Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện của núi

BPO - Người ta thường nói bất kỳ mối quan hệ nào đó tồn tại thì chắc chắn đó là duyên. Nhưng ở bên nhau được hay không thì còn chờ ở phận…

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước27/05/2025

Với tôi, chuyện "lên núi" như một căn duyên mà tôi đón nhận và chuyện "ở núi" như "cái phận" mà tôi phải làm, phải "trả" như ông bà thường nói. Ngẫm trong mỗi chúng ta, có lẽ điều đó đều không sai, khi ai cũng có những duyên phận của chính mình từ chuyện vợ chồng, chọn nghề, lập nghiệp... của riêng mình...

Từ cuộc "chinh phục" đỉnh núi Bà Đen...

Những năm 1980, khi còn học tại Trường Phát thanh - Truyền hình II - Trần Nhân Tôn, Thành phố Hồ Chí Minh, tôi và nhóm anh em bạn học đã từng "chinh phục" đỉnh cao ngọn núi này...

Thời điểm đó, hệ thống du lịch - dịch vụ ở núi Bà Đen còn rất đơn sơ và được xem là nơi hành hương đậm nét tâm linh của du khách thập phương. Cũng ít ai biết và được leo lên đến đỉnh núi này vì chưa được mở đường cho du khách tham quan như bây giờ...

Núi Bà Đen ngày nay - Nguồn: Internet

Theo người dân cho biết, núi Bà Đen trước đây có 2 lối lên đỉnh núi nhưng đều là có từ lối mòn của người dân địa phương mà ra. Con đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường xấu, khó đi, nhiều nguy hiểm như đá lở, trơn trợt và rắn độc. Một lối đi khác từ Đài liệt sĩ, men theo các cột điện, khá dài và vắng vẻ.

Để có cuộc "chinh phục" đỉnh Bà Đen lúc đó, tôi và nhóm 10 anh chị em khác đã "đèo" nhau trên những "con ngựa sắt" (xe đạp là phương tiện đi lại khá thông dụng cho sinh viên, học sinh những năm 1980) về nhà người bạn học quê ở Tây Ninh từ chiều hôm trước.

Mờ sáng, nhóm chúng tôi đã có mặt ở chân núi để bắt đầu cuộc chinh phục... Thời tiết ở vùng rừng núi khá lạnh nhưng mồ hôi đã thấm đầy người chúng tôi khi chỉ mới qua các bậc thang ở chùa Hang!...

Anh Thắng, người bạn Tây Ninh dẫn đường nói với chúng tôi: "Bây giờ mới là đoạn đường cần chinh phục đây... Anh em vẫn quyết định chứ!?". Thấy anh em tỏ vẻ quyết tâm, anh Thắng mở chiếc túi Adidas đầy ắp những chiếc bánh tét chuối nhà nấu còn nóng, kêu anh em ăn để lấy sức leo...

...Lúc này, mọi người mới sực nhớ là không mang theo nhiều nước uống, chỉ có một bình ton nhỏ, mà cả 9, 10 anh em... Anh Chức - một bộ đội xuất ngũ học cùng chúng tôi - tỏ ra kinh nghiệm nhất, anh chỉ cho mỗi người một nắp để ngụm, rồi phân công người thì lấy dây xâu từng đôi dép lại để vác theo người; người thì vác thức ăn... rồi cùng bám sát nhau len lỏi theo lối mòn cheo leo trong khu rừng để trèo lên đỉnh... tới đoạn nào thoai thoải thì dừng lại nghỉ. Cứ thế chắc cũng hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được đỉnh.

Đỉnh núi Bà Đen lúc ấy không có gì ngoài vài chiếc thùng container hư hỏng nằm xen lẫn trong các đám cây dại... Thế nhưng, chưa kịp khám phá gì nhiều, bất chợt từ đám lá cây ngay chỗ ngồi của người bạn tên Tùng (Đồng Nai) xuất hiện một con rắn vàng ươm, to đùng trườn ra khiến mọi người hoảng sợ nên vội vàng tuột xuống núi...

Tất nhiên khi ở độ cao 996m, chúng tôi đã thật sự chinh phục được ngọn núi này và được phóng tầm mắt xa khắp mọi nơi... Rõ ràng, nếu chúng ta cứ mãi đứng dưới chân núi, thì sao có thể thấy đất trời mênh mông. Muốn vậy, chỉ có cách mỗi chúng ta phải cố gắng vượt qua mọi thách thức, khó khăn để đứng trên đỉnh cao!

"Mọi đỉnh núi đều nằm trong tầm tay nếu bạn tiếp tục leo" (Barry Finlay)

Những năm gần đây, khi núi Bà Đen được đầu tư phát triển du lịch với nhiều công trình quy mô, trong đó có cả hệ thống nhà ga và cáp lên đến đỉnh... tôi đã có dịp trở lại đỉnh núi này...

Núi Bà Đen ngày nay - Ảnh: Internet

Mỗi lần có dịp đặt chân lên lại đỉnh núi này, tôi vẫn nhớ về câu chuyện xưa và tự hào mình đã từng vượt qua thách thức để đứng trên đỉnh ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ tự bao giờ...

Đến "ước nguyện chinh phục" núi Bà Rá

Núi Bà Rá - Nguồn: Internet

Sau khi ra trường, về công tác tại Phòng Quản lý truyền thanh cơ sở của Đài Phát thanh Sông Bé (sau này là Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé). Một hôm, tôi được Giám đốc Đài thời điểm đó là chú Hai Định (đã mất) gọi đến phòng và giao nhiệm vụ đi công tác tại huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long).

Ngày đó, khi ai được giám đốc mời làm việc riêng cũng rất "sợ" vì thường là có những việc quan trọng và có liên quan đến mình.

Tôi lúc đó còn trẻ, nên khi nghe vậy, tôi cũng thấy "sợ" và tỏ ra lo lắng!

Đang còn thập thò góc cửa phòng, ấp úng chưa kịp mở lời chào, thì chú Hai Định ngồi ở bàn làm việc đã ngước lên nhìn và hỏi:

- Àh... Thảo đó hả ... cháu vô ngồi đây đi, chú trao đổi việc này...

Chú Hai kỹ lưỡng hỏi tôi việc học hành ở trường, đưa ra một số yêu cầu cần thiết để mở lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ truyền thanh cơ sở... Muốn tôi chuẩn bị "giáo án" để "làm thầy" đi giảng dạy tại Phước Long...

Chú căn dặn: Chuyến công tác này, cháu ở lại khoảng 1 tháng lận đó... Cháu có biết và từng đến Phước Long bao giờ chưa?... vừa nói, chú vừa chỉ lên tấm bản đồ treo trên tường...

Tôi nhìn thấy đó là một vùng đất rộng lớn nhất và xa nhất của Sông Bé lúc bấy giờ...

Đến ngày "lên đường", chiều đó, anh Võ Hùng Phong, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, lúc đó là Trưởng phòng Quản lý truyền thanh, Đài Sông Bé, chở tôi về nhà anh ngủ lại, để sáng sớm ra bến xe cho gần.

5 giờ sáng, chuyến xe đò đầu tiên đi Phước Long khởi hành, đường sá lúc đó đi Phước Long rất khó. Từ Phú Giáo lên đã là đường đất đỏ, quanh co, đầy "ổ gà, ổ voi" bụi đỏ... 5 giờ chiều xe đò vào bãi xe Phước Long, ngay chân núi Bà Rá sừng sững. Hình ảnh đó đã tạo cho tôi ấn tượng khá sâu sắc khi lần đầu đến với vùng đất này...

Chưa một lần công tác xa, dài ngày, lại lên vùng rừng núi nên nghe những lời căn dặn tận tình của chú Hai như vậy, khiến tôi cũng lo lắng... May mà những ngày lưu lại tại Đài Truyền thanh huyện Phước Long lúc đó được các anh, chị lo cho tươm tất. 

Anh Mai Trang, Trưởng đài lúc đó thì lo cho chỗ ngủ; vợ chồng chị Ánh - anh Nghĩa thì lo cơm nước, nấu nước cho tắm; sáng ra thì anh Rạng, anh Phi dẫn đi ăn sáng... Sự chăm chút, chăm lo của các anh chị đã giúp tôi yên lòng hơn trong những ngày ở đó. 

Giờ đây, các anh chị đều đã nghỉ hưu nhưng câu chuyện gần 30 năm trước vẫn trong tôi và đó là những ân tình mà tôi không thể nào quên...

Những ngày lưu lại tại Đài Truyền thanh Phước Long ấy, cứ mỗi sáng sớm, trong tiết trời lành lạnh, đứng nhìn về phía núi Bà Rá giăng đầy sương mù... tôi đã chợt nghĩ… ước gì thêm lần nữa "chinh phục" ngọn núi thứ hai của vùng đất miền Đông Nam Bộ này!...

***

Vài năm sau - khoảng cuối năm 1988 đến 1989, Đài Sông Bé đã có những cuộc khảo sát để xây dựng một đài tiếp sóng phát thanh, truyền hình trên ngọn núi này, nhằm phủ sóng thông tin đến đồng bào 5 huyện phía bắc Sông Bé lúc bấy giờ (nay là tỉnh Bình Phước).

"Bất cứ khi nào bạn hoàn thành một chuyến leo núi, luôn có điều tiếp theo bạn có thể thử" (Alex Honnold)

Từ năm 1990, công trình này bước vào cuộc "xẻ núi, mở đường" và đó cũng là cơ duyên để tôi có thể có cơ hội lần thứ hai "chinh phục" ngọn núi cao thứ hai của vùng miền Đông Nam Bộ - như "ước nguyện" trước đó!

…Khó khăn từ “ngọn núi bên trong"

Ngày tôi quyết định "xung phong" nhận nhiệm vụ lên núi (Bà Rá) để làm việc, chú Út Tuyền - ông Ngô Thanh Tuyền, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé (đã mất) gọi tôi căn dặn nhiều điều: Dặn rằng sẽ có nhiều khó khăn, thử thách; dặn tôi suy nghĩ cho kỹ và khoan vội quyết định, mà nên về trao đổi ý kiến với gia đình...

Nghe nói lên núi làm... Má tôi đã cao giọng la rằng: "Nghỉ! Nghỉ!... con xin nghỉ việc đi... lên đó là chết đó!... Không nghe người ta nói à?!...

"Nhất Côn Lôn, nhì Bà Rá!" (*) - vùng rừng thiêng, nước độc! Sao sống được, mà lên đó!?...".

Câu nói này, có lẽ ít ai biết và giờ đây cũng ít nghe ai nói đến chữ “Côn Lôn” mà chỉ gọi là Côn Đảo. Thật ra, Côn Đảo hay Côn Sơn xưa kia hay được dùng để gọi tên cho hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. 

Sách sử Việt Nam trước thế kỷ XX cũng thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn (nay có tên là đảo Phú Hải). Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Côn Lôn có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai xưa và đến người châu Âu gọi tên là Poulo Condor (nguồn internet). 

Cũng câu nói này, có lẽ là cái duyên để tôi và một người bạn trạc tuổi tìm đến nhau và chơi thân với nhau. Tôi nhớ mãi cái ngày anh bạn ấy đến tìm tôi trong những ngày đầu vừa chia tách tỉnh Sông Bé…

… Đứng ngay cổng đài, cả hai chưa ai biết ai. Anh ấy hỏi: Ba Thảo hả? “Chúa núi” Bà Rá đúng không?… Khẽ gật, tôi hỏi lại tên và lý do? Anh ấy chỉ nói gọn là về tỉnh này, nghe kể về tôi nhiều và muốn gặp, coi được thì làm bạn… Sau này, chúng tôi thân nhau và kể cho nhau nghe nhiều điều có điểm tương đồng trong cuộc sống - chỉ có điều, anh ấy kể tôi nghe nhiều về biển, đảo thì tôi kể anh ấy nghe về “chuyện của núi”…

Nhiều lần, chúng tôi có dịp cùng nhau ra Côn Đảo. Lại được dịp chúng tôi nói với nhau về cái câu: “Nhất Côn Lôn, nhì Bà Rá”. Tôi càng hiểu thêm về anh và những gì anh đã dành cho vùng biển, đảo này. Tôi cũng được chứng kiến tấm lòng người dân ở đảo dành cho anh mỗi lần trở lại. Tôi đã nói vui rằng, “Chúa đảo” là đây… Chuyện của “núi” và “đảo” có vẽ cũng là duyên phận như vậy. Tình bạn của chúng tôi qua năm tháng cũng ngày càng khắng khít và chất chứa thêm nhiều điều quý giá như chính cái từ “bồ” (trong Nam Bộ) mà chúng tôi hay dành cho nhau…

***

Trở lại chuyện lên núi. 

Lúc đó, má tôi thì quyết liệt như vậy, còn ba tôi thì nhỏ nhẹ khuyên bảo: "Nếu được, ba muốn con đừng đi!...".

Ông anh Hai nghe chuyện, trầm ngâm không nói gì, rồi rủ tôi đi cà phê tâm sự thêm...

Ly cà phê cạn, qua mấy tuần trà, mà cả 2 người vẫn lặng thinh... Nóng ruột, tôi cất tiếng: "Anh có ủng hộ em không?... Em biết sống ở núi rừng rất khó, nhưng em muốn thử sức mình...".

Vẻ như còn đắn đo, anh nói: "Chuyện ba má không đồng ý, cũng có lý của ba má... vì đó là vùng rừng thiêng, nước độc... ba má thương, nên cản... Để tao tìm cách thuyết phục ba má... Mầy cũng suy nghĩ cho kỹ... Liệu sức nhe, vì khi đã quyết định thì không được bỏ cuộc!... Phải cố gắng dù có nhiều gian khổ, khó khăn...”.

Vài hôm sau, ngồi bên chú Út Tuyền và chú Bảy Hiếu để thưa chuyện lên núi... Cả hai chú đều rất vui, mà cứ gặng hỏi đã nói sao với gia đình? Với thằng Vinh ? (anh hai mình)...

Chú Bảy nói: "Có Hiếu phải có Thảo chứ!"... Con lên đó ở chừng 3 năm, khi ổn định hết thì mấy chú sẽ rút con dìa!...

"Ngọn núi khó leo nhất là ngọn núi bên trong" (J. Lynn)

Chú Út thì cứ xoa đầu tôi: "...Thương quá!... Thật lòng, chú không muốn con lên núi, nhưng nghe con quyết định nhận nhiệm vụ, chú yên lòng… thôi ráng nhe con...".

... Ngày lên núi

Thời điểm đó, đoạn đường núi từ chân núi đang được mở lên đến đồi Bằng Lăng... Ngôi nhà ở ngọn đồi này cũng đang hoàn thành phần nội thất bên trong.

Lúc đó, cũng đã có Trọng, Sự, Phong, Lớn tham gia trong quá trình xây dựng này... Đó cũng chính là những anh em sau này gắn bó với tôi như một nhà...

Chiếc xe hơi chở các chú trong Ban Giám đốc Đài cùng tôi lên núi, dừng lại ngay bậc thềm nhà đồi Bằng Lăng... vừa mở cửa bước xuống, tôi bất ngờ gặp ngay người bạn học phổ thông cũ cùng quê...

- Ê...Đ.M Thảo hả!?...

- Lực hả...!?...

- Tao nè!!!...

- Ủa... Sao mầy làm gì đây!?...

- Đ.M... thì tao đang xây nhà cho mầy ở nè...

- ...!???...

- Hôm nay, tao nghe nhắc tên Thảo sẽ lên làm trưởng đài ở đây... mà không nghĩ là mầy...!!!

Hai đứa tôi vội ôm nhau, vỗ vai nhau "bộp, bộp" trước sự ngỡ ngàng của mọi người và… của cả hai đứa chúng tôi - cuộc gặp gỡ không thể bất ngờ hơn của 2 thằng học sinh cấp 2 năm nào...

***

..."Bùm, bùm!"... "keng, keng!"... Tiết Hóa của thầy Phú, chủ nhiệm lớp 9A2 của tôi đang "im ắng" trong giờ bài tập... bỗng dưng những âm thanh "lạ" ấy vang lên...

- "Chết chắc!"... tôi thoáng nghĩ, khi thấy thằng Lực ngồi trước tôi đập bàn "bùm, bùm"... rồi thằng Phú Hải lại gõ 2 miếng sắt vào nhau kêu "keng, keng"!... Theo hướng âm thanh phát ra, thầy Phú đến bên bàn tôi, hỏi ai!?... và không khó để "bắt" 2 thằng bạn đứng dậy để phạt... 

Thời cấp 2 của tôi, Lực từng được xem là "học sinh cá biệt" bởi tính quậy phá trong lớp và hay bắt nạt các bạn học cùng trường... nhưng không hiểu sao, Lực lại rất quý tôi, bênh vực và "bảo vệ tôi"...

***

Tôi không ngờ, giữa núi rừng Bà Rá; giữa vùng đất và người xa lạ... tôi lại gặp lại Lực, tôi lại có người "bảo vệ" tôi như hồi nào... 

Nghe Lực tâm sự, tôi mới biết sau khi học hành dang dở, Lực theo nghề thợ hồ... để rồi, duyên nợ lại lên núi Bà Rá, làm thợ cả, xây "nhà" cho tôi ở.

Thời gian xây dựng Đài Bà Rá, tôi không thể nào quên những tấm đan xi măng làm bậc tam cấp được Lực khiêng, vác, xây nối lên tới đỉnh... Khối biến áp cách ly nặng hàng chục kilogam mà Lực đã thay tôi kề vai gánh lên đỉnh núi... hay những hôm tôi và Lực lội thác, vào rừng sâu... rồi Lực trèo lên những cành khô cao tít để hái cho tôi những nhánh lan rừng...

Vậy mà, sau ít năm từ ngày Đài Bà Rá đi vào hoạt động, tôi không còn dịp gặp lại Lực vì căn bệnh ung thư quái ác mà Lực vướng phải....

Năm đó, tôi đã tìm về gia đình Lực ở xóm Lò Muối, Dĩ An... thắp nén hương trầm, tiễn biệt bạn!

Ngày tôi lên núi, đồi Bằng Lăng là nơi được chọn để tập kết các nguyên, vật liệu xây dựng như: cát, đá, xi măng, sắt, thép... để từ đây, người ta lại tiếp tục khiêng, vác chuyển lên đỉnh núi Bà Rá xây dựng nhà đặt máy phát sóng.  

Tên gọi đồi Bằng Lăng do các chú trong Ban Giám đốc Đài lúc đó đặt cho. Lý do có tên gọi này, vì khi mở đường hướng lên đỉnh, đến cánh rừng này là một khu vực thoai thoải, khá bằng phẳng và có nhiều cây bằng lăng rừng, mà có thể tận dụng để làm cửa, làm giường... phục vụ công trình.

Các chú kể, sau nhiều lần, nhiều điểm chọn để mở đường lên núi thì điểm chọn để mở lên núi bắt đầu từ vườn điều ông Hai Láng (sát khu vực từ tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm như hiện nay). So với các điểm khảo sát trước ở cánh rừng khu vực Phước Bình, thì điểm này thuận lợi hơn vì có độ dốc vừa phải, ít gặp các vách đá đứng nên sẽ dễ cho việc đưa máy ủi mở đường; dễ cho việc lên xuống, vận chuyển vật liệu xây dựng cũng như giảm thiểu khá nhiều chi phí xây dựng...

Đồi Bằng Lăng có độ cao 452m so với mặt nước biển, có hướng nhìn về đông bắc. Tựa vào lưng núi để nhìn xuống hướng này, nếu không bị cây rừng che chắn, người ta có thể nhìn thấy được ánh bạc ngập tràn của lòng hồ thủy điện Thác Mơ và xa xa trong mây là những rặng núi, dãy cuối của Trường Sơn... Ngay bên chân núi, khi vào đoạn đường dài 1,5km lên đồi Bằng Lăng, là cầu Thác Mẹ với dòng suối cạn của Thác Mơ róc rách chảy ngang. Những năm chưa ngăn dòng thủy điện, mỗi lần lên núi, ngang qua, tôi đều dừng lại nơi đây để ngắm những giọt nước tung tăng nhảy múa trong những làn sương khói ẩn hiện hòa cùng những âm thanh réo rắt vang lên... Quả là một cảnh quan thiên nhiên sống động mà con người nên tận hưởng... Thời đó, còn hoang sơ, mỗi sớm mai, từ trên đồi Bằng Lăng ta vẫn có thể nghe được tiếng rì rào vọng lên từ dòng thác Mẹ...

***

Đồi Bằng Lăng những năm mở đường, xây dựng chỉ có 1 ngôi nhà cấp 4  (trước là để làm nơi ở tạm của ban quản lý công trình, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và những người thợ xây. Sau là nơi ở cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật điều hành hoạt động của Đài phát sóng Bà Rá). 

Mặt bằng quanh ngôi nhà lúc này còn hoang sơ, phía trước là khoảng sân đất sỏi đỏ được san lấp nối liền con đường zig zag quanh co, đèo dốc từ chân núi lên; phía sau và bên hông nhà lại là những quả đồi, đá nhấp nhô, xen lẫn những cánh rừng rậm rạp của lồ ô, tre nứa...

Để thông thoáng trước sân nhà và có chỗ "tăng gia sản xuất", các chú trong Ban giám đốc lúc đó đã cho san lấp thêm 1 bãi đất trũng trước sân nhà ra sát cánh rừng khu vực cua "cù chỏ" lên đồi Bằng Lăng. Sau đó cho trồng bưởi, xoài, những vườn rau và những giàn mướp hương...

***

Những ngày ở núi…

…Vài hôm ông anh Hai ruột của tôi lại đón xe đò lên thăm tôi, có khi anh ở lại núi cùng anh em đến hôm sau mới về... và lúc nào cũng giúi vào tay tôi ít tiền...

Sau này, tôi mới biết mỗi lần lên núi thăm tôi về, anh Hai lại giấu ba mẹ khi kể về cuộc sống khổ cực của tôi... mãi cho đến 5, 6 năm sau thì ba mẹ tôi mới có dịp lên núi... Dù điều kiện cuộc sống sinh hoạt ở núi Bà Rá sau này đã khá khang trang, đủ đầy hơn, nhưng cái nhìn của người già luôn sâu sắc... Đi quanh một vòng ở đồi Bằng Lăng, ba đã vội quệt ngang nước mắt quay mặt không cho tôi thấy...

***

Ngày tôi lên núi, theo chân chú Bảy Hiếu - ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài (đã mất), anh Hai Sang (ông Trương Văn Sang, nguyên Phó Giám đốc Đài), chị Thu Hà ở Phòng Kế hoạch và đoàn khảo sát mở đường đã là một trải nghiệm quý giá với tôi về những kỹ năng, kinh nghiệm sống trong môi trường rừng núi và ý chí quyết tâm chinh phục thiên nhiên của con người...

Làm sao có thể quên được niềm vui khi tôi theo chân chú Út Tuyền (ông Ngô Thanh Tuyền, nguyên Giám đốc Đài Sông Bé) cùng những anh em ở núi len lỏi vào tận cánh rừng sâu trên núi để nối từng đoạn ống nhựa dẫn nước về đồi Bằng Lăng... Những bữa cơm vội bên những con dốc dài giữa rừng cùng anh em kéo điện lên núi... Hay những ngày nước rút cuối năm 1991, khi tôi cùng anh em kỹ thuật lúc bấy giờ khiêng, vác từng thiết bị máy móc cùng hàng trăm người dân lên, xuống để gùi, cõng từng viên gạch, bao cát, xi măng... vượt dốc, xuyên rừng từ đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi để kịp tiến độ hoàn thành nhà phát sóng đưa vào hoạt động ngay từ mùa xuân năm ấy...

***

Ở núi…

Mùa xuân năm 1991, có lẽ là mùa xuân tôi và anh em ở núi lúc đó không thể quên…

Sáng 30 tết, “Đồi Bằng Lăng đã có hoa xuân” - mấy cành mai của một gia đình người dân dưới chân núi dành tặng đã được tôi và anh em Bà Rá thui gốc kỹ và chọn được cái bình vừa vặn để vô và trang trí khá ưng ý.

Cả một cái đùi heo và một phần thịt vai to mà mấy anh trong Phú Văn dành cho, đã được anh em chúng tôi chia ra: kho tàu, nhồi khổ qua. Phần thịt có mỡ thì đã gói bánh tét, bánh chưng và nấu chín từ đêm 29. Quyển sách hướng dẫn nấu ăn mua tại sạp báo trước chợ Phước Long, tôi cũng đã lén anh em đọc nhàu nát mấy trang “món ăn ngày tết”… để rồi mua sắm và cùng anh em Bà Rá tổ chức nấu nướng khá ngon lành. Ai cũng đón tết xa nhà, nên tôi muốn anh em cũng có 3 ngày tết ở đây như ở nhà…

Có thêm mấy thùng bia mà chú Ba Khiêm gửi cho (ông Phạm Văn Khiêm, nguyên Chủ tịch huyện Phước Long lúc bấy giờ). Tết ở núi vậy là cũng đã tươm tất, đủ đầy. Sáu Dũng (anh Nguyễn Văn Dũng, nguyên Phó Đài Bà Rá) khui thùng bia, bỏ 2 lon vào ba lô cười túm tím: “Để đem lên đỉnh cúng giao thừa. Khuya nay trực xong, tôi với anh Ba cụng luôn”!

Đêm 30 trên đỉnh Bà Rá.

Cũng đã 10 giờ đêm. Để Sáu Dũng trong phòng máy trực phát sóng, tôi chuẩn bị cho mâm lễ cúng đặt bên ngoài phòng máy. Nói mâm lễ chứ cũng không nhiều nhặn gì ngoài một con gà luộc, ít trái cây, bánh mứt và 2 lon bia mà Sáu Dũng bỏ ba lô đem lên. Tôi sắp đặt bàn lễ trên chiếc bàn đá trước sân. Xong, lại bước ra gốc cây hoa sữa trước đài - nơi có bàn thờ mà tôi đóng tạm trên thân cây này để thắp nén hương. Dưới gốc cây này lúc đó vẫn còn có người nằm mà lúc san ủi, xây đài tôi đã phát hiện. Do đó chú Út Tuyền (ông Ngô Thanh Tuyền, nguyên Giám đốc Đài Sông Bé) đã kêu tôi thờ cúng. Tôi nhớ lời chú dặn: “Trên đỉnh núi này có rất nhiều người nằm xuống đây. Chiến tranh là vậy! Con dặn anh em mỗi khi lên đây trực, thắp cho họ nén nhang, van vái họ phù hộ cho tụi con mạnh khỏe và bình an để hoàn thành nhiệm vụ được giao…”. 

…Một cơn gió lướt qua, khiến tôi thấy lạnh người. Đêm giữa rừng núi càng rét buốt hơn khi trời càng khuya… Tôi vội bước trở vào, ngoài kia - dưới ngọn núi đã nhiều nơi rực sáng khắp nơi bởi tiếng pháo giao thừa… Bất giác, tôi nhớ nhà da diết, nhớ những đêm giao thừa được cùng gia đình bày cúng tổ tiên, ông bà và ngắm nhìn những tràng pháo nổ vang dài…

Trên tivi, pháo cũng đã nổ giòn, báo hiệu cho thời khắc giao thừa và một mùa xuân mới đã đến… Trên chiếc bộ đàm, tiếng chú Bảy Hiếu gọi chúc tết mấy anh em ở núi… Tiếng mấy anh em gọi chúc chú Bảy… Tiếng bộ đàm cứ rột rẹt của những anh em giữa đồi Bằng Lăng và đỉnh núi gọi để chúc nhau…. Tôi và Sáu Dũng cũng chúc nhau mà mắt cứ cay cay…

***

Mùa Xuân năm 1991, có lẽ là mùa xuân vui nhất của bà con 5 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) khi cánh sóng Bà Rá đã hòa cùng nguồn điện Thác Mơ để đem ánh sáng văn hóa về với bản làng xa xôi; nối dài những âm thanh, hình ảnh của quê hương đất nước về với Phước Long nói riêng và Bình Phước hôm nay. 

Riêng tôi, hình ảnh núi Bà Đen và núi Bà Rá luôn là niềm tự hào của tôi, khi ngay từ những tháng ngày hoang sơ trước đây, mình đã chinh phục được 2 trong số 3 ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ (xếp thứ tự là: núi Bà Đen của Tây Ninh - núi Chứa Chan của Đồng Nai - núi Bà Rá của Bình Phước). Âu cũng là cái duyên vậy!

"Leo núi không phải để thế giới có thể nhìn thấy bạn mà để bạn có thể nhìn thấy thế giới" (David McCullough)


Với tôi, đó còn là mốc thời gian khó thể nào quên trong suốt gần 40 năm vào ngành và Đài Phát sóng Bà Rá cũng là dấu mốc lịch sử đáng nhớ trong chặng đường phát triển của ngành phát thanh - truyền hình Sông Bé xưa và Bình Dương - Bình Phước hôm nay.

Đài Tiếp sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá là một công trình văn hóa được hình thành từ "Ý Đảng - lòng dân". Khởi công xây dựng từ những năm 1980 và chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động vào ngày 18-12-1991, với chức năng ban đầu là tiếp phát lại các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Sông Bé, VOV và VTV1. 

Đỉnh Bà Rá cũng là nơi phát các chương trình phát thanh, truyền hình Bình Phước đầu tiên vào ngày 1-1-1997 - khởi đầu cho việc hình thành Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước sau này. Tháng 10-2017, nơi đây được triển khai xây dựng khu du lịch tâm linh và Đài Bà Rá đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình

Bình Phước, tháng 5-2025

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/173288/chuyen-cua-nui


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm