Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của phóng viên, nhà báo, nhà quản lý và các chuyên gia công nghệ.
Đây là bước đi phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong sự phát triển của báo chí hiện đại. Dự thảo không chỉ điều chỉnh các hoạt động truyền thống mà còn mở rộng phạm vi áp dụng đối với báo chí trên nền tảng số. Những nội dung mới như quy định về hoạt động báo chí trên không gian mạng (Điều 32), mô hình Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện (Điều 18) hay mở rộng khái niệm “báo chí” bao gồm các nền tảng kỹ thuật số là những điểm nhấn quan trọng thể hiện sự cập nhật và định hướng thích ứng mạnh mẽ với thời đại.
Tái cấu trúc hoạt động báo chí trong môi trường số
Tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến từ chuyên gia, nhà quản lý và các nhà báo đã đóng góp thiết thực cho dự thảo, đặc biệt ở những nội dung liên quan đến chuyển đổi số.
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái báo chí số. Ông nêu thực tế: Tổng Biên tập có thể nhận mức lương 25 triệu đồng nhưng để tuyển dụng một chuyên gia công nghệ, cần mức đãi ngộ lên tới 50 triệu. Hiện tại nhiều cơ quan báo chí chưa thể thực hiện do thiếu cơ chế phù hợp. Nếu không có nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, lực lượng then chốt trong chuyển đổi số, cơ quan báo chí khó có thể bắt nhịp với yêu cầu đổi mới hiện nay. Nghị quyết 57-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu “Bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp”.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ vai trò của việc liên kết giữa các cơ quan báo chí và doanh nghiệp công nghệ trong thúc đẩy chuyển đổi số. Theo ông Sưởng, những cơ quan báo chí đang có được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ có thể triển khai hệ sinh thái số bài bản hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn các cơ quan vẫn đang loay hoay “mày mò” tìm hướng đi. Ông dẫn thí dụ từ chính báo Tiền Phong: Năm 2015 từng xây dựng đề án chuyển đổi số, nhưng sau nhiều năm vẫn không triển khai được vì không tìm được đối tác công nghệ phù hợp. Khi không có chuyên môn, không có nhân lực lẫn nền tảng hỗ trợ, nhà báo chỉ giỏi nội dung cũng khó phát triển công nghệ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhận định: Dự thảo Luật Báo chí đã dành một chương riêng về hoạt động báo chí trên không gian mạng. Điều này thể hiện sự đổi mới trong tư duy pháp lý, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động trên các hạ tầng không gian. Tuy nhiên, ông cho rằng cần rà soát kỹ Khoản 3, Điều 9 về Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí. Việc nhắc đến “cước vận chuyển báo chí” chỉ phù hợp với báo in, nhưng trong môi trường số, khái niệm này cần được hiểu là chi phí hạ tầng công nghệ, thí dụ như băng thông, lưu trữ, máy chủ - những yếu tố thiết yếu trong phát hành nội dung số.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietnamNet cho rằng cần làm rõ thuật ngữ “không gian mạng” trong Điều 32 của dự thảo để tránh sự lệch nhau so với thuật ngữ này trong Khoản 3, Điều 2 của Luật An ninh mạng năm 2018. Không gian mạng theo định nghĩa của Luật An ninh mạng có tính chất kỹ thuật nhiều hơn tính chất kinh tế hay nội dung.
Ông cũng lưu ý làm rõ Khoản 2, Điều 33 “Thông tin do cơ quan báo chí đưa lên không gian mạng phải có đăng, phát trên hệ thống chính thống của cơ quan báo chí, biên tập nội dung phù hợp với không gian mạng”. Đối với báo in, bản chính thống là báo in. Còn với báo điện tử, trang của tờ báo điện tử nằm trên không gian mạng. Nên xem lại sự mâu thuẫn trong nội dung này.
Ông cũng lưu ý cách xác định trang thông tin chính thống. Giai đoạn phát triển trước, điều kiện kỹ thuật, công nghệ kém hơn, hiện nay chủ yếu các cơ quan báo chí truyền tải thông tin, phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo Vietnamnet.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm đề xuất làm rõ vai trò của “trang thông tin điện tử tổng hợp”. Đây thực chất là các website không mang tính chất cơ quan báo chí nhưng lại đăng tải tin bài từ báo chí chính thống. Luật cần xác định rõ các trang này không phải là tổ chức hoạt động báo chí. Việc quy định các trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội chỉ được sử dụng tin bài từ báo chí khi có thỏa thuận là hoàn toàn hợp lý, góp phần bảo vệ bản quyền, trong bối cảnh báo chí chính thống đang bị thu hẹp số lượng ấn phẩm trong khi các trang tổng hợp đăng tải lại nội dung báo chí một cách tràn lan.
Ngoài ra, tuy không mâu thuẫn về nội dung cốt lõi, nhưng quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là việc trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và đăng, phát tin, bài như cơ quan báo chí và Khoản 4, Điều 32 quy định Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tin, bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí có thể gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng.
Quy định thứ nhất nhằm ngăn chặn tình trạng “giả báo chí”, khi các trang mạng hoặc nền tảng không có giấy phép báo chí nhưng vẫn thực hiện các hoạt động mang tính chất như một cơ quan báo chí chuyên nghiệp (từ sản xuất nội dung, biên tập, đến phát hành thông tin). Trong khi đó, quy định thứ hai cho phép các nền tảng được sử dụng lại tin, bài báo chí nếu có thỏa thuận hợp pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu nội dung và tránh hành vi xâm phạm bản quyền. Vì vậy, cần xác định rõ thế nào là “tự sản xuất và đăng phát như cơ quan báo chí” cũng như phân biệt giữa nội dung báo chí với các loại hình truyền thông khác như quảng bá, quan hệ công chúng (PR)…
Đồng thời, việc chuẩn hóa các thuật ngữ “tin bài như báo chí”, “sản xuất nội dung”, “tổng hợp tin tức” là rất cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi luật được minh bạch, nhất quán, tránh chồng lấn giữa hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Việc làm rõ khái niệm và ranh giới giữa hành vi sản xuất nội dung báo chí và sử dụng lại tin bài từ cơ quan báo chí là điều cần thiết để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số báo chí
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, việc sửa đổi Luật Báo chí là yêu cầu tất yếu để thích ứng với thời đại. Các quy định liên quan đến chuyển đổi số không chỉ mang tính cập nhật mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân trong thời đại hội nhập. Chuyển đổi số trong báo chí không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo mà còn là sự thay đổi sâu rộng về mô hình tổ chức, cách thức vận hành và tư duy làm báo. Các cơ quan báo chí cần thích nghi nhanh với môi trường mới, sử dụng công nghệ như công cụ để nâng cao chất lượng nội dung, mở rộng khả năng tiếp cận công chúng và tăng cường sự tương tác hai chiều.
Mô hình tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện được đề cập trong dự thảo là hướng đi phù hợp, cho phép cơ quan báo chí phát triển đồng thời nhiều loại hình (báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình) kết hợp nền tảng số, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng.
Dự thảo cũng đưa ra đề xuất về cơ chế hỗ trợ cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác doanh nghiệp công nghệ. Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đến hoạt động trên nền tảng số, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho liên kết quảng cáo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển nhân lực công nghệ thông tin cũng là những định hướng thiết thực.
Đây là những yếu tố then chốt để báo chí Việt Nam có thể phát triển bền vững trong môi trường số và khẳng định vai trò trong hệ sinh thái truyền thông hiện đại. Việc tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với sự đóng góp của các chuyên gia, nhà báo và cơ quan quản lý là bước đi cần thiết để xây dựng một nền báo chí cách mạng hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển trong thời đại số.
Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ban soạn thảo tiếp tục đón nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo và các cơ quan báo chí… nhằm góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/chuyen-doi-so-trong-du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-dinh-hinh-tuong-lai-bao-chi-viet-nam-tren-khong-gian-mang-212171.html
Bình luận (0)