Trào được đánh giá có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng và độ phủ san hô khá cao với chất lượng tốt so với các rạn khác trong vịnh Vân Phong. Năm 2008, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào được thành lập với mục đích khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi các giống loài thủy sản, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tham quan học tập, phát triển sinh kế, tiếp nhận các dự án tài trợ trong và ngoài nước. Từ khi thành lập đến nay, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức như: Liên minh Sinh vật biển quốc tế tại Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD); Quỹ phát triển cộng đồng; Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững… Đặc biệt, năm 2023, UBND huyện Vạn Ninh đã công bố, trao quyết định công nhận và giao quyền quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng.

Cộng đồng ngư dân xã Vạn Hưng vừa phát triển sinh kế vừa bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào.
Cộng đồng ngư dân xã Vạn Hưng vừa phát triển sinh kế vừa bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào.

Sau hơn 2 năm được công nhận và giao quyền quản lý, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng đã tích cực tổ chức, quản lý, thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tại Rạn Trào; sinh kế của các thành viên trong tổ cộng đồng cũng được đảm bảo nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đệm… Chính sự hiện diện, quản lý của cộng đồng ngư dân, nhất là các thành viên tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản tại khu vực Rạn Trào đã mang lại những chuyển biến tích cực trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các tác động tiêu cực vào khu vực. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản tại Rạn Trào cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp, hằng năm đã chung tay thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại đây…

Ông Huỳnh Ngọc Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng chia sẻ: “Khảo sát của MCD và các cơ quan liên quan mới đây cho thấy, rạn san hô, cỏ biển tại Rạn Trào phát triển rất tốt, mật độ dày, bao gồm: San hô cứng và mềm; rất nhiều loại cá rạn, tôm, cua, ốc, hải sâm, bào ngư, cầu gai,… đã quần tụ trong khu vực rạn san hô của khu bảo vệ. Bên cạnh đó, ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản của người dân địa phương được nâng cao, tình trạng khai thác hải sản bằng các công cụ hủy diệt tại khu vực Rạn Trào đã được xóa bỏ. Hiện nay, ở Rạn Trào, số loài thủy sinh chiếm hơn 50% tổng số loài ở vịnh Vân Phong, Trong đó, san hô chiếm 64%, cá rạn chiếm 69%, cỏ biển chiếm 75% so với tổng số loài thủy sinh trong vịnh Vân Phong”.

Còn những khó khăn

Từ thực tế triển khai công tác đồng quản lý cho thấy, hoạt động bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào vẫn còn một số khó khăn khi nhận thức, hiểu biết của một bộ phận ngư dân về đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng thiếu nguồn lực để duy trì hoạt động quản lý, bảo vệ Rạn Trào và thực hiện các mô hình phát triển sinh kế cho các thành viên tổ cộng đồng. Trong công tác tuần tra, do phương tiện đã hư hỏng nên không thể đẩy đuổi các trường hợp vi phạm khai thác trong khu vực biển Rạn Trào. Hiện nay, việc cắm phao ở khu vực Rạn Trào chưa đầy đủ, chưa thể hiện khu vực vùng lõi, khu vực vùng đệm nên khó khăn trong việc tuần tra, bảo vệ… “Mặc dù khó khăn song Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng sẽ nỗ lực khắc phục, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản tại Rạn Trào; vận động thêm các ngư dân tâm huyết, trách nhiệm tham gia tổ để đồng quản lý Rạn Trào. Chúng tôi kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động, nhất là tuần tra, kiểm soát, bảo vệ Rạn Trào; đầu tư hệ thống phao để đánh dấu ranh giới, vùng nước Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào; hỗ trợ phát triển sinh kế cho các thành viên trong tổ…”, ông Sang nói.

Theo ông Lê Đình Khiêm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo, đến nay, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng đã phát huy hiệu quả việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Rạn Trào theo mô hình đồng quản lý. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương ven biển trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ và nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển. Với những khó khăn của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng trong thực hiện đồng quản lý Rạn Trào, UBND huyện Vạn Ninh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho tổ cộng đồng; đầu tư hệ thống phao đánh dấu ranh giới khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào… UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Tài chính chủ động làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường thống nhất, tham mưu UBND tỉnh việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng.

HẢI LĂNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/chung-tay-bao-ve-ran-trao-8aa54e6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm